Người đàn ông lịch lãm mặc bộ vest trắng ngồi trầm tư trong quán cà phê ven đường nhìn ra phố xá của Sài Gòn. Chiếc mũ phớt trên bàn, cuốn sổ mở ra, trên giấy hiện lên những dòng chữ giản dị… Hình ảnh ấy gợi nhớ về một “người Mỹ trầm lặng” trong bộ phim cùng tên. Ít ai có thể ngờ tác giả tập thơ Đằng sau đôi mắt xanh (Behind Blue Eyes), với những hình ảnh, âm thanh đầy ắp của đồng quê, những hương vị xa xưa tìm thấy trong những thành phố cổ, những câu chuyện cổ tích, hiện đại của Việt Nam ấy lại là Robert Hughes – Tổng Giám đốc Công ty Cisco Systems Việt Nam.
Cisco là một tập đoàn toàn cầu hàng đầu trong lĩnh vực mạng và Internet mà 7 tháng đầu năm 2004 doanh thu đã lên đến 22 tỉ USD. Khi còn làm Tổng Giám đốc đầu tiên của HP Việt Nam, ông Robert Hughes đã lọt vào danh sách đầu bảng của những công ty săn đầu người đa quốc gia tại Việt Nam. Sau một thời gian gầy dựng HP, ông được giới thiệu chuyển sang công việc mới: Tổng Giám đốc Công ty Cisco Systems Việt Nam. Đi về giữa TP.HCM và Hà Nội như con thoi, công việc không làm ông mất đi niềm cảm hứng với những gì ông bắt gặp về một “xứ sở bí ẩn đầy ắp chất thơ” như lời ông thổ lộ.
____
Trong tập thơ “Đằng sau đôi mắt xanh” do NXB Mark Standen Publishing Thái Lan ấn hành năm 2000, tràn ngập cảm xúc về không gian văn hóa, con người, cảnh sắc Việt Nam, những hiểu biết sâu sắc về Kiều, Lục Vân Tiên, Hồ Xuân Hương, Xuân Diệu… Lý do nào khiến ông cầm bút? Ông nghĩ sao khi được gọi là nhà thơ?
Thực tình thì tôi không phải là một nhà thơ. Tôi đi rất nhiều nơi, chụp rất nhiều hình ảnh về Việt Nam, và những ý thơ nảy ra hết sức tự nhiên. Tôi cũng không có ý tưởng xuất bản một tập thơ, mà chỉ đơn giản là tập hợp những hình ảnh, những bài viết tản mạn của mình về Việt Nam, dưới một cái nhìn rất riêng, rất nhỏ, một góc của cuộc sống, như cảm xúc của những “mối tình đầu”. Nhưng do tác phẩm… đẹp quá (cười), nên mọi người gọi tôi là nhà thơ… Cách đây khoảng 20 năm, khi còn là một sinh viên đang học ở Mỹ, tôi đã được giao viết những bài luận về Việt Nam. Mặc dù chưa bao giờ tới đây, nhưng những bài viết đầu tiên đã hướng sự tò mò của tôi đến viễn cảnh sống ở một đất nước được coi là còn nhiều bí ẩn trong suy nghĩ của người Mỹ. Cho đến khi tôi được đi khắp Việt Nam, tôi chỉ nghĩ một điều: đây là vùng đất màu mỡ dành cho thơ và những điều lãng mạn khác.
____
“Đằng sau đôi mắt xanh” là bài thơ được ông lấy làm tựa đề của cuốn sách, ông có thể kể một chút cảm xúc khi viết bài thơ này? Đối với ông, mỗi bài thơ có là một kỷ niệm?
Đây là bài thơ cuối cùng trong tập sách, lấy nguồn cảm hứng từ ánh mắt một em bé Việt Nam nhìn vào mắt tôi một cách rất đặc biệt. Khi tôi soi vào đôi mắt của em, tôi nhận ra đôi mắt của mình màu xanh. Tôi nghĩ phải chăng em đã phát hiện một điều gì đó thú vị, khác biệt ở nơi tôi. Và tôi đã nhận ra mình trong đôi mắt ấy. Mỗi nơi, mỗi vẻ đẹp phong phú khác hẳn nhau của Việt Nam đã gây trong tôi một cảm xúc mạnh mẽ.
____
Nếu có thể nói về Việt Nam trong vài từ đặc trưng nhất, ông sẽ nói gì?
Màu xanh lá cây. Nước của những cơn mưa, những bờ biển trải dài, độ ẩm. Nụ cười.
Tôi yêu vẻ đẹp của người thiếu nữ Việt Nam qua Kiều của Nguyễn Du và Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu.
____
Cho đến bây giờ, điều gì của Việt Nam quyến rũ ông nhất? Làm thế nào ông có thể đọc nhiều tác phẩm văn học của chúng tôi?
Đó chính là tình yêu cuộc sống của người Việt Nam. Trải qua bao mất mát trong chiến tranh và những khó khăn trong thời kỳ xây dựng đất nước, họ vẫn là những con người thật nhiệt tình, thật hăng say trong công việc. Chính họ đã giúp tôi hiểu rõ hơn về văn hóa Việt Nam, đam mê hơn vùng đất này. Nói về chữ Nôm, thực sự tôi chưa thể hiểu hết hoàn toàn. Trước đây tôi có học chữ Hán, nên khi học qua chữ Nôm cũng có một số nét tương đồng. Chữ Nôm rất đặc biệt, độc đáo, khá phức tạp. Tôi thích đọc những bài thơ nguyên bản bằng chữ Nôm hơn là thơ dịch. Tôi yêu vẻ đẹp của người thiếu nữ Việt Nam qua Kiều của Nguyễn Du và Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu. Bên cạnh vẻ đẹp ngoại hình là vẻ đẹp nội tâm mạnh mẽ, hiện thân của cả một dân tộc, những tính cách Việt Nam, biết vượt qua tai ương, nắm lấy thời cơ và thể hiện bản lĩnh mạnh mẽ của mình.
____
Lý do nào đã đưa ông đến Việt Nam, và sau khi đặt nền móng cho HP ở Việt Nam ông lại đề cử người thay thế mình là một phụ nữ Việt? Đối với một người ở vai trò như ông, sự chuyển đổi giữa công ty này sang công ty khác có khó khăn không?
Trước kia tôi sống ở Hồng Kông, do sự phân công, tôi đã đến Việt Nam. Vào thời điểm này, rất nhiều người Mỹ nặng lòng với quá khứ thường có suy nghĩ hơi cay đắng về Việt Nam. Tuy nhiên có một sự thôi thúc tôi đến đây. Tôi đã rất may mắn khi tuyển dụng được những con người rất thông minh, chăm chỉ, như chị Trần Thị Minh Thuận, hiện là Tổng Giám đốc HP Việt Nam. Do những khả năng có sẵn của các nhân viên Việt Nam, tôi không truyền cho họ bí quyết gì, mà tạo những cơ hội để họ tự khẳng định. Tôi rất tự hào vì đã có thời gian được làm việc với họ. Thực ra những gì tôi đã làm với HP cũng là những gì tôi đang làm cho Cisco và những “đối tác Bạc” của Cisco như FPT, ITC, ISP, DTS, CMC, HPT… Đó là cách quản lý, những nguyên tắc kinh doanh để tạo lập các mối quan hệ rất khác nhau. Để thành công trong công việc tại Việt Nam, phải thực hiện hai điều cùng một lúc: quan tâm đầy đủ với khách hàng, luôn tạo dựng những mối quan hệ tốt trong công việc. Khi lựa chọn nhân viên, điều tôi quan tâm nhất là họ phải có năng lực tương xứng, khả năng làm việc tốt. Tuy nhiên tôi luôn tạo sự tin tưởng với nhân viên và tạo điều kiện tốt để họ thích ứng với công việc. Đó chính là tiêu chí giúp cho một công ty hoạt động tốt.
____
Người Mỹ kinh doanh tại thành phố này khá nhiều, ông đã có tác động ngược lại với các đồng nghiệp Mỹ của mình thế nào để giúp họ vượt qua mặc cảm ban đầu, cùng hợp tác kinh doanh với Việt Nam?
Hiện có rất nhiều tổ chức thương mại quốc tế ở TP.HCM. Khi nói về sự phát triển thương mại, cũng chính là khi chúng ta trao đổi được với nhau những tư tưởng, ý kiến… Có nghĩa là chúng ta đã hiểu nhau về văn hóa, lịch sử, trao đổi với nhau niềm tin… Xóa bỏ hàng rào ngăn cách về văn hóa và xóa đi những cay đắng trong quá khứ để hiểu nhau, làm việc với nhau tốt hơn, đó cũng chính là những điều thừa hưởng được từ thương mại.
____
Ngược lại, sự hiểu biết về văn hóa Việt Nam đã giúp ông như thế nào trong quản lý nhân viên của mình, để có thể linh hoạt, sáng tạo hơn so với những cung cách cũ?
Đây là một câu hỏi rất lý thú, bởi sự hiểu biết về văn hóa là điều rất cần thiết để thúc đẩy các nhân viên làm việc tốt hơn, là điều quan trọng để xây dựng môi trường làm việc tốt cho nhân viên của mình. Tôi đã từng có những nhân viên người Hồng Kông, Đài Loan, Singapore… Mỗi nơi có những cách khuyến khích khác nhau. Người Singapore rất thẳng thắn, nhiều tham vọng, cách khuyến khích họ khác hẳn đối với người Thái Lan. Với người Việt Nam, cách phù hợp nhất là khuyến khích họ tạo dựng sự nghiệp bằng cách tạo điều kiện làm việc tốt cho họ.
Xóa bỏ hàng rào ngăn cách về văn hóa và xóa đi những cay đắng trong quá khứ để hiểu nhau, làm việc với nhau tốt hơn, đó cũng chính là những điều thừa hưởng được từ thương mại.
____
Việc chuyển tư cách pháp lý, từ một văn phòng đại diện thành công ty 100% vốn nước ngoài có là bước đột phá của Cisco Việt Nam? Ông có gặp khó khăn gì khi tiếp nhận Cisco? Bản thân ông đánh giá mình đã thật sự thành công với Cisco chưa?
Cisco cung cấp nhiều sản phẩm nhất trong lĩnh vực truyền dữ liệu, tiếng nói và hình ảnh trong các cao ốc, các khu tập trung, với những sáng kiến công nghệ hàng đầu, và luôn có trách nhiệm trong hợp tác cộng đồng. Sự thay đổi tư cách pháp nhân của Cisco phản ánh cam kết hoạt động kinh doanh lâu dài của chúng tôi tại Việt Nam, đồng thời cũng tạo điều kiện cho chúng tôi được tiếp xúc nhiều hơn với khách hàng của mình để có thể đưa ra các giải pháp phù hợp và hoàn hảo hơn vì lợi ích của các nhà cung cấp dịch vụ cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, Cisco Systems vẫn tiếp tục đẩy mạnh hệ thống các đối tác của mình tại thị trường Việt Nam và cam kết sẽ hỗ trợ một cách tốt hơn các đối tác này. Cisco cũng góp phần chuyển giao kỹ năng công nghệ tiên tiến cho giới trẻ ở đây thông qua sáng kiến chương trình từ thiện, chương trình Học viện Mạng Cisco… Kể từ năm 2001 đến nay, đã có 6.500 học viên Việt Nam tốt nghiệp từ chương trình Học viện Mạng Cisco…
Công việc thường xuyên của tôi vào mỗi buổi sáng sau khi thức dậy là kiểm tra mạng hệ thống, xem đường truyền có hoạt động tốt hay không. Sau đó là thăm viếng khách hàng, đối tác và dành thời gian cho nhân viên, để luôn biết được họ cần gì, những khó khăn họ đang gặp phải. Sau đó tôi làm việc với cơ quan chủ quản của mình ở Singapore để giúp cho những kênh phân phối của Cisco hoạt động tốt hơn. Bản thân Cisco đã có những nhân viên rất tốt, khi tôi đến với Cisco, tôi đã đưa tầm hoạt động của Cisco rộng hơn, quy mô lớn hơn. Hiện Cisco có một thị trường rất đa dạng, một định hướng kinh doanh tốt tại Việt Nam.
____
Ông đã là đối tượng của các công ty săn đầu người, ông đánh giá như thế nào về hoạt động của các công ty săn đầu người ở Việt Nam và những lợi ích của họ đối với công ty của ông?
Cũng như các doanh nghiệp khác, Cisco Systems đang phát triển mạnh ở Việt Nam và vì vậy rất cần nhân lực chất lượng cao. Các công ty cung cấp nhân lực chất lượng cao (các công ty săn đầu người) là một kênh rất tốt để có thể tiếp cận được các nguồn nhân lực này. Theo tôi, thị trường cung cấp lao động này thật sự có tính cạnh tranh và rất lành mạnh, ngày càng trở thành một xu thế tốt cho quản trị nhân sự. Họ cũng chính là cầu nối có hiệu quả giữa các nhà tuyển dụng và các ứng viên tài năng. Bản thân Cisco Systems cũng đã có được những nhân viên tốt từ các công ty tư vấn nhân lực.
____
Một người kinh doanh trong ngành công nghệ cao lại có một trái tim rất đa cảm như ông liệu có khó khăn khi giải quyết một vấn đề nào đó?
Quả thực rất khó để cân bằng con người mình. Trong công việc, đôi lúc tôi rất nóng giận trước những hành vi không phải, thậm chí chỉ muốn sa thải ngay nhân viên của mình. Nhưng những lúc ấy, phần lãng mạn trong người lại khiến tôi có những ý nghĩ muốn giúp họ thay đổi. Phải dung hòa hai tính cách đó trong vai trò lãnh đạo mới có thể hướng cho nhân viên mình tập trung vào công việc đang làm, bởi vì tôi không thể làm được tất cả mọi việc.
____
Ông có kinh nghiệm gì trong việc giải quyết những mối quan hệ rất khác nhau giữa công việc, đời sống, xã hội?
Đây là một câu hỏi khó đối với tôi. Tuy nhiên, tôi luôn cố gắng hiểu quan điểm của người khác, hiểu họ đang nghĩ gì, để tự thỏa hiệp khi cần thiết. Việc cam kết về kết quả mình đang làm mới là điều quan trọng, không ai cho không ai một điều gì, biết thế để có thể hiểu được quyền lợi của từng bên, có sự linh hoạt điều chỉnh trong từng hoạt động của mình. Tôi đã áp dụng điều này với tất cả khách hàng, nhân viên, đối tác. Quan trọng là phải bình tĩnh, kiên nhẫn, biết chờ đợi.
Tôi muốn nói với những bạn trẻ mới lập nghiệp là đừng bao giờ nghĩ thất bại là một sự thụt lùi trong sự nghiệp, phải có tầm nhìn xa hơn, lạc quan hơn.
____
Đã bao giờ ông gặp thất bại? Những kinh nghiệm nào ông có thể chia sẻ với những doanh nhân bắt đầu sự nghiệp?
Không bao giờ tôi cho rằng mình gặp thất bại mà đó chỉ là thử thách tạm thời. Khi thất bại, rất khó để có thể đứng dậy đi tiếp. Tôi muốn nói với những bạn trẻ mới lập nghiệp là đừng bao giờ nghĩ thất bại là một sự thụt lùi trong sự nghiệp, phải có tầm nhìn xa hơn, lạc quan hơn. Thất bại chỉ là sự thoái lùi tạm thời để bạn có một nghị lực mới đi tiếp, làm việc nhiều hơn.
____
Ông có thể kể một chút về tuổi trẻ của mình, về quê hương ông, những điều ông gắn bó, yêu thương?
Tôi sinh ra ở một miền núi cao nguyên nước Mỹ, bang Utah. Thời trẻ của tôi cũng giống như rất nhiều người khác, đam mê thể thao, rất thích trượt tuyết, tán gẫu với bạn bè. Tôi có tám năm đại học, với ba bằng cấp khác nhau. Chính điều này đã giúp tôi làm việc và tạo ra những cơ hội. Tôi nghĩ tuổi trẻ đều có quyền đam mê làm việc và làm những điều mình thích, và rất cuồng nhiệt. Tôi còn rất mê chụp ảnh, và có một cuốn sách ảnh về Myanmar. Tôi nghĩ cách hưởng thụ cuộc sống tốt nhất là có nhiều đam mê khác ngoài công việc. Tôi yêu những người bạn tốt, yêu vẻ đẹp của thiên nhiên, yêu nghệ thuật, âm nhạc, yêu những đồ thủ công… Tôi không quá chú tâm vào tiền bạc, bởi tiền bạc không bảo đảm cho con người hạnh phúc. Triết lý sống của tôi là làm sao vừa lòng người khác, lịch thiệp, tốt bụng với mọi người. Muốn thế chính mình phải cảm thấy hạnh phúc, mới có thể làm cho mọi người hạnh phúc. Cái tôi mới là quan trọng, còn vật chất xung quanh chỉ là thứ yếu. Tôi có một người vợ rất tuyệt vời, một gia đình hạnh phúc với đầy đủ bố mẹ, anh chị. Hiện vợ tôi đang sống ở Hà Nội. Tôi quan tâm đến những giá trị truyền thống, giá trị gia đình của người châu Á, bởi cơ cấu gia đình ở Việt Nam ảnh hưởng rất tốt cho xã hội. Một gia đình êm thấm mới tạo ra một xã hội không nhiều xáo trộn. Nền văn hóa chung mà mọi người đang giao tiếp hàng ngày là văn hóa của điện thoại di động, MTV… Đó cũng là điều tốt thôi, nhưng đừng để nó lấn át văn hóa truyền thống.
____
Khi làm thơ, ông có cảm thấy mình hạnh phúc nhất?
Mỗi khi cầm bút, bản thân mình cũng không thể quyết định được cảm xúc, có thể là vui, buồn, tan nát… mới ra thơ. Lúc tôi làm thơ, tôi sống rất thật với bản thân mình, nhưng có thể không thật với thực tế (cười rạng rỡ).