Trung Quốc tính toán kỹ lưỡng đến việc cho phép mỗi gia đình sinh một con hay hai con. Đây không chỉ là vấn đề dân số mà còn là vấn đề kinh tế. Điều này giải thích tại sao nước này không ngay lập tức cho phép sinh đẻ tự do mà phải chờ đến năm 2019. Trang mạng apple.com.hk (Hongkong) mới đây có bài viết về vấn đề này như sau.
Cách đây gần bốn mươi năm, Đảng Cộng sản Trung Quốc yêu cầu các đảng viên phải đi đầu trong việc thực hiện các chính sách sinh một con, đến năm 2015 lại nới rộng, cho phép sinh hai con. Chính quyền Trung Quốc hy vọng chính sách mới này có thể hạn chế tốc độ lão hóa dân số Trung Quốc đồng thời sẽ giảm bớt những chỉ trích quốc tế về chính sách hạn chế sinh đẻ trước đây. Quyết định có thể được đưa ra vào quý IV năm nay hoặc thông báo chính thức có thể trì hoãn đến năm 2019.
Bài báo cho biết chính sách một con được thực thi suốt 40 năm qua đã để lại không ít hệ lụy cho xã hội Trung Quốc, khiến cho lực lượng lao động thiếu hụt trầm trọng cũng như mất cân bằng về giới tính. Chính sách một con của Trung Quốc đã dẫn đến nhiều vấn đề. Thứ nhất, do phân biệt giới tính nên nhiều thai nhi là bé gái đã bị bỏ và cả một thế hệ nam giới của Trung Quốc hiện nay phải đối mặt với tình trạng khó lấy vợ. Dư luận chỉ trích việc Trung Quốc không có bất kỳ lời xin lỗi nào trước những hệ lụy của chính sách một con như lão hóa dân số hay thiếu hụt lao động. Đáng nói hơn, dân số lão hóa sẽ đẩy chi phí lương hưu, chăm sóc y tế gia tăng và vấn đề này hiện nay Trung Quốc chưa tìm ra câu trả lời.
Nhà bình luận chính trị Yokogawa cho biết sau khi Trung Quốc thực thi chính sách cho phép sinh hai con, tỷ lệ sinh không hề tăng lên. Do hiểu được tính nghiêm trọng của vấn đề cho nên Trung Quốc muốn tiến tới xóa bỏ hoàn toàn chính sách kế hoạch hóa gia đình. Năm 2017, để thúc đẩy các gia đình sinh thêm con thứ hai, giới chức tuyên bố sẽ tháo vòng tránh thai IUD miễn phí cho 18 triệu phụ nữ đáp ứng đủ điều kiện.
Tom Orlik, chuyên gia kinh tế, cho biết việc sinh thêm con trước mắt sẽ khiến vấn đề lao động trên thị trường tồi tệ hơn bởi sẽ có thêm nhiều bậc cha mẹ phải nghỉ làm để chăm sóc con cái. Nhà bình luận Yokogawa nhận định việc Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra chính sách sinh hai con cũng không thể làm tăng tỷ lệ sinh, do đó cho dù xóa bỏ hoàn toàn việc hạn chế sinh đẻ và khiến người dân tự quyết định số lượng con cũng sẽ không có tác dụng nhiều ngay lập tức.
Trên thực tế, chính sách kế hoạch hóa gia đình còn khiến phúc lợi xã hội ngày càng giảm thấp hơn so với trước đây. Số tiền để trả lương hưu và phúc lợi xã hội ngày càng ít dần. Hiện nay, do thuế và giá bất động sản bị đẩy lên cao, trở thành gánh nặng kinh tế khiến mọi người không muốn sinh nhiều con tại Trung Quốc. Do đó, điểm mấu chốt là Trung Quốc muốn người dân sinh thêm con nhưng không đưa ra các chính sách hỗ trợ để giảm gánh nặng cho họ thì vấn đề trên sẽ không thể giải quyết.