Kiêu hãnh về những gì làm được nhưng lại rất thận trọng và khiêm nhường trước dự tính tương lai. Rất bằng lòng với cuộc sống hiện tại nhưng lại muốn vươn tới chinh phục những đỉnh cao. Với một niềm đam mê không bao giờ cạn, ông mải miết kiếm tìm trong kho tàng văn hóa dân tộc và các nước để hun đúc ý tưởng mới cho các dòng sản phẩm của mình – những sản phẩm rất bình thường trong đời sống – ngày một đẹp hơn, ấm áp hơn, có hồn hơn trên bàn ăn của mỗi gia đình. Xem kỹ những mặt hàng mới chưa xuất xưởng của Minh Long, có cảm giác như ông đang gửi vào đó một chiếc chìa khóa vàng, một chất men gắn kết hạnh phúc cho mọi người…
Quê ông ở làng Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Cái làng nghèo heo hút của đất miền Đông Nam Bộ này ngày xưa thường được hình dung: Dưới sông sấu lội trên rừng cọp đua. Khi trôi dạt đến mảnh đất này, ông nội rồi cha mẹ ông đều mưu sinh bằng nghề sành sứ, tất cả do bàn tay vất vả làm nên. Ông lớn lên trong căn nhà nhỏ như thể trên thế gian này không còn có căn nhà nào nhỏ hơn thế. Đất nguyên liệu, màu sơn và những chén đĩa sành sứ của một thời chật cả lối đi.
Căn phòng chỉ kê đủ bốn tấm ván nhỏ vừa đủ để anh em ông nằm ngủ. Dù không hoàn hảo nhưng sản phẩm của cha ông cũng có một sức cuốn hút đặc biệt đối với một đứa trẻ 12 tuổi như ông. Dần dà trong ý nghĩ của cậu bé xuất hiện một chút đam mê xen lẫn với những ước mơ đầu tiên rằng nếu cố học, nếu có một sự may mắn nào đó, mình sẽ làm ra được những sản phẩm đẹp hơn, thay thế những chiếc chén đá con cua, chén trứng sáo, chén bài thơ… thô sơ, đơn giản.
Nhưng đam mê là một chuyện, còn thực tế lại là chuyện khác. Cậu bé nghèo 12 tuổi chỉ được học hết lớp 3 trường làng. Nhà nghèo, em nhỏ, ông phải nghỉ học. Chữ Hoa, chữ Việt đều không đủ để đọc sách, đọc báo. Ông phải cùng nhóm bạn đăng ký học hàm thụ thêm vài năm nữa (học mà không tới trường, chỉ gửi bài làm và nhận bài học) từ một trường phổ thông trung học của Đài Loan. Nhờ cách học này mà Lý Ngọc Minh không kém bạn.
Mãi đến năm 18 tuổi, khoảng năm 1968, ông cùng Dương Văn Long, người bạn thân cùng làng, cùng nỗi đam mê cùng nhau mò mẫm, tự nghiên cứu thiết kế mẫu mã và tự pha chế màu men. Ba năm đằng đẵng trôi qua, công việc nghiên cứu đã cho những kết quả đầu tiên nhưng không thể sản xuất được vì thiếu công nghệ. Một chuyến du ngoạn đến vùng gốm sứ mỹ nghệ Biên Hòa nổi tiếng đã mê hoặc và có sức thôi thúc lớn đối với ông. Thôi thì làm từng bước – ông Minh kể – Minh Long – tên ghép của tôi và Long thành tên công ty của hai gia đình. Sản phẩm gốm sứ Minh Long ra đời từ đó, khoảng đầu thập niên 70 thế kỷ trước…
Tất nhiên, sản phẩm của Minh Long vào năm 1973 chỉ là bước khởi đầu và sau ba mươi năm trì chí, sản phẩm Minh Long ngày nay đã khác. Nó đã được xếp chung hàng với những tên tuổi gốm sứ lớn trên thế giới. Có ý nghĩa nào khác trong tên gọi Minh Long hay chỉ là điều giản dị như ông Lý Ngọc Minh đã kể? Tôi tự đi tìm câu trả lời bằng cách nhìn ngắm, tìm hiểu kỹ trong hơn ba mươi dòng sản phẩm, với hơn trăm ngàn chủng loại khác nhau của Minh Long, quan sát cung cách và sự trì chí của con người làm ra những chén bát, bình tô, tượng lớn nhỏ khác nhau ấy và trong tôi, Minh Long còn mang một ý nghĩa khác: Sự tỏa sáng của rồng.
Sau nhiều lần hò hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng thực hiện được cuộc trò chuyện với Lý Ngọc Minh tại Showroom Minh Long ở Thuận An (Bình Dương). Cách trưng bày sản phẩm ở đây rất đẹp, sang trọng và chuyên nghiệp. Trong buổi sáng này, hàng chục đoàn khách nước ngoài chủ yếu là các nhà kinh doanh gốm sứ mỹ nghệ từ các quốc gia châu Âu đến Minh Long, kẻ thương thuyết giá, người đặt số lượng hàng. Hai họa sĩ người Đức, họa sĩ thiết kế chính cho Showroom mới của Minh Long rộng gần 6 hecta dự kiến sẽ hoàn thành trong năm tới, cũng vừa xong việc.
Cả vợ và con ông đều bận tiễn hai đoàn khách tận sân bay Tân Sơn Nhất. Trong khi trò chuyện, ông vẫn không quên điện thoại dặn tiếp tân của mình đừng quên nhắc ông đến chào khách trước khi họ ra về, đừng để họ buồn. Lịch lãm và mềm dẻo là thế, nhưng ông cũng kiên quyết từ chối những đơn hàng mà khách có những yêu cầu vượt quá khả năng giao hàng hoặc có những gì ảnh hưởng không tốt đến thương hiệu Minh Long. Hỏi ông có cú sốc nào không trong cuộc đời kinh doanh của mình, Lý Ngọc Minh kể:
Nhiều vô kể. Nhưng cú sốc lớn nhất và không thể nào quên đối với tôi, đó là khi phải ngưng sản xuất gốm sứ, không được làm hàng xuất khẩu để chuyển sang làm nông nghiệp trong ba năm từ 1980 – 1983. Mười ngàn cái bắp cải, hàng ngàn ký bông cải… Rau rất ngon nhưng với tôi trong đó dường như có vị đắng. Với ba năm đèn sách miệt mài trong phòng thí nghiệm, tôi đã sản sinh ra những mặt hàng gốm sứ cao cấp Minh Long, chẳng lẽ giờ đây tôi lại phải chôn vùi nỗi đam mê của đời mình? Ở Bình Dương lúc đó người này truyền người kia rằng hãy đến xem Lý Ngọc Minh làm nông nghiệp.
May mắn thay, khúc quanh khắc nghiệt đó không thể kéo dài hơn. Một hôm, ông Bảy Thân, Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch tỉnh, giới thiệu ông Ba Hà, Phó Chủ tịch tỉnh, đến gặp tôi và bảo “Minh ơi, nghề chính của mày là nghề sành sứ xuất khẩu, chứ không phải là làm nông nghiệp, bây giờ Nhà nước có nhiều chính sách mở cửa khuyến khích sản xuất công nghiệp rồi, mày phải trở lại với nghề chính của mình thôi…”. Đúng là được lời như mở tấm lòng và tôi vốn xác tín một nỗi đam mê cháy bỏng của một đời người không dễ bỏ, Minh Long đã trở lại cho tới hôm nay…
____
Rồi từ đó đến giờ với Minh Long là một con đường bình yên?
Có thể nói, đường kinh doanh của tôi không có rủi ro trừ những biến động xã hội có tính chất lịch sử thì đành chịu. Có lẽ vì gốm sứ mỹ nghệ đối với tôi là nỗi đam mê cháy bỏng của đời người nên tôi không xem lợi nhuận là trên hết, là mục tiêu tối thượng, không tìm lợi nhuận bằng mọi giá. Chỉ một lòng chú trọng tới chất lượng và luôn luôn cẩn trọng trong mọi trường hợp trong sản xuất kinh doanh.
Vì thế, mình chỉ sợ không làm hài lòng khách chứ làm gì có chuyện khách bỏ mình. Nhìn chung, cho tới giờ này tất cả những chuyến đi hội chợ nước ngoài hàng năm của chúng tôi cũng chỉ nhằm mục đích quảng bá thương hiệu Minh Long là chính, nó như một điểm hẹn, một chỗ đứng chân vững chắc chứ không đơn thuần là tìm kiếm khách hàng cụ thể. Hiện tại, khách nơi khác tự tìm đến Minh Long là chính, có lẽ do yếu tố chất lượng cao, Tiếng lành đồn xa đã giúp Minh Long vững vàng như thế.
Tôi là người rất cầu toàn, tôi luôn xem những sản phẩm mình làm ra như những đứa con tinh thần.
____
Như ông nói, ông vốn là người rất cẩn thận, sản phẩm Minh Long chất lượng cao, khách hàng tương đối ổn định, mà sao dám cả gan chọn nhà phân phối độc quyền?
Không có gì phiêu lưu cả. Tất cả đều nằm trong dự tính của tôi. Tôi là người rất cầu toàn, tôi luôn xem những sản phẩm mình làm ra như những đứa con tinh thần. Tôi không dễ dàng gì giao những đứa con của mình cho những người vô tâm chăm sóc. Nhưng tôi cũng chỉ có 24 giờ trong ngày như tạo hóa ban tặng cho bất cứ những ai ở trên đời này.
Từ lâu, tôi muốn tìm nhà phân phối cho sản phẩm Minh Long vì nghĩ rằng mình không thể ôm đồm mãi được. May mắn là tôi gặp cô Phương Thảo, người có ý tưởng mở ra hệ thống cửa hàng Q.Home. Tôi luôn xem may mắn là một yếu tố quan trọng trong kinh doanh bởi tài cũng không qua cái vận mà (cười). Cô ấy là người khá năng nổ, có bản lĩnh và đặc biệt là một người có niềm đam mê mãnh liệt trong việc đem những hàng hóa đặc trưng đến làm đẹp thêm cho những ngôi nhà, những bàn ăn, bàn tiếp khách… trao cho những chủ nhân của những ngôi nhà ấy những gì thiết thân nhất cho đời sống hàng ngày.
Tôi tin mình đã chọn mặt gửi vàng đúng. Khách hàng của Q.Home, khách hàng của Minh Long ngày một tăng, trước đây hơn 90% là khách nước ngoài, nay số lượng khách trong nước tăng lên hơn 60%; thời gian hoàn vốn chỉ bằng phân nửa thời gian dự tính trong đầu tư tại cửa hàng Q.Home ở Saigon Center đã nói lên điều đó.
Tôi quan niệm sản xuất và kinh doanh đều là một cái nghề với tất cả sự cao quý của nó. Nghề nào cũng phải tinh, phải giỏi. Phải có biết bao công sức, tiền bạc, chất xám cho việc phục vụ khách hàng mới bán được món hàng, đó là công việc của người kinh doanh. Còn với nhà sản xuất cũng vậy, tiền bạc, công sức, ý tưởng mới cho một sản phẩm cũng quả là kỳ công… Hiện tại quan hệ tương hỗ giữa nhà phân phối với Minh Long là rất tốt…
Tôi chẳng bao giờ nghĩ mình là một doanh nhân thành đạt, lớn lao gì, tất cả chỉ là bọt biển, một giấc mộng, một cuộc chơi.
____
Nhưng hàng Minh Long mắc quá, những người có thu nhập thấp làm sao với tới?
Cách đây ít lâu, có một buổi tọa đàm, công nhân làm việc tại khu Sóng Thần cũng hỏi tôi câu tương tự vậy. Tôi băn khoăn và ray rứt trước câu hỏi này nhưng cũng biết rất khó dung hòa giữa chất lượng sản phẩm cao với giá bán thấp. Minh Long chọn cho mình phân khúc từ trung bình trở lên. Tất nhiên, chúng tôi cũng sẽ có nhiều loại hàng cho tất cả mọi người. Nhưng dù loại nào đi nữa, với Minh Long đó cũng là hàng hiệu…
Trong cuộc trò chuyện khá dài với chúng tôi, có đến ba lần đôi mắt ông Lý Ngọc Minh đỏ hoe. Đó là câu chuyện về làng quê nghèo và thời thơ ấu khốn khó của ông. Chuyện về vợ ông, một người phụ nữ khiêm nhường chịu thương chịu khó, hy sinh tất cả cho nỗi đam mê cháy bỏng của đời ông. Và câu chuyện về những đứa con của ông đang học xa nhà. Và cũng từng ấy lần Lý Ngọc Minh bảo tôi đừng viết lên báo những chuyện riêng tư của ông. Tôi nghe theo ông vì tôn trọng nhân vật đặc biệt, nhưng cảm thấy có một món nợ, món nợ nhân văn về một doanh nhân thành đạt.
Nói theo cách của ông thì tôi cũng có may mắn vì đã đôi lần được nhìn ngắm bộ sưu tập ba mươi năm của Minh Long. Trong căn nhà rộng lớn như một tòa lâu đài, những bình lọ, chén bát của những tên tuổi gốm sứ lớn trên thế giới, qua các thời kỳ, Tây Tàu đủ cả, được trưng bày trong tủ kính có đèn sáng choang như một bảo tàng, như những báu vật gia truyền.
Ông bảo để xem cái xấu và cái tốt của người mà hoàn thiện sản phẩm của mình. Một số sản phẩm của chính Minh Long qua các thời kỳ cùng được trình bày trang nhã, đẹp như thế. Không chỉ có vậy, ông còn đưa chúng tôi tới xem một thư phòng trong đó có đến bốn bộ từ điển bách khoa toàn thư về gốm sứ mỹ nghệ của Mỹ, Trung Quốc và một số nước châu Âu… Bên dưới thư phòng là những thùng sách mới về những kiểu dáng thời trang của ngành gốm sứ ở các quốc gia tiên tiến mà ông vừa mua về, chưa kịp xem hết.
Hóa ra để có một Minh Long như ngày hôm nay, để biến một đam mê cháy bỏng của một đời người, Lý Ngọc Minh đã sống như thế, học như thế và hành xử như thế… Như ông vẫn nói với chúng tôi: “ Tôi chẳng bao giờ nghĩ mình là một doanh nhân thành đạt, lớn lao gì, tất cả chỉ là bọt biển, một giấc mộng, một cuộc chơi.
Tất nhiên đã là cuộc chơi thì phải chơi cho đàng hoàng sòng phẳng. Khi mình lên khán đài thì mình phải diễn cho đạt, hát hay cho mọi người yêu thích… Tôi đã từng có những đứa con rứt ruột đẻ ra ngoan ngoãn, giỏi giang đang dần dần nắm lấy công việc kinh doanh của Minh Long. Và tôi cũng đã có những đứa con tinh thần được sinh ra từ niềm đam mê gần trọn đời người không thay đổi, xinh đẹp và được mọi người đón nhận. Đối với tôi được vậy là hạnh phúc, là mãn nguyện lắm rồi!”.