Cứ bắt đầu thực hiện một ý tưởng, một chuyên đề là “hắn” cãi nhau với tôi, trêu chọc tôi đủ điều. Vậy mà Bảo Tàng Áo Dài đã có đủ 7 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại…
Tôi vốn ghét “hắn”. Nhiều năm trước chúng tôi thường gặp nhau ở những lễ hội, tiệc ngoại giao, tọa đàm… “Hắn” thường được phóng viên, báo đài, người hâm mộ, khách khứa vây quanh. Tôi chỉ đứng từ xa quan sát.
“Hắn” có đến bắt chuyện thì tôi cũng chỉ lí nhí chào rồi lỉnh đi. Tôi ngại những người nổi tiếng! Nhưng số phận đẩy đưa cho “hắn” và tôi cùng giảng bài ở một lớp tập huấn mỹ thuật ở Nha Trang những 4 ngày. “Hắn” thẳng thắn hỏi tôi vì sao ghét “hắn”. Rồi nhất quyết kết bạn!
“Hắn” lẳng lặng theo chân tôi và đồng nghiệp ở Bảo tàng chứng tích chiến tranh rong ruổi đi triển lãm lưu động, tổ chức Trung thu, vẽ tranh cho trẻ em khuyết tật, khám bệnh cho người nghèo… “Hắn” thận trọng lôi theo một cái vali to đùng, đến nơi thì bung ra những tấm áo dài trẻ con rực rỡ màu sắc. “Hắn” muốn trẻ em nghèo ở hải đảo xa xôi vẫn được mặc áo dài do chính trẻ em thiết kế. “Hắn” yêu áo dài một cách kỳ lạ, điên rồ. Công việc thiết kế áo dài cũng đã mang lại cho “hắn” danh tiếng, tiền bạc, nhiều cơ hội đi đây đó. Nhưng “hắn” chẳng bao giờ thấy đủ! Một ngày “hắn” bảo tôi: “Mình muốn làm một Bảo tàng Áo Dài”.
Vẫn biết “hắn” có đất, có nhà, nhưng làm một bảo tàng đâu có dễ! Lại là bảo tàng tư nhân! “Hắn” cứ nài nỉ mãi. Thế là đêm đêm tôi cặm cụi soạn thảo đề cương, kịch bản trưng bày thường xuyên, triển lãm chuyên đề… rồi gửi cho “hắn”. “Hắn” chạy vạy ngược xuôi xin thủ tục pháp lý, tuyển nhân viên, sửa sang, trang trí…
Ngày Lễ khai trương Bảo tàng Áo Dài, “hắn” và cả gia đình ôm nhau khóc sụt sùi, còn tôi đứng trông mà lo cháy ruột! Sinh ra một bảo tàng đã khó, nuôi sống nó còn khó hơn!
Tròn nhiệm vụ với Nhà nước tôi lập tức tìm về với Bảo tàng Áo Dài như lời đã hứa với “hắn” từ nhiều năm trước. “Hắn” vui mừng như trẻ con, đi đâu cũng khoe: “Bà vú đã về!”. Tôi lặng lẽ “đãi cát tìm vàng” trong cái bảo tàng non trẻ ấy: những chiếc áo dài và những câu chuyện vô giá, những bộ sưu tập rực rỡ. Và còn mấy căn nhà cổ Kim Bồng, còn gốm Bàu Trúc… Phải rất lâu mới có một bảo tàng thực thụ với ngổn ngang khó khăn, thách thức: tài chính, con người, trang thiết bị… Nhưng tôi chạm đến đâu cũng lộ ra tâm huyết, tình yêu cháy bỏng của “hắn” dành cho áo dài! “Hắn” tỉ mẩn nghiên cứu và phục dựng lại lịch sử áo dài qua nhiều thời kỳ. “Hắn” kiên trì xin xỏ áo dài của những nhân vật đã góp sức cho một Việt Nam ngày nay: nữ tướng Nguyễn Thị Định, nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình, giáo sư Trần Văn Khê…
Cãi nhau chán chê với tôi rồi “hắn” cũng cho ra đời một phòng trưng bày chuyên đề “Nội y” vô cùng lãng mạn khiến bao nhiêu khách quốc tế, nhất là cánh mày râu ngẩn ngơ. “Hắn” dụ dỗ trẻ con bằng một phòng trải nghiệm, ở đó các cháu đã vẽ nên tấm áo dài mơ ước của mình, sặc sỡ, hồn nhiên. Rồi “hắn” chép lại trên vải, biến ước mơ của các cháu thành hiện thực. “Hắn” trồng hoa sen, hoa súng, dựng một chiếc cầu xinh xắn giữa hồ cá để chị em đến bảo tàng mặc áo dài làm duyên chụp ảnh.
Cứ bắt đầu thực hiện một ý tưởng, một chuyên đề là “hắn” cãi nhau với tôi, trêu chọc tôi đủ điều. Vậy mà Bảo tàng Áo Dài đã có đủ 7 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại: hát xoan, quan họ, ca trù, Đạo Mẫu, ví giặm, nhã nhạc cung đình Huế, đờn ca tài tử… Vậy mà các cô cựu tù chính trị, cựu chiến binh đã lần lượt đến trao tặng áo dài cho bảo tàng, kể cả những tấm áo thiêng liêng đầy ắp kỷ niệm một thời. Tình yêu áo dài luôn cháy bỏng trong tim “hắn” – nhà thiết kế Sĩ Hoàng. Và tình yêu đó đã lan tỏa sang với tôi, với những người đang âm thầm vun đắp cho một Bảo tàng Áo Dài non trẻ. Tôn vinh dáng vẻ thướt tha của áo dài, “hắn” và tôi cùng thấy một dáng hình đất nước…
Sài Gòn, tháng 4.2018
– Huỳnh Ngọc Vân