Một người đàn ông trung niên có sự nghiệp, là hình mẫu về sự thành công trong xã hội, thường xuyên đi công tác nhiều nơi trên thế giới và tham gia hội đồng quản trị của một công ty danh tiếng trong suốt mười năm. Thế nhưng, khi dừng lại để nghỉ ngơi thì cuộc sống gia đình với người vợ mà ông đã kết hôn 25 năm lại trở thành “cơn ác mộng”. Người đàn ông này cảm thấy rất ngột ngạt nhưng ly dị lại không phải là sự chọn lựa vì họ có chung hai cô con gái ở tuổi mới lớn.
YourDost, công ty “startup” của Ấn Độ chuyên tư vấn trực tuyến về sức khỏe cảm xúc đã mở ra một cửa sổ nhỏ cho những trường hợp như thế. Trong thời gian tham vấn, người đàn ông thành đạt kia nhận ra rằng ông và vợ hiếm khi có thể dành trọn thời gian cho nhau. Họ đã đánh mất sự tiếp xúc, gần gũi và cả hai cần phải nỗ lực khôi phục mối quan hệ.
Khát vọng tăng cao, lối sống thay đổi, phải sống xa gia đình hay nơi mình sinh ra và lớn lên, tất cả những yếu tố này đều tạo thêm áp lực lên xã hội Ấn Độ và các nước đang phát triển nhanh ở châu Á. Một sinh viên giàu khát vọng hay một thanh niên mong muốn thành lập công ty riêng, bà nội trợ hay người làm cha làm mẹ, tất cả đều đang đối mặt với những áp lực của đời sống hiện đại và cảm thấy rất đơn độc. Vì sợ bị mang tiếng, bị xem là “yếu đuối”, “thất bại” hay “điên khùng” nên mọi người thà chôn giấu các vấn đề thuộc về cảm xúc, tinh thần hơn là nói ra chuyện này.
Đó cũng là những gì đã xảy ra với một người bạn của cô Richa Singh, nhà sáng lập và CEO của YourDost. Người bạn học của Richa tại Học viện Công nghệ Ấn Độ ở Guwahati và cái chết gây bàng hoàng vì tự tử của cô vào năm 2008 là tác nhân chính dẫn đến sự ra đời của YourDost. Người bạn này bị căng thẳng, lo âu về kết quả học tập nhưng không bao giờ nói ra hay thảo luận về điều này. Richa không thể nào quên được chuyện xảy ra với bạn và sau đó, cô bắt đầu nói chuyện và viết về đề tài sức khỏe cảm xúc. “Tôi nhận ra rằng 90% bạn bè và những người chung quanh tôi phải vật lộn với những áp lực tương tự nhưng họ không tiếp cận bất cứ ai để được tham vấn. Sự việc thương tâm xảy ra với bạn tôi lẽ ra có thể tránh được nếu chúng tôi biết được cô ấy đang trải qua điều gì”, Richa chia sẻ.
Richa đồng sáng lập “startup” này vào cuối năm 2014 cùng với các đồng sáng lập viên Puneet Manuja, Prakhar Verma và Satyajeet Nandekar. “Dost” trong tiếng Hindi nghĩa là “bạn”. “Ít nhất 50 phần trăm nhân viên của các doanh nghiệp Ấn Độ gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần”, Richa Singh nói. Và đây là một thị trường khổng lồ.
Quỹ đầu tư hàng đầu SAIF Partners đã chia sẻ niềm tin của các nhà sáng lập YourDost và đầu tư 1 triệu USD cho công ty này trong lần gọi vốn đầu tiên trước vòng Series A. Theo Mridul Arora, Giám đốc của SAIF Partners, YourDost hoạt động theo nguyên tắc giữ bí mật cho khách hàng, khách được giấu tên nên rất phù hợp để mọi người đề cập đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần vì xã hội Ấn Độ thường hay phán xét và dị nghị về chuyện này.
YourDost (yourdost.com) giúp khách hàng kết nối với các chuyên gia để thảo luận về các vấn đề liên quan đến đời sống cá nhân, sự nghiệp hay việc học hành. Không gian trực tuyến này có sự trợ giúp của các tham vấn viên chuyên nghiệp và khách hàng không cần phải công khai danh tính. Đây là nơi giúp cho nhiều người trút bớt gánh nặng của sự tuyệt vọng.
Theo các báo cáo nghiên cứu, cứ năm người Ấn Độ thì có một người gặp phải một dạng bệnh tâm thần nào đó. Mỗi ngày, có khoảng hơn 800 khách hàng tiếp cận hơn 350 tham vấn viên của YourDost qua website và ứng dụng. Khoảng 30 phần trăm khách hàng tìm sự tư vấn về quan hệ trước và sau hôn nhân. Những lo âu trong nghề nghiệp và học tập là đề tài nóng tiếp theo. Các bà nội trợ thì tâm sự về quan hệ với chồng và gia đình bên chồng; các phụ huynh thì tìm cách kết nối với con cái của họ. Khoảng 55 phần trăm khách hàng của YourDost là những người chuyên nghiệp đang đi làm, hầu hết trong độ tuổi từ 18-35. Một số người được giới thiệu cho chuyên gia về tâm thần học vì có thể họ cần một giải pháp điều trị.
Trang web của YourDost cho biết họ đã hỗ trợ hơn 800.000 khách hàng. Những cuộc trò chuyện qua hình thức “chat” là miễn phí nhưng dịch vụ này tính phí khi khách hàng cần tư vấn qua hội thoại hoặc qua video.
– Theo Tech in Asia