Vào lúc 0g sáng ngày thứ Hai 9-4-2018, ứng dụng đặt xe bằng công nghệ Uber chính thức ngưng hoạt động ở Việt Nam và gần hết các nước Đông Nam Á khác (chỉ còn một mình Singapore được gia hạn một tuần tới ngày 15-4-2018 do Uber vướng hàng rào pháp lý với Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng Singapore – CCCS).
Đây là kết quả với người này, hậu quả với kẻ kia của thương vụ Uber sáp nhập toàn bộ hoạt động của mình ở Đông Nam Á vào Grab. Theo thông cáo báo chí mà Grab và Uber cùng đưa ra ngày 26-3-2018, sau khi sáp nhập, Uber nắm 27,5% cổ phần của Grab và CEO của Uber là ông Dara Khosrowshahi sẽ tham gia vào ban lãnh đạo của Grab. Ở Đông Nam Á, Uber hoạt động tại các nước Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Mặc dù cả anh và ả đều công khai mối quan hệ này là tiền trao cháo múc, mua và bán (M&A), nhưng người ta vẫn có thể coi đây như là một chiến lược kinh doanh, một sự tái sắp xếp hoạt động. Bởi Uber và Grab hiện đều có chung những nhà đầu tư lớn nhất (SoftBank, Toyota, Didi). Trong khi Grab khởi nghiệp từ Malaysia năm 2012 có thế mạnh am hiểu thị trường Đông Nam Á, Uber khởi nghiệp ở Mỹ vào năm 2009 và châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng là thị trường mới lạ với họ. Rừng nào cọp nấy thôi. Uber hiện hoạt động tại hơn 600 thành phố ở hơn 70 nước trên quy mô toàn cầu, Grab chỉ hoạt động trong khu vực Đông Nam Á nhưng đang có mặt tại gần 200 thành phố. Những nhà đầu tư lớn nhất của Uber là ở châu Á và đồng thời cũng đầu tư vào nhiều đối thủ của Uber ở châu Á. Vì thế, thật dễ hiểu nếu như các “ông chủ” này muốn Uber tập trung hoạt động ở các thị trường mà mình có ưu thế.
Báo Mỹ The New York Times (25-3-2018) nhận định rằng việc Uber rút khỏi thị trường Đông Nam Á có hơn 600 triệu dân còn phản ánh định hướng kinh doanh mới của công ty dưới sự lèo lái của ông Dara Khosrowshahi, người lên thay Travis Kalanick làm CEO từ năm ngoái. Vị tân CEO Uber này không đi theo phương cách kinh doanh thích đối đầu, gây chiến khét tiếng của người tiền nhiệm. Thay vào đó, ông nỗ lực cải thiện các mối quan hệ của Uber với bên ngoài, làm dịu các mũi dùi chỉ trích và làm yên lòng Wall Street với những triển vọng tài chính của Uber. Công ty báo cáo lỗ 1,1 tỉ USD trong ba tháng cuối năm 2017, nhưng con số này thấp hơn ba tháng trước đó. Trong một email gửi các nhân viên Uber, CEO mới chia sẻ quan điểm của mình: “Một trong các nguy cơ tiềm tàng đối với chiến lược toàn cầu của chúng ta là chúng ta có quá nhiều cuộc chiến xuyên suốt quá nhiều mặt trận và với quá nhiều đối thủ cạnh tranh”. Các thay đổi của ông Khosrowshahi là nhằm đặt Uber vào một vị trí cạnh tranh có trọng điểm và ở các thị trường cốt lõi.
Thật ra, Uber không còn coi châu Á như thị trường chính nữa – nơi mà họ phải chịu sự cạnh tranh theo những luật lệ khác thường và tốn quá nhiều tiền đầu tư ban đầu, nói thẳng ra là phải dùng mọi chiêu trò mà giành giựt hành khách với vô số đối thủ địa phương. Theo tạp chí Forbes (26-3-2018), chỉ nội ở Đông Nam Á, Uber đã đầu tư 700 triệu USD. Hồi tháng 8-2016, sau những cuộc chiến quá tốn kém, Uber đã buông tay khỏi thị trường Trung Quốc đông dân nhất hành tinh, sáp nhập với đối thủ Didi Chuxing sừng sỏ sở tại. Năm ngoái, Uber cũng sáp nhập với đối thủ địa phương Yandex trên thị trường Nga. Nói cho chính xác, ngay cả với Trung Quốc và Nga trước đây cũng như ở Đông Nam Á bây giờ, Uber không hề rời bỏ mà chọn cách kinh doanh mới là đầu tư vào các doanh nghiệp địa phương nhiều tiềm năng và thế mạnh thay vì trực tiếp kinh doanh. Uber sẽ tập trung tâm sức cho các thị trường cốt lõi.
Mà thôi, ở đây, ta không bàn chi chuyện kinh doanh của Uber, đó là chuyện của họ, nhà kinh doanh giỏi thì phải biết đề ra chiến lược và áp dụng chiến thuật nào. Chúng tôi chỉ xin trà dư tửu hậu về những khoảng trống mà Uber đã để lại sau khi rời khỏi Việt Nam.
Công bằng mà nói rằng, sau gần bốn năm ở Việt Nam (Uber có mặt tại TP.HCM tháng 6-2014), Uber đã thổi vào một luồng gió mới về một phong cách kinh doanh mới mẻ của một nền kinh tế chia sẻ (cho dù nó đã nhanh chóng biến tướng với những đầu óc siêu nhanh nhạy theo kiểu lanh lợi của người Việt). Và nhờ có Uber mà thị trường đặt xe công nghệ mới thật sự có sự cạnh tranh đem lại lợi ích cho người dùng Việt. Grab có mặt tại Việt Nam tháng 2-2014. Nếu không có Uber vượt Thái Bình Dương sang tham gia thị trường, Grab ắt thong dong, không quá bận tâm chuyện cạnh tranh. Sau bốn tháng hầu như một mình một chợ, Grab bắt đầu căng mình cạnh tranh tưng bừng khói lửa với Uber, thậm chí tới mức tranh giành nhau từng khách hàng, từng lái xe.
Nhờ có Uber mà người dùng Việt Nam có cái để so sánh với Grab và bản thân Grab cũng phải tốt hơn lên theo từng ngày. Tuy cùng mục tiêu và cách làm giàu, hai hãng này có hai phong cách kinh doanh khác nhau. Uber kiểu Mỹ, kiểu Âu. Grab kiểu Đông Nam Á. Hai hãng cũng có đẳng cấp khác nhau. Uber là toàn cầu. Grab mang tính khu vực. Bất luận thế nào, phong cách kinh doanh đẳng cấp toàn cầu của Uber đã tạo được nhiều thiện cảm với người dùng Việt hơn. Theo khảo sát của YouNetMedia dựa trên 3.031 phản hồi, cộng đồng mạng xã hội có thái độ tiêu cực đối với việc Uber rút khỏi thị trường Việt Nam. Cụ thể có tới 71,6% khách hàng có ý kiến tiếc nuối. So với Grab, Uber được đánh giá là có tài xế lịch sự hơn, giá cước rẻ hơn, nhiều khuyến mại thực chất hơn, ứng dụng Uber thân thiện hơn, hiếm bị tài xế Uber hủy cước khi đi gần (nhờ chính sách thưởng theo số lượng chuyến dành cho lái xe và ứng dụng chỉ hiển thị cho lái xe biết nơi đến sau khi đã tới điểm đón khách),…
Chúng ta chỉ chăm chăm vào những con số “tiêu cực” là số lượng đầu xe chạy hợp đồng với Uber và Grab tăng cao làm phá vỡ quy hoạch giao thông, mà không nhìn nhận thực tế là nhờ có hai dịch vụ này nên có vô số phương tiện cá nhân đã được người ta để ở nhà, không tham gia giao thông nữa. Khi có giá cước hợp lý, cộng thêm được thường xuyên khuyến mại giảm cước, người ta sẽ cân nhắc để cho xe cá nhân của mình “nghỉ ngơi” (đỡ hao xăng, hao mòn phương tiện, lại không sợ mất xe và đặc biệt là không lo chuyện gửi xe ở những nơi công cộng, đám tiệc, hội hè và khu vực quận 1).
Cũng nhờ có Uber, những người Việt thường đi nước ngoài có thể quen với cách đặt xe để đi lại ở xứ người, đặc biệt là ngoài Đông Nam Á. Tiết kiệm rất nhiều tiền so với taxi và vô cùng tiện so với xe bus hay metro.
Uber và Grab đã trở thành phương thức kiếm tiền đàng hoàng mà thực chất cho nhiều sinh viên làm thêm kiếm tiền phụ gia đình trang trải chi phí học hành hay cho những công nhân trong thời gian giãn việc, chờ việc mới.
Một khi không còn Uber, Grab trước mắt sẽ chỉ phải cạnh tranh với các đối thủ nội địa. Đó là các dịch vụ đặt xe hay thậm chí các ứng dụng công nghệ của một số hãng taxi lớn. Nổi trội nhất là VATO của hãng xe Phương Trang, Mai Linh của hãng taxi Mai Linh,…
Cuộc cạnh tranh trên thị trường đặt xe công nghệ ở Việt Nam thời hậu Uber được dự báo còn khốc liệt hơn nữa. Có tin ứng dụng đặt xe Go-Jek nổi tiếng của Indonesia cũng với màu xanh lá đã mở công ty ở Việt Nam và đang tuyển nhân sự. Go-Jek do Google và Tencent hậu thuẫn hiện là bá chủ ở Indonesia. Cũng có tin, ngay trong tháng 4-2018, ứng dụng đặt xe DiDi của Trung Quốc sẽ hoạt động ở Hà Nội. Đây là ứng dụng có hơn 300 triệu người dùng tại hơn 400 thành phố ở Trung Quốc.
Chưa kể biết đâu sẽ có thêm mấy dịch vụ đặt xe của Trung Quốc nữa – có thể liên doanh hay đứng sau một hãng taxi Việt hay một dịch vụ Việt nào đó. Hãy chờ xem. Thị trường Việt béo bở quá mà.
Chắc chắn taxi truyền thống sẽ không chết, ít nhất trong thời gian không ngắn. Bởi mỗi loại hình có những đặc thù riêng không thể thay thế nhau. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy điều đó. Hiện nay, taxi truyền thống vẫn hoạt động tại những thành phố mà Uber và các ứng dụng tương tự làm ăn mạnh nhất. Chỉ có điều, taxi truyền thống sẽ phải thu hẹp hoạt động, và điều quan trọng nhất là thay đổi cách làm ăn của mình với cốt lõi là phải đặt quyền lợi và quyền được phục vụ của hành khách lên trên hết.