Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc (WFP) vừa lên tiếng báo động về số phận của khoảng một triệu người tị nạn Syria ngay trên đất nước của họ, trong những vùng giao tranh ác liệt mà mọi phương thức tiếp cận của các tổ chức nhân đạo đều tỏ ra vô hiệu. Tổ chức nhân đạo Lưỡi liềm đỏ (Red Crescent) đang hợp tác tích cực với WFP cũng đang bị quá tải và không còn sức rướn nhiều hơn nữa, trong khi tình trạng bất an ninh buộc chính WFP cũng phải rút bớt nhân viên ra khỏi các thị trấn Homs, Aleppo, Tartous và Qamisly. Bên cạnh đó, kinh phí hoạt động cũng đang là một vấn đề khi đã cạn dần mà chưa được bù đắp. Tháng 12-2012, WFP đã lên tiếng kêu gọi một khoản cứu trợ trị giá 1,5 tỉ USD để giúp đỡ hàng triệu người Syria mà theo họ là đang trải qua một tình huống tồi tệ nhất về mặt nhân đạo. Tình trạng các trại tị nạn bên ngoài biên giới Syria cũng không khá gì hơn.Mới đây, một trại nằm trên đất Jordan đã nổi loạn trong lúc các nhân viên thiện nguyện đang phân phối hàng cứu trợ cho họ.
Người tị nạn Syria chờ phân phát hàng cứu trợ
Tại thủ đô Damascus của Syria có nhiều cư dân Palestine sinh sống, họ kêu gọi một cuộc ngừng bắn giữa quân chính phủ và quân nổi dậy tại quận Yarmouk ở phía nam thủ đô để các toán y tế và phân phối lương thực có thể tiếp cận những người cần được giúp đỡ. Đến nay thành phần cư dân này vẫn giữ lập trường trung lập trong cuộc xung đột. Dù vậy, theo một tuyên bố của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), tính đến tháng 12-2012, đã có trên 700 người Palestine bị sát hại trong cuộc xung đột. Nhiều nhà bình luận dự đoán rằng chính quyền Damascus đương nhiệm sẽ không tồn tại lâu, đồng nghĩa với cuộc xung đột có hy vọng sắp kết thúc, nhưng cho đến bây giờ thì số phận của hàng triệu người tị nạn Syria vẫn còn đứng trước những thử thách nghiệt ngã nhất.
Lê Cẩn tổng hợp