Nhìn ở góc độ có tính hệ thống, quá trình này sẽ tiếp diễn vào tương lai 2013 chủ yếu xoay quanh cuộc “thương thuyết về trật tự biển tại Thái Bình Dương” giữa hai gã khổng lồ hai bờ Đông – Tây của đại dương lớn nhất thế giới này: Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Tàu giám sát biển Trung Quốc (trái) và một tàu bảo vệ bờ biển Nhật Bản, trong vùng lãnh hải ngoài khơi quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
Vươn ra biển
Phân tích lại lịch sử thế giới, một trong những yếu tố định hình nên một cường quốc ở tầm mức toàn cầu chính là khả năng mở rộng quyền lực trên biển của quốc gia đó. Các quốc gia xây dựng đế chế của mình dựa vào biển như Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan, và gần đây nhất là siêu cường Hoa Kỳ, chính là những ví dụ điển hình nhất. Trước thực tế lịch sử đó, Đại hội 18 mới đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định việc đưa quốc gia này trở thành “một cường quốc biển” là một trong những mục tiêu hàng đầu của thế hệ lãnh đạo mới nhằm tạo dựng một vị thế quốc tế vững chắc cho quốc gia gần 1,4 tỉ dân này.
Trong báo cáo chính trị tại Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào tháng 11-2012, giới lãnh đạo Trung Quốc đã khẳng định: “Chúng ta nên tăng cường khả năng khai thác các nguồn tài nguyên biển, kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc, đồng thời xây dựng Trung Quốc trở thành một cường quốc biển”. Với khái niệm “cường quốc biển” được trình bày chính thức trước toàn thể nhân dân Trung Quốc và công khai trước sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, tham vọng trở thành một quyền lực trên biển của Bắc Kinh đã rõ ràng.
Tuy nhiên, Trung Quốc lúc này chỉ mới là một “cường quốc biển” tiềm năng.Trong khi đó, Mỹ là cường quốc biển nguyên trạng. Trong một Thái Bình Dương dần trở nên chật chội, hai chủ thể quan hệ quốc tế này đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu tranh giành quyền lực và sức ảnh hưởng trên biển, dựa trên cơ sở căn bản là cương quyết bảo vệ “không gian sinh tồn” trên biển của riêng mỗi quốc gia. Với lập luận đảm bảo “an ninh và tự do hàng hải”, Hoa Kỳ vẫn luôn mạnh mẽ khẳng định sự tồn tại của mình như một quyền lực then chốt và chi phối mọi hoạt động chính trị quốc tế tại Thái Bình Dương. Tiếng nói cũng như sự hiện diện của Mỹ trong các vấn đề Senkaku/Điếu Ngư, Biển Đông/Nam Hải, và đặc biệt là chuyến công du của Tổng thống Obama đến các nước Đông Nam Á tháng 12 vừa qua đã thể hiện sự cương quyết của Nhà Trắng trong kế hoạch tái khẳng định vai trò chiến lược tại châu Á – Thái Bình Dương.