Điểm nhấn của những ngày giao dịch trung tuần tháng Ba là bất chấp những nhịp rung lắc và giằng co, VN-Index vẫn có những phiên tăng liên tiếp và chinh phục thành công mốc 1.150 điểm. Trong phiên cuối tuần (16-3) thanh khoản thị trường tăng đột biến lên hơn 10.755 tỉ đồng, do là ngày cuối kỳ tái cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF. Nhìn chung, những ngày qua, khối ngoại giao dịch khá thận trọng, nghiêng về bán ròng, trong khi dòng tiền nội lại đổ vào khá mạnh mẽ. Lực cầu tại khá nhiều cổ phiếu lớn hoàn toàn hấp thụ hết lượng hàng bán ra từ khối ngoại, trong đó có các cổ phiếu đầu ngành như HPG, VIC, SSI, PLX… Những lo ngại trước đó về việc thị trường có thể điều chỉnh do kỳ tái cơ cấu của các quỹ ETF cũng như đang ở trong “vùng trũng thông tin” đã không xảy ra. Không những thế, nhà đầu tư tỏ ra rất hưng phấn chờ đợi ngày VN-Index vượt đỉnh cũ (1.179,32 điểm), trong khi thông tin về mùa đại hội cổ đông đầy triển vọng bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều.
Như đã nói, dòng tiền nội đang dần thay thế sự tác động của các quỹ ngoại, tạo nên những cơn sóng ở các nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản,… với các cổ phiếu tiêu biểu như VCB, BID, CTG, VPB, SSI, SHS, VIC… Nhiều cổ phiếu lớn của các nhóm ngành bảo hiểm, dầu khí, vật liệu xây dựng, thực phẩm – đồ uống,… cũng được dòng tiền quan tâm. Khi giá cổ phiếu ngày càng trở nên đắt đỏ, dòng tiền không rút ra khỏi thị trường mà luân chuyển từ nhóm cổ phiếu này sang nhóm cổ phiếu khác. Dù vậy, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đang là động lực chính kéo chỉ số đi lên.
Càng gần mốc điểm 1.179,32 điểm, rủi ro ngắn hạn càng tăng, chủ yếu là trở ngại tâm lý, nhiều nhà đầu tư e ngại chỉ số sẽ “quay đầu” khi đối mặt với những tin tức bất lợi như lãi suất đồng USD tăng lên. Áp lực chốt lời là có, bởi nhiều nhà đầu tư “theo chân sóng” đã có khoản lãi đáng kể. Vì vậy, bất cứ động thái mua mới nào trong vùng giá hiện tại đều cần được cân nhắc, đặc biệt là với những cổ phiếu đã có quãng tăng điểm kéo dài. Động thái mua đuổi với những cổ phiếu này sẽ khó thu được thành quả. Việc phân tích triển vọng của doanh nghiệp niêm yết nhằm tìm ra các cổ phiếu tăng trưởng trong trung và dài hạn dường như hợp lý hơn trong giai đoạn này.
Cuối tháng Ba, những thông tin “hành lang” về một doanh nghiệp nào đó rất dễ “gây nhiễu” cho những nhà đầu tư thiếu kiên định. Thị trường vẫn đang đi lên nhưng việc tìm được cổ phiếu tăng trưởng mạnh không còn dễ dàng. Mùa đại hội của các doanh nghiệp thường kéo dài từ nay đến tháng 5 và thông tin về tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp – thông qua nhiều hình thức – sẽ dần được công bố. Cổ phiếu của những doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt, có kết quả kinh doanh quý I-2018 dự báo tích cực chắc chắn sẽ thu hút dòng tiền. Ngoài ra, còn là những câu chuyện về chia cổ tức, kế hoạch kinh doanh trong năm 2018, phát triển dự án mới, bầu lại quản lý cấp cao, tìm cổ đông chiến lược khi doanh nghiệp buộc phải thoái vốn Nhà nước, cổ phiếu bị pha loãng khi phát hành cổ phiếu thưởng… Tất cả đều có thể khiến cho giá của các cổ phiếu “nhảy múa”.
Trong số những con sóng của thị trường, sẽ luôn có phần của nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản. Với quyết tâm tăng trưởng kinh tế của Chính phủ, dòng vốn tín dụng ngân hàng sẽ chảy mạnh và các ngân hàng được hưởng lợi. Kinh tế tăng trưởng cao, thu nhập của người dân tăng dẫn đến nhu cầu nhà ở tăng lên và đó là cơ hội với các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là những đơn vị có quỹ đất dồi dào. Sóng vẫn sẽ có ở ngay trên vùng đỉnh…