Nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Experimental Social Psychology. Hai nhà nghiên cứu đến từ Đại học British Columbia, Canada, vừa lên tiếng cảnh báo về một xu hướng không được hay ho cho lắm: nghiện smartphone trên bàn ăn.
“Chúng tôi thực sự tò mò: liệu điều đó có đang ảnh hưởng đến việc tương tác xã hội của con người không? Họ đang tận hưởng được bao nhiêu trong khoảng thời gian có mặt cùng với những người khác?”, Ryan Dwyer nói về lý do họ tiến hành nghiên cứu.
Theo nghiên cứu, dùng điện thoại trong bữa ăn dẫn tới giảm mức tận hưởng bữa ăn. “Sử dụng công nghệ tại bàn ăn khiến cho mọi người cảm thấy xao nhãng hơn và ít tham gia tương tác xã hội hơn, dẫn đến mức độ tận hưởng bị sụt giảm”, Elizabeth Dunn, giáo sư tâm lý và là người phụ trách cuộc nghiên cứu, cho biết.
“Điện thoại tạo nên sự khác biệt. Tuy nhiên đó là một sự khác biệt đủ nhỏ mà bạn có thể dễ dàng bỏ qua và thậm chí không nhận thấy nó đang thay đổi trải nghiệm của mình như thế nào trong các tương tác xã hội”, bà nói thêm.
Các nhà nghiên cứu đã yêu cầu 300 người đi ăn tối bên ngoài cùng bạn bè hoặc gia đình, với mục đích là nghiên cứu việc sử dụng điện thoại ảnh hưởng thế nào đến trải nghiệm đó. Tuy vậy, họ không muốn những người trong cuộc nghiên cứu biết được điều đó. “Nhiều người vào nhà hàng ngồi đối diện nhau, thay vì nhìn nhau họ lại chăm chăm nhìn vào chiếc smartphone của mình”, tờ Time dẫn lời Ryan Dwyer, nghiên cứu sinh môn tâm lý.
Để ngụy trang, các nhà nghiên cứu đã bảo phân nửa nhóm người đó rằng họ sẽ nhận được một câu hỏi liên quan tới cuộc nghiên cứu bằng tin nhắn vào một thời điểm nào đó trong bữa ăn, vì thế họ nên để điện thoại trên bàn. Phân nửa còn lại nghĩ rằng họ sẽ trả lời câu hỏi đó trên giấy trong bữa ăn, và được yêu cầu cất điện thoại đi.
Sau đó, cả hai nhóm đã trả lời các câu hỏi về sự thích thú của họ dành cho bữa ăn, về việc sử dụng điện thoại và trải nghiệm về bữa tối nói chung. Các câu trả lời ở những người sử dụng điện thoại đã cho thấy một sự sụt giảm rõ rệt trong mức độ thích thú. Tác động đó dường như cũng kéo dài hơn cả thời gian ăn tối.
Ở thí nghiệm thứ hai, các nhà nghiên cứu đã nhắn những câu hỏi khảo sát đến hơn 100 người 5 lần/ngày trong suốt một tuần. Mỗi lần như thế, những người đó được hỏi về tình trạng cảm xúc và những gì họ đã làm trong 15 phút đã qua.
Các nhà nghiên cứu thấy rằng nếu họ đã dùng điện thoại trước khi có tương tác trực tiếp với người khác, thì họ thích sự tương tác đó ít hơn những người không dùng điện thoại.
Bỏ được chứng nghiện công nghệ có thể là việc khó khăn, thậm chí sau khi tiến hành nghiên cứu này. Giáo sư Dunn cho biết bà vẫn thấy bản thân mình bị cám dỗ phải trả lời một hoặc hai tin nhắn tại bàn ăn.
“Tuy nhiên, những kết quả nhấn mạnh rằng không dùng điện thoại khi ở quanh bạn bè và gia đình là quan trọng như thế nào”, Dwyer nói.
“Hãy có một quy tắc rằng nếu sẽ đi ra ngoài ăn tối với vài người bạn hay những thành viên trong gia đình, bạn nên đặt điện thoại ở chế độ yên lặng và đừng để nó trên bàn. Hãy cố gắng tuân theo các quy tắc này để bạn có thể tạo nên những thói quen mới”.
Trong khi đó giáo sư Dunn cảnh báo dùng điện thoại có thể “lây nhiễm”. Con người có xu hướng sử dụng điện thoại của họ nhiều hơn khi những người xung quanh họ cũng đang dùng điện thoại, vì giống như có hiệu ứng domino trong chuyện này. Bằng cách cất điện thoại của mình đi, bạn có thể sẽ tạo ra một hiệu ứng domino tích cực.
- Theo TTO