Khi lôi ra từ trong bụi bặm tài nướng bánh của mình để tiêu bớt quỹ thời gian dư dả ở Việt Nam, người phụ nữ tên là Simran có thể đã không nghĩ rằng những chiếc bánh hoàn toàn phi công nghiệp của cô sẽ bán được nhiều đến thế, thậm chí sẽ có ngày cô tổ chức cả những buổi dạy làm bánh cho cư dân lân cận.
Căn hộ chung cư chính là địa điểm “kinh doanh”, không nhân viên trừ người đi giao bánh, không cả những thùng nướng cỡ đại và bánh phải được đặt trước đó ít nhất một ngày, cô vẫn có được lượng khách khá đều đặn dù chủ yếu chỉ trong phạm vi khu dân cư mới này.
Tương tự, những hũ yaourt phô mai của một cặp vợ chồng giáo viên – cựu phóng viên ở TP. Hồ Chí Minh, được ủ tại chỗ từ trang trại bò sữa, cũng ngày càng quen thuộc không chỉ với nhiều gia đình trong phạm vi giao hàng còn hạn chế, mà còn với nhiều văn phòng công ty lớn nhỏ trong thành phố.
Và chắc hẳn phải còn nhiều nữa những “thương hiệu” âm thầm với những nhóm khách hàng giới hạn đang làm rất tốt công việc kinh doanh của mình, không chỉ ở Việt Nam mà bất cứ đâu trên thế giới, đặc biệt ở các nước đang phát triển như Ấn Độ, Philippines.
Hình thức kinh doanh quy mô từ siêu nhỏ cho đến trung bình đang là một lựa chọn ngày càng hấp dẫn trong giai đoạn kinh tế suy thoái. Những cá nhân riêng lẻ, hoặc có nhu cầu tăng thêm thu nhập, hoặc tạo thu nhập, hoặc đơn giản thỏa mãn một ý thích cá nhân, với khả năng tài chính và kinh nghiệm quản lý giới hạn, có thể tổ chức cung cấp một dạng sản phẩm sản xuất/chế biến hoặc dịch vụ.
Thành hay bại, thành công lớn hay ở mức khiêm tốn có lẽ tùy thuộc quan điểm đầu tư của các cá nhân trên, thế nhưng khi bắt tay vào loại hình kinh doanh này, họ cũng có những yếu tố cần cân nhắc và những khó khăn phải đối mặt.
Thông thường, họ quan sát và nhận thấy một nhu cầu có thực từ một nhóm khách hàng nhất định không quá đại trà. Đây chính là thị trường từ hẹp cho đến rất hẹp của họ. Bánh mì Đức Schneider’s Finest thỏa mãn nhu cầu của người Đức nói riêng và Âu – Mỹ nói chung đang sống và làm việc tại Việt Nam khi những tiệm bánh nội địa hoàn toàn không có được hương vị của chiếc bánh mì truyền thống có thể thưởng thức với phô mai, nhấm nháp với chút rượu. Sô-cô-la Boniva nhắm đến đối tượng khách hàng đi nhiều và tinh tế, những người thích sô-cô-la tươi mềm mịn chỉ dùng trong vài tháng thay vì những thanh sô-cô-la công nghiệp khô khan và thường quá ngọt có hạn dùng lên đến vài năm.
Nhưng chỉ nhận thấy phân khúc hẹp này thôi chưa đủ, những người kinh doanh nhỏ lẻ thường là người có niềm say mê hoặc khả năng tự làm ra những sản phẩm đó. Schneider’s Finest nhập nguyên liệu, “nhập” cả anh thợ bánh từ Đức để đảm bảo những chiếc bánh của mình đúng hương vị truyền thống, bà chủ của Boniva là người lâu năm trong nghề nên hiểu rõ cách làm ra những thỏi sô-cô-la tinh tế cũng như gu thưởng thức của những người nước ngoài ở Việt Nam và những người Việt đi nhiều, biết nhiều.
Vì đối tượng khách hàng của họ thường khá chuyên biệt và khó tính, nếu không thể đem lại một sản phẩm thực sự đáp ứng yêu cầu, thất bại là điều dễ xảy ra.
Sự tỉ mỉ, chi tiết không chỉ là yêu cầu sống còn với mô hình kinh doanh vừa và nhỏ, cũng chính quy mô vừa phải này cho phép họ có khả năng kiểm soát chất lượng sản phẩm của mình tốt hơn.
Poilâne, một thương hiệu bánh mì gia đình ở Pháp, dù quy mô đã đến hơn một trăm nhân viên và mỗi năm chuyển đến hai mươi quốc gia trên thế giới hai trăm ngàn ổ bánh, vẫn không có ý định “toàn cầu hóa” hay bán, chuyển nhượng thương hiệu Poilâne vì khi ấy, những ổ bánh yêu thích của rất nhiều người Pháp này có lẽ sẽ không còn giữ được chất mộc mạc, “chính thống” – được những người thợ trộn bột bằng tay, tự cảm thụ nhiệt độ trong lò thay vì dùng nhiệt kế, và bánh được nướng trong các lò gạch đốt bằng củi.
Mỗi sáng, bà chủ của Poilâne nhận từ mỗi người thợ của mình một ổ bánh để thẩm định chất lượng. Bằng cách này, những ổ bánh miche từ tám mươi năm, qua ba thế hệ, vẫn luôn là đại diện của ổ bánh mì nước Pháp.
- Xem thêm: [Infographic] Xây dựng lòng trung thành của khách hàng – Doanh nghiệp nhỏ có thể làm tốt hơn
Kinh doanh quy mô nhỏ có thể gặp khó khăn trong việc marketing do người chủ thường có đam mê, nhiệt huyết và chuyên môn nghề hơn là kỹ năng quản lý và hiểu biết về marketing. Việc phát triển kinh doanh vì vậy thường dựa vào mối quan hệ của người chủ. Công việc trước đó hoặc hiện tại của họ (trong trường hợp việc kinh doanh riêng là một dạng làm thêm) nếu liên quan đến giao tiếp nhiều sẽ là một lợi thế.
Từ những người quen biết này, nếu sản phẩm thực sự tốt, việc truyền miệng sẽ giúp cho sản phẩm được biết đến nhiều hơn ngoài sự trợ giúp của bao bì sản phẩm, tờ thông tin đi kèm hay một trang web giản dị nhưng tươm tất. Những người kinh doanh nhỏ lẻ cũng dễ bị nhầm lẫn về đối tượng khách hàng của mình, dẫn đến mất tập trung và làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Một người thợ mộc với một nhóm nhỏ thợ phụ không nhất thiết phải nhìn sang khách hàng của những xưởng đồ gỗ trang bị máy móc tự động vì khách hàng của họ cần sự tỉ mỉ, đôi khi thậm chí những nét vụng về, ở những sản phẩm đóng tay này.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn được xem là đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng của một nền kinh tế. Ở một góc nhìn khác mềm mại, ít mang tính “thống kê” hơn, sẽ thấy hình thức làm kinh tế này đem lại nhiều màu sắc cho cuộc sống, với “hương” và “hoa” được chăm chút kỹ lưỡng và thường có tính cách (gắn với người chủ).
Những công ty lớn, những tập đoàn đa quốc gia cũng có một khởi đầu vừa và nhỏ, thế nhưng phát triển lên một quy mô to lớn hơn hay không tùy thuộc hoàn toàn vào tham vọng và quan điểm của người chủ trong việc giữ lại “hương” và “hoa” của mình.