Trưa ngày 23-1, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn đã tiếp nhận bệnh nhân vào cấp cứu vì sốt, tụt huyết áp, đau bụng và phù nặng hai chân. Người bệnh là Đ.T.V (74 tuổi, ngụ ở huyện Hóc Môn) bị đau râm ran vùng hạ vị, buồn nôn, huyết áp giảm chỉ còn 72/45mmHg. Tại khoa Hồi sức tích cực, sau các xét nghiệm và bệnh nhân được chẩn đoán là nhiễm khuẩn huyết do nhiễm khuẩn đường tiết niệu cùng với các bệnh kèm là tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, cushing do thuốc (tác động phụ do dùng thuốc đau nhức). Từ tình trạng phù nặng, đau và tím hai chân của bệnh nhân, các bác sĩ đã tìm ra nguyên nhân gây nên là những cục máu đông trong các tĩnh mạch vùng đùi và chậu, làm tắc nghẽn đường máu trở về.
Bên cạnh việc điều trị nhiễm khuẩn huyết do nhiễm khuẩn đường tiết niệu, các bác sĩ còn điều trị huyết khối tĩnh mạch hai chân bằng thuốc chống đông máu. Người bệnh giảm đau chân, hết tím, chân giảm phù 2/10. Sau ba ngày điều trị, dù đang dùng thuốc chống đông nhưng bệnh nhân lại bị xuất huyết dưới da vùng hạ vị và hông lưng lan rộng, đồng thời tiểu ra máu nên phải truyền máu. Vì tình trạng xuất huyết nặng, không thể tiếp tục dùng thuốc chống đông máu, bệnh nhân có nguy cơ rất cao bị thuyên tắc động mạch phổi (một cấp cứu tim mạch đe dọa tính mạng) do cục máu đông di chuyển. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định đặt lưới lọc vào tĩnh mạch chủ dưới để ngăn chặn cục máu đông từ tĩnh mạch vùng chân di chuyển lên. Sau đó, bệnh nhân được đặt lưới lọc vĩnh viễn vào tĩnh mạch chủ dưới thành công, phòng ngừa được thuyên tắc động mạch phổi.
Theo BS Nguyễn Thanh Nhân, cơ chế hình thành huyết khối tĩnh mạch là do sự phối hợp của ba yếu tố, gồm ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch, rối loạn quá trình đông máu gây tăng đông và tổn thương thành mạch. Ông khuyến cáo rằng khi người bệnh có các triệu chứng sưng, đau vùng chân và thay đổi màu sắc da, có kèm theo các yếu tố nguy cơ trên thì cần đến khám ngay bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được tư vấn, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, giảm những biến cố nguy hiểm.