Các kỳ nghỉ dài ngày như Tết là dịp để “thải độc” bài bản và triệt để hơn. Còn cách nào khác ngoài chiêu “rút dây, tắt máy, thoát tài khoản”, tức nói không với máy tính, smartphone và đăng xuất (log out) toàn bộ các tài khoản mạng xã hội trên điện thoại?
Nhưng nếu đã… lỡ ghiền, các chuyên gia mách rằng vẫn có cách vừa vui xuân vừa thải độc công nghệ mà không cần phải đoạn tuyệt với Facebook, WhatsApp, Twitter, YouTube…
Chuyên gia khuyên gì?
Tếu táo mà nói, thế giới có hai loại người: một là vừa được nghỉ hay ra khỏi văn phòng là quên hết công việc, không lo lắng lăn tăn gì, và hai là nghỉ mát nghỉ tết gì cũng liên tục check mail, kiểm tra, kiểm soát công việc. Nếu không nghiện công việc thì nhiều người cũng không “sống xa” mạng xã hội, nhắn tin trên điện thoại hay các ứng dụng chỉnh và chia sẻ ảnh.
Trong bài viết “Điều tốt nhất bạn có thể làm để thư giãn trong kỳ nghỉ, theo khoa học”, Fortune cho biết cách đơn giản nhất để thật sự nghỉ ngơi trong dịp lễ để có thể trở lại làm việc tươi trẻ và tràn đầy năng lượng là “rút dây” – hạn chế sử dụng thiết bị điện tử.
“Đã có nhiều bằng chứng y học cho thấy chúng ta luôn ở trong tình trạng dễ bị kích thích và các hormone gây stress dễ gia tăng vì các thiết bị điện tử luôn nằm trong tầm tay” – tiến sĩ David Greenfield, phó giáo sư tâm lý chuyên nghiên cứu chứng nghiện công nghệ (Đại học Connecticut), nói với Fortune.
Để “rút dây” hiệu quả, theo các chuyên gia, cần phải thẳng thắn thừa nhận mục tiêu “đoạn tuyệt với email” trong kỳ nghỉ là bất khả thi. Vì thế, cần phải thay đổi chiến thuật một chút: lập kế hoạch cụ thể rằng ta muốn dùng điện thoại hay máy tính thường xuyên đến mức nào, ta cho phép mình online mỗi lần lâu và khi nào thì cần “ngắt mạng” (offline) tuyệt đối (lúc ăn uống cùng gia đình, đi chúc tết).
Sau khi đã lập kế hoạch chi tiết, tiến sĩ David Ballard, chuyên gia thuộc Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, khuyên ta nên nhờ bạn bè hay người thân làm “người giám sát” để đảm bảo không “nuông chiều bản thân” mà ảnh hưởng việc hoàn thành mục tiêu.
Tiếp theo, thay vì chăm chỉ cập nhật kỳ nghỉ trên mạng xã hội để thu hút like, lời khuyên các chuyên gia đưa ra là “hãy giao tiếp xã hội thật sự trong đời thực”.
Lễ là dịp đoàn viên nên chỉ khi dứt khỏi “các thể loại màn hình” ta mới có thể cảm nhận được tình thân và sự gắn kết giữa các thành viên, theo Heather Monroe, giám đốc chương trình phát triển thuộc Newport Academy, trung tâm chuyên chữa chứng nghiện Internet cho thanh thiếu niên ở New York (Mỹ).
“Kết nối đích thực là khi ta trò chuyện với nhau trong đời thật. Công nghệ đặt ta vào thế giới cô lập, khiến ta thêm cô đơn trong mùa lễ hội, thời khắc mà lẽ ra ta phải càng thêm gắn kết” – Monroe nói.
Còn theo TS Ballar, thường ngày công nghệ đã chiếm mất thời gian lẽ ra ta dành cho giải trí, thư giãn, thì lễ tết là lúc “đảo ngược tình hình”. Lời khuyên là hãy tranh thủ những ngày nghỉ xuân mà rời xa màn hình, tham gia các hoạt động “phi công nghệ”, mà dịp tết thì không thiếu những hoạt động không cần điện thoại hay máy móc.
Andy Robertson – cây bút người Anh chuyên viết về tác động của công nghệ với quan hệ, tình cảm gia đình – đã “quán triệt” những lời khuyên trên khi đưa gia đình đi “thải độc công nghệ” trong kỳ nghỉ hè năm 2017.
Robertson kể lại trên tờ Mirror: gia đình anh chọn nghỉ trong một ngôi nhà miền quê ở Scotland và có kết nối Internet rất hạn chế, “vì thế bọn trẻ không thể vòi xem TV hay nghịch các app trên điện thoại”. Nhưng chính nhờ “khoảng thời gian dư ra sau khi vứt bỏ công nghệ sau lưng” mà họ “có hàng loạt lựa chọn phi công nghệ để giải trí sau một ngày du ngoạn” như cùng học cách chơi các trò board game (trò chơi trên bàn như cờ cá ngựa, cờ tỉ phú).
Gia đình anh thậm chí còn đặt mua báo trong hai tuần du lịch. Đây cũng là một cách thải độc công nghệ mà có lẽ ít người để ý. “(Đọc báo giấy) không chỉ lấp đầy khoảng trống về tin tức mà còn cho chúng tôi các trò ô chữ và đố vui mỗi ngày, và bọn trẻ cực kỳ thích – Robertson kể – Hơn hết là đọc báo in giúp chúng tôi tiếp nhận tin tức sâu hơn (so với đọc trên điện thoại)”.
Còn bí kíp nào khác?
Tắt các thông báo (notification) của email và mạng xã hội là mẹo hay để du xuân trọn vẹn. Nếu quyết tâm hơn, có thể áp dụng một cách cực kỳ đơn giản (nhưng không dễ làm): xóa ứng dụng trên smartphone, nhất là những thứ gây nghiện và mất tập trung như Facebook hay Instagram. Đừng sợ xóa app là mất tất cả vì tài khoản và mọi thông tin, dữ liệu của ta vẫn còn đó, hết tết thì cài lại như bình thường.
Khi xóa app, bạn vẫn có thể truy cập Facebook từ trình duyệt web. Nếu vậy, đừng chọn chế độ nhớ password (chỉ nhập lần đầu) mà hãy để chuyện “lên face” mất công nhất có thể: mở trình duyệt Internet, tự nhập địa chỉ Facebook, rồi nhập tên đăng nhập lẫn mật khẩu.
“Đây là bài kiểm tra để bạn xác định chuyện này có quan trọng hơn những thứ cần làm trong đời thực hay không” – trang Stuff (New Zealand) khuyên trong bài “5 bí kíp để ‘rút dây’ khi nghỉ lễ” ngày 4-1.
Các gợi ý còn lại của Stuff là soạn email tự động trả lời khi đang nghỉ lễ để khỏi phải mất công tự trả lời khi đang vui chơi và “mua một cái máy ảnh thật sự” thay vì chụp bằng smartphone, vốn sẽ lại gắn chặt ta vào điện thoại.
Ngoài những mẹo trên, trang Travel and Leisure góp thêm vài gợi ý độc đáo và dễ làm như “cố tình quên mang theo đồ sạc” trong các chuyến đi ngắn (sáng đi chiều về). Khi biết chắc điện thoại sẽ hết pin, ta buộc phải quyết định dùng nó cho việc nào thật sự quan trọng thay vì mở 3G.
Ta có thể tắt hẳn điện thoại hoặc chuyển sang chế độ máy bay, vừa tiết kiệm pin vừa hạn chế việc cứ đôi ba phút lại ngó điện thoại một lần. “Điện thoại có thể “die” (hết pin) nhưng bạn thì chắc chắn không sao” – Travel and Leisure đoan chắc.
Khi gặp gỡ bạn bè hoặc người thân, nhiều người chơi “trò nộp điện thoại”, cũng là một cách thú vị để mọi người thật sự trò chuyện cùng nhau. Hoặc, ra quy định ai “chịu hết nổi” mà tóm lấy smartphone đầu tiên sẽ chịu một “hình phạt” nào đó…
Đừng bỏ lỡ khoảnh khắc
Công nghệ đã làm thay đổi cách chúng ta trải nghiệm và chia sẻ ký ức của mình với người khác thông qua các nền tảng số như Instagram và các ứng dụng chia sẻ ảnh “sống ảo” khác.
Những người ủng hộ “thải độc công nghệ” đã đặt câu hỏi rất đáng suy ngẫm: “Liệu hoàng hôn có thật sự xảy ra không nếu chúng ta không chụp và khoe khoảnh khắc đó trên Instagram?”. Liệu ta có thật sự tận hưởng các chuyến đi và trải nghiệm khi du lịch theo đúng nghĩa của nó khi cứ liên tục chụp ảnh hay ghi hình những kỷ niệm đó và lập tức chia sẻ chúng lên mạng xã hội ngay khi có kết nối Internet?
Nói như TS Greenfield trên Fortune, có những thứ rất “nhạy cảm với thời gian”, nghĩa là không nắm bắt ngay thì sẽ muộn. Khi ta loay hoay lấy điện thoại thì khoảnh khắc quý báu đã trôi qua và không bao giờ trở lại. Những người thân bè bạn mà ta có dịp sum vầy trong ngày tết cũng thế, họ đâu phải lúc nào cũng có thể có mặt bên ta, và cho dù vẫn có thể gặp lại vào tết năm sau, chắc chắn họ cũng sẽ khác hơn so với bây giờ.
Cũng cần lưu ý sau khi nghỉ Tết và “thải độc công nghệ” xong, không nên quay trở lại ngay với thói quen cũ, thỏa cơn thèm thế giới ảo. “Hãy giữ lại những hoạt động mà bạn đã vui vẻ trải nghiệm khi tránh xa công nghệ và xét xem bạn có thể tiếp tục chúng trong đời thường hay không” – Robertson khuyên.