Thời làm cán bộ trong trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, tôi chứng kiến nhiều đoàn từ thiện đến rồi đi trong vòng một, hai giờ.
Họ tặng quà, xoa đầu bọn trẻ con, rưng rưng nước mắt trước những mảnh đời khắc nghiệt của bọn trẻ, ôm ấp, vỗ về các em rồi rời đi và hầu như không quay trở lại. Nhiều đoàn, mỗi năm sẽ đến một trại trẻ mồ côi, trung tâm của người khuyết tật, người già ở những nơi khác nhau. Vì chuyến đi còn kết hợp du lịch hay khám phá ẩm thực địa phương.
Giữa những chuyến viếng thăm ấy, tôi thấy một cô bé ngày nào cũng ngóng ra cổng suốt cả giờ, cả sáng và chiều. Cuối ngày em lủi thủi về phòng. Tôi cố gắng chuyện trò với em. Phải mất khá lâu thời gian làm thân, em mới kể: “Lần trước đến thăm trung tâm, cô Ngọc nói chuyện với em gần một tiếng. Cô nói là rất thương em và tháng sau sẽ đến thăm em. Em đợi đúng hôm nay là một tháng, nhưng cả ngày nay cũng không thấy cô đến”.
Một tuần sau đó, tôi thấy bé vẫn ngóng ra cổng, và dĩ nhiên người khách không quay lại. Từ đó, em trở nên lầm lì hơn. Em hầu như không nói chuyện với bất cứ ai trong các đoàn từ thiện đến thăm trung tâm nữa.
Lời hứa của người làm tự thiện kia nhẹ tênh. Nhưng mấy ai biết rằng nó có thể bào mòn tinh thần của những đứa trẻ khát khao sự yêu thương đến tột cùng.
Tôi cũng từng chứng kiến những đứa trẻ trong trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi chỉ ăn nhân của bánh trung thu, còn vỏ thì vất đi. Vì năm đó mỗi em được chia tới hơn 10 cái bánh trung thu do các đoàn từ thiện trao tận tay.
Tôi từng chứng kiến nhiều bạn trẻ từ thành phố về vùng sâu vùng xa tổ chức trung thu, tết thiếu nhi, giáng sinh cho trẻ em. Sau đó họ phàn nàn, thất vọng ra mặt khi các anh chị ở ủy ban xã không hợp tác như họ mong đợi. Họ biết đâu rằng các cán bộ này cũng có con cái và gia đình, họ cũng muốn về với gia đình mình, con mình hôm ấy. Và họ còn không chịu được thái độ có tính ban ơn, như hất hàm, dùng từ thiếu tôn trọng của người trẻ làm từ thiện khi nói chuyện với những người đáng tuổi anh chị, cha chú mình, chỉ vì họ đến để tổ chức một buổi vui chơi cho trẻ em nơi đó.
Những cơn gió rét mùa đông đang kéo nhau về. Đây cũng là thời điểm nhiều người nghĩ đến việc làm từ thiện để chia sẻ cho những người khốn khó. Theo tôi, đó là một thói quen tốt của người Việt. Nhưng thói quen đó cũng có nét bất thường so với nhiều nước. Họ có ít thông tin song đều tự tổ chức các đợt thăm viếng, trao quà trực tiếp cho thân chủ chứ không thích chuyển cho các tổ chức từ thiện chuyên nghiệp. Lý do cũng dể hiểu, bởi họ lo lắng về sự minh bạch. Nhưng chính vì làm từ thiện tự phát và vội vã, đôi khi để lấy thành tích, nhiều nhóm không biết hết những nguy hiểm khi vào vùng thiên tai, chưa chắc trao được món quà cần trao cho người cần nhận.
Mô hình đã được kiểm chứng trên thế giới, là khi người dân góp tiền cho các tổ chức phát triển cộng đồng để họ lan tỏa rộng rãi những đóng góp đó. Tôi từng làm việc với một tổ chức Hàn Quốc, nơi những bạn học sinh Hàn Quốc đã dành dụm tiền tiêu vặt của mình để góp từng 5-10 đô la mỗi tháng hỗ trợ cho bạn mình ở Thanh Hoá, Việt Nam. Với số tiền nhỏ đó, tổ chức kia đã cùng các bà nội trợ, các tiểu thương, những người về hưu, các bạn học sinh sinh viên thay đổi sinh kế cho nhiều địa bàn tại tỉnh nghèo.
Chúng ta đã làm gì với lòng tốt của mình?
Nếu bạn đang, sẽ làm từ thiện vì để thanh thản cho chính mình, để đưa con đi cùng vì muốn giáo dục con cái mình, xin hãy chậm lại một chút. Trước khi trao một món quà, cất lên một lời hứa, hãy dừng lại một giây thôi, tự hỏi mình liệu người được nhận món quà có vui hơn, có trở nên tốt hơn không?
Có nhiều “nấc” trong các giá trị vô hình của từ thiện. Có người làm từ thiện để được phúc – như niềm tin của nhiều người châu Á; có người để cảm thấy mình rộng lượng, đôi khi để giải quyết cho sự thanh thản lương tâm của mình. Ở nấc cao hơn, có người giúp cho người nhận có thể vươn lên sau khốn khó, tôn trọng người mình giúp đỡ và còn biết bảo vệ bản thân khi làm việc thiện. An toàn là cần thiết, bởi người ta có thể gặp tai nạn giao thông hay bất cẩn khi đi vào vùng thiên tai, dịch bệnh.
Nhưng lòng tốt, khi được xác định là để giúp đỡ một con người, một cuộc đời, cần có một kế hoạch dài hơi và những tính toán lâu dài như bất kỳ một cuộc đầu tư nào khác.
Đừng để lại một ánh mắt đau đáu ngóng trông sau lời hứa mà bạn đã quên ngay khi bước ra khỏi cánh cổng một trung tâm nuôi dưỡng nào.