Trong phần định hướng phát triển ngành sản xuất ô tô năm 2018, Bộ Công Thương khẳng định việc sẽ có một số các biện pháp nhằm để kiểm soát tốt lượng ô tô nhập khẩu và hỗ trợ cho sản xuất trong nước.
Sáng 15/1, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị tổng kết năm 2017 và định hướng năm 2018. Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Trong báo cáo gửi đến các đại biểu, Bộ Công Thương đã nêu rõ các nhiệm vụ giải pháp cụ thể cho từng ngành khi bước sang năm 2018, trong đó có ngành sản xuất ô tô.
Theo đó, Bộ nêu rõ việc có một số các biện pháp để kiểm soát tốt lượng ô tô nhập khẩu và hỗ trợ cho sản xuất trong nước.
Cụ thể, Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để đề xuất xử lý các vấn đề về điểu chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng theo nguyên tắc thấp hơn mức thuế nhập khẩu ô tô thành phẩm theo cam kết đã ký.
Đồng thời nghiên cứu khả năng áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe có tỷ lệ nội địa hoá cao (không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước).
Bộ cũng khẳng định việc sẽ tập trung xây dựng chuỗi cung ứng ngành ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong và ngoài nước. Hỗ trợ thúc đẩy nhanh các dự án của Thaco và Thành Công.
Trước đó, Tập đoàn Thành Công đã ký thoả thuận hợp tác với Hyundai Motor Hàn Quốc trong việc hợp tác sản xuất xe du lịch Hyundai tại Việt Nam. Còn Tập đoàn Trường Hải đã tiến hành khởi công xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại khu phức hợp Chu Lai. Bộ Công Thương nhận định “đây là những tín hiệu tốt cho việc tăng lương ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian tới”.
Về dài hạn, Bộ cho biết sẽ có các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia.
Có nên ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô trong nước?
Liên quan tới đề xuất không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước đối với ô tô lắp ráp trong nước, trước đó Bộ Tài chính cũng đã có ý kiến về vấn đề này. Cụ thể, Bộ cho rằng đề xuất này là chưa phù hợp với các quy tắc của WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới).
Bởi nếu thực hiện như vậy, doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước có nhiều lợi thế để cạnh tranh với xe nhập khẩu. Lợi thế này sẽ càng tăng lên nếu các doanh nghiệp tăng mua linh kiện trong nước, giảm nhập khẩu, tức là gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Do vậy theo Bộ Tài chính, cũng cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng. Nhiều nước đã áp dụng, nhưng mức độ có bị kiện hay không thì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
Còn thực hiện theo đề xuất của Bộ Tài chính, tức là không ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho sản xuất lắp ráp trong nước, sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp tìm mua linh kiện trong nước. Như vậy công nghiệp hỗ trợ sẽ không có cơ hội phát triển.
Liên quan tới việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã từng yêu cầu Bộ Tài chính cần cân nhắc nghiên cứu ý kiến của Bộ Công Thương.
– Theo Nguyễn Khánh / Dân trí