Quyết liệt cải cách thể chế, hệ thống quản trị nhà nước hay tập trung toàn lực cho tốc độ tăng trưởng là điều mà Chính phủ phải lựa chọn để đạt được những mục tiêu lớn trong năm 2018.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người nhiều tâm huyết và gắn bó với sự nghiệp cải cách môi trường kinh doanh và sự phát triển vững mạnh của cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, Chính phủ cần xem 2018 là năm bản lề để quyết liệt cải cách thể chế, chứ không phải là tốc độ tăng trưởng, đó là nút thắt quan trọng, cú hích giải tỏa mọi khó khăn, tạo chuyển biến cho những năm sau này.
Năm 2017 đã kết thúc với nhiều chỉ số tăng trưởng kinh tế ấn tượng và nhiều ý kiến nhận định là đã chấm dứt thời kỳ 15 năm “xuống dốc” của nền kinh tế; từ năm 2018 Việt Nam sẽ bước sang giai đoạn phát triển mới. Bà nghĩ sao về nhận định này và theo bà ấn tượng nhất của năm 2017 là gì?
Bà Phạm Chi Lan: Có thể thấy rằng năm 2016-2017 đã Chính phủ đã làm được nhiều việc quan trọng, mang lại các tác động tích cực; tăng trưởng kinh tế cũng đạt được nhiều kết quả mà các chỉ số phát triển kinh tế xã hội năm 2017 đã minh chứng điều này.
Vấn đề quan tâm nhất năm 2017 chính là cải cách quản trị đất nước. Nói về kinh tế vĩ mô, đây là năm Chính phủ tập trung nhiều vào cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh tốt hơn cho doanh nghiệp tư nhân. Việc bán bớt cổ phần của doanh nghiệp nhà nước thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ không tham gia vào kinh doanh, nhưng nguyên nhân sâu xa là do áp lực từ ngân sách nhà nước.
Về bộ máy nhà nước, từ sức ép của ngân sách, chi thường xuyên quá lớn, bắt buộc phải xem lại bộ máy; rồi những vụ việc tiêu cực của cán bộ, lãnh đạo trong bộ máy được phanh phui từ những quan chức cấp rất cao trong đến những vụ việc như ở Yên Bái, hay đường quan lộ “thần tốc” của con trai nguyên bí thứ tỉnh Quảng Nam…, cho thấy việc cải cách đã đụng đến bộ máy quyền lực cấp cao nhất.
Việc xử lý một số cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp vừa qua đều gắn với chống tham nhũng. Đây là việc làm cần thiết tác động tích cực tới cộng đồng doanh nghiệp.
Về cải cách môi trường kinh doanh, vừa rồi, Chính phủ và Bộ Công Thương ngồi lại với nhau bàn giải pháp cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, mới thấy rõ biết bao quy định bất hợp lý kéo dài bao nhiêu năm nay gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân.
Trong khi đó hàng chục đại dự án gắn với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước thì thua lỗ, nợ nần nặng nề mặc dù được nhiều ưu đãi. Dù mới đưa ra xử lý 12 dự án nhưng chắc sẽ kéo theo nhiều doanh nghiệp liên quan nữa. Hướng xử lý các vụ việc này là không dùng tiền ngân sách, nhưng Nhà nước vẫn phải đứng ra giải quyết, nên cuối cùng việc giải quyết nợ nần lại đổ lên đầu người dân cả.
Qua chiến dịch chống tham nhũng bắt các lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí, cũng công bố hàng loạt các sai phạm ở các tập đoàn khác như Cao su, Than – Khoáng sản… mới thấy chuyện nợ nần xảy ra từ lâu rồi nhưng giờ mới được phanh phui hoặc được đưa ra xét xử. Trong khi đó đây là những tập đoàn chủ lực tạo ra nguồn thu cho đất nước lại gây thất thoát lãng phí tài nguyên lớn của đất nước trong thời gian dài.
Những điều nói trên cho thấy hệ thống quản trị công của Việt Nam có quá nhiều vấn đề cần phải giải quyết sớm. Đây là điểm mấu chốt, nút thắt rõ nhất trong năm nay 2017 và chắc chắn năm 2018 Chính phủ sẽ phải quyết liệt cải tổ.
Tôi cho rằng năm 2018 phải được xem là năm bản lề để cải cách thể chế, chứ không phải là tốc độ tăng trưởng, đó là cú hích giải tỏa mọi khó khăn, tạo chuyển biến cho những năm sau này.
Thêm nữa là từ năm 2018, yêu cầu hội nhập sẽ tiếp tục tăng lên đối với nước ta. Việt Nam phải thúc đẩy hiệp định thương mại với các nước EU, TPP với 11 nước… Ngay cả khi có những hiệp định còn chưa hình thành thì cũng phải cải cách nội bộ, thúc đẩy, vận động các nước có liên quan ký kết hiệp định thương mại nhanh hơn với Việt Nam…
Tất cả đòi hỏi hệ thống quản trị quốc gia phải được hoàn thiện hơn nữa để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Bà có thể nói rõ hơn về các yêu cầu của cải cách quản trị quốc gia thời gian tới, đâu là những điểm mấu chốt của quá trình cải cách, hoàn thiện này?
Bà Phạm Chi Lan: Cần có đột phá cải cách bộ máy và hệ thống quản trị của Nhà nước, bao gồm từ Quốc hội, Chính phủ và cả bên hệ thống chính trị của Đảng nữa. Quản trị quốc gia cần phải tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, tính hiệu năng của bộ máy.
Xây dựng thể chế hiện đại phải có thời gian, đồng thời những người lãnh đạo và cán bộ công chức của bộ máy phải là trung tâm; họ phải có các kỹ năng quản lý nhà nước, các kỹ năng quản trị xã hội, cộng đồng.
Chính phủ hơn lúc nào hết cần phải thắt chặt kỷ cương của Nhà nước, nhất là từ các bộ ngành. Chức năng nhiệm vụ của họ thì họ phải làm, chứ không phải Thủ tướng đề ra mà không chịu làm.
Phải có cơ chế chế tài cụ thể để tăng tính trách nhiệm và hiệu năng quản lý. Thực tế cho thấy bất cập ở câu chuyện giấy phép con. Như tại sao bao nhiêu năm nay ở một bộ đã đẻ ra biết bao giấy phép con khiến doanh nghiệp hết sức tốn kém và khó khăn vì thủ tục, nay được cho là vô lý, không cần thiết thì lại không bị xử lý gì, nhưng đến khi họ cắt giảm giấy phép con, sửa một chút lại được khen?
Tôi cho là do không có biện pháp chế tài, gây nên tình trạng gây lỗi chẳng ai phạt.
Vậy còn những vấn đề liên quan đến quản trị doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng thì sao thưa bà?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi thấy có một điểm Chính phủ cần nhìn nhận rõ hơn là: Chính phủ muốn có nhiều cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân, nhưng lại không thấy rõ là muốn doanh nghiệp tư nhân phát triển cần phải có chính sách rõ ràng cho khu vực công.
Nếu cứ dồn hết tài lực cho doanh nghiệp nhà nước thì doanh nghiệp tư nhân lấy đâu ra dư địa để phát triển, không thể cải thiện được kinh doanh cũng như không phát huy được nguồn lực của dân.
Các vấn đề đề quản trị công trong mối quan hệ với quản trị tư rất rõ, nếu không có giải pháp thì dù Thủ tướng có quyết liệt giảm bớt điều kiện kinh doanh bất hợp lý cũng không thể cải thiện được tình hình, thực trạng “trên bảo dưới không nghe” sẽ vẫn tiếp diễn.
Đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân, năm nay đã có nhiều doanh nghiệp thấy được vấn đề là: Nếu không cải thiện hệ thống quản trị nội bộ thì không thể cạnh tranh được, sức ép hội nhập lớn quá, chẳng ai giúp mình được.
Doanh nghiệp nói nhiều đến công nghệ 4.0, nhưng trước hết phải cải thiện hệ thống quản trị mới áp dụng được, còn không thì đầu tư chỉ lãng phí mà thôi.
Có điển hình tốt như Mía đường Lam Sơn chẳng hạn, họ nhờ một nhóm các bạn trẻ có kỹ thuật công nghệ từ Canada về, giúp phương án quản trị bằng công nghệ Big Data, thấy rõ chỗ nào có vần đề, chỗ nào có thể tăng năng suất… Nhờ quản trị tốt hơn nên hệ số cạnh tranh và năng suất doanh nghiệp đã thay đổi thấy rõ.
Một số doanh nghiệp đã đi vào tự động hóa cũng phải đào tạo lại lực lượng lao động, xây dựng hệ thống quản trị nội bộ. Rút gọn nhân sự cũng phải có hệ thống quản trị hiện đại để vận hành công nghệ. Nếu không cải thiện hệ thống quản trị thì sinh mạng doanh nghiệp sẽ bị đe dọa, khó mà tồn tại được.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa bắt đầu tìm kiếm các khóa học về quản trị nhiều hơn để học hỏi. Doanh nghiệp quản trị gia đình vài năm gần đây đã rất chú ý xem lại chỗ nào bất ổn để cải thiện, chứ không phải cứ đưa con đi đào tạo ở nước ngoài về là có thể quản trị ngay được.
Một số doanh nghiệp gia đình làm khá tốt quản trị hiện đại như Bitis và gốm sứ Minh Long. Ở các doanh nghiệp này, dù là hệ thống quản trị gia đình nhưng cha mẹ con cái cùng quản trin doanh nghiệp đã thực sự thống nhất với nhau, ứng dụng quản trị hiện đại vào để quản trị tốt hơn.
Chuỗi giá trị toàn cầu nay đã vận hành theo cung cách mới mà nếu không thay đổi nhận thức, hệ thống, quy trình, chủ doanh nghiệp không chịu nâng cấp lên để cùng chung ngôn ngữ trong quản trị thì không thể làm việc được với nhau. Đó là sức ép trong tương lai.
Theo bà, các lĩnh vực kinh tế nào cần dồn sức và tài lực để tạo ra diện mạo mới cho nền kinh tế vốn còn phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư nước ngoài?
Bà Phạm Chi Lan: Về ngân sách, có thể bán doanh nghiệp nhà nước, bán tài sản nhà nước. Nhưng tiền đó không nên dùng trở lại nuôi bộ máy nhà nước mà phải sử dụng cho việc tiếp tục cải cách hành chính; sử dụng cho đầu tư công như chăm lo đào tạo lao động, cải cách giáo dục, đào tạo, chứ không phải cách làm như là “bơm tiền” để đào tạo mấy ông tiến sĩ!
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta cần người làm thực tế, quản trị kỹ thuật trong nhiều ngành khác nhau hơn là mấy ông tiến sĩ ngồi nghiên cứu.
Lâu nay chúng ta cứ nói đột phá, nhưng đột phá thể chế cũng chậm, đột phá giáo dục không đúng hướng, cứ tập trung đào tạo tiến sĩ không chứng minh được hiệu quả. Đột phá trong hạ tầng được quan tâm nhiều nhất vì đây là nơi hút tiền nhiều nhất, nhưng cũng ẩn chứa nguy cơ tham nhũng lớn nhất.
Phải tập trung vào những ngành mũi nhọn như đầu tư cho nông nghiệp, ứng dụng công nghệ. Năm 2017 nhóm hàng rau quả phát triển mạnh, chứng tỏ khi có công nghệ tốt hơn, Việt Nam sẽ vượt lên, vào được các thị trường rất khó tính như Mỹ, châu Âu.
Từ bài học đó cho thấy nên đầu tư bài bản vào nông nghiệp công nghệ cao. Chúng ta đều thấy rằng cho đến giờ hầu hết lĩnh vực nông nghiệp có đầu tư thành công đều từ doanh nghiệp tư nhân đã làm rất tốt, chứ chưa có đầu tư gì nhiều của Chính phủ. Mũi nhọn du lịch cũng cần đầu tư để mang lại thu nhập cao hơn, dù tăng trưởng 30% là khá cao, nhưng chất lượng còn nhiều vấn đề lắm.
Về công nghệ, ngoài công nghệ thông tin, cần quan tâm đến công nghệ sinh học trong nông nghiệp và y tế, giúp xây dựng hệ thống dữ liệu cho Việt Nam để giúp quản trị tốt hơn, chứ như hiện nay chỉ trong công tác thống kê đánh giá của Việt Nam đã cho thấy rất mông lung. Điều này Hà Nội và TP. HCM cũng đã thấy và đang tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu cho thành phố thông minh.
Dư luận giai đoạn cuối năm đang “nóng” lên với việc xét xử các vụ đại án như Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam… Bà nhận xét sao về những vấn đề này?
Bà Phạm Chi Lan: Việc xét xử PVN, Ngân hàng Xây dựng là đau đớn thật, gây chấn động bản thân các đơn vị liên quan và toàn xã hội vì con số thất thoát quá lớn. Nhưng đây là nỗi đau cần thiết để giải quyết căn cơ nợ xấu ngân hàng, tình trạng tham nhũng.
Cần phải thẳng tay trừng trị người làm sai, bắt họ phải trả giá. Nếu không chịu cắt ung nhọt thì không thể giải quyết an toàn cho hệ thống, gây mất niềm tin nghiêm trọng đến toàn dân.
Năm nay ngành ngân hàng Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế tăng hệ số tín nhiệm cho thấy các nỗ lực cải cách mang lại kết quả. Rõ ràng là phải xử lý thật sự, không thể tránh né được.
Tôi chỉ mong là trên cơ sở sửa sai như vậy, thì cả hệ thống quản trị ngân hàng nói riêng và quản trị nhà nước nói chung phải được sửa theo.
Chứ như trước đây, ông Trầm Bê thất bại trong ngân hàng này lại nhảy vào thâu tóm ngân hàng khác to hơn nhiều là lỗi từ quản trị nhà nước? Đáng lý ra phải cấm ông Trầm Bê hoạt động trong vài năm ở lĩnh vực ngân hàng chứ, tại sao lại cho phép người làm chết ngân hàng nhỏ hơn đứng ra làm lãnh đạo ngân hàng lớn hơn nhiều, khiến Sacombank đang làm ăn tốt trở thành nơi có vấn đề. Thực tế này là không thể cho phép tái diễn nữa!
Với doanh nghiệp nhà nước cũng thế, cần phải đưa những người có kinh nghiệm và năng lực thực sự để vận hành những doanh nghiệp lớn như vậy.
Vậy thông điệp quan trọng nhất mà bà muốn đề xuất với Chính phủ, với doanh nghiệp năm 2018 là gì?
Bà Phạm Chi Lan: Quản trị nhà nước phải thay đổi rất mạnh, nếu không sẽ ảnh hưởng chung đến hoạt động của toàn xã hội. Điều này đóng góp rất lớn vào sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp.
Bởi doanh nghiệp chịu ảnh hưởng rất nhiều từ quản trị công, khó khăn đủ bề về chi phí quá lớn trong tuân thủ pháp luật, chi phí hành chính… gây nên đắt đỏ, tốn kém cho xã hội, hệ quả giá thành sản phẩm cao, kém hiệu quả.
Hậu quả BOT đã thấy rất rõ, do đặt trạm thu phí không hợp lý, kéo dài thời gian hoàn trả vốn, khiến người dân phản ứng rất mạnh và Nhà nước cũng đã phải xem xét lại.
Để cạnh tranh với thế giới thì cạnh tranh số 1 vẫn là thể chế, từ đó mới giúp cho nền kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh, còn nếu chỉ nói ủng hộ doanh nghiệp tư nhân thôi thì chưa giải quyết đến gốc rễ vấn đề.
Xin cảm ơn bà!
- Theo Kim Yến – TheLEADER