Năm 2012 còn là năm của nhiều biến chuyển quốc tế dồn dập ở Biển Đông với những bất đồng chưa có triển vọng giải quyết giữa Trung Quốc và nhiều nước láng giềng.
Cuộc khủng hoảng Syria trải dài trọn năm 2012
Về Syria, tháng 12-2011, Liên đoàn Ả Rập công bố nghị quyết lên án Tổng thống Bashar al-Assad về việc sử dụng các biện pháp mạnh để đối phó với phe chống đối. Cuối tháng 1, đầu tháng 2-2012, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thảo luận và đưa ra một dự thảo nghị quyết cụ thể hóa nghị quyết của Liên đoàn Ả Rập kêu gọi thực hiện bước chuyển tiếp sang một hệ thống chính trị dân chủ tại Syria, song Nga và Trung Quốc đã phủ quyết văn kiện này. Trong lúc Nga chống lại mọi hình thức can thiệp từ bên ngoài vào Syria thì các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố đã hoàn tất kế hoạch tham chiến tại nước này. Giữa năm 2012, cuộc khủng hoảng vượt ra khỏi biên giới Syria qua việc một chiến đấu cơ F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ bị không quân Syria bắn hạ sau khi cất cánh từ căn cứ không quân Erhac thuộc tỉnh Malatya. Tiếp đó là những cuộc đấu pháo qua lại giữa hai bên và những ngày đầu tháng 10-2012, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều động nhiều xe tăng và hệ thống phòng thủ tên lửa đến biên giới hai nước. Nội bộ chính quyền Assad đang có nhiều vấn đề khó giải quyết, nhiều sĩ quan, tướng lãnh đào thoát sang nước khác. Tính đến trung tuần tháng 12-2012, đã có hơn 100 nước trên thế giới chính thức công nhận liên minh đối lập tại Syria là đại diện hợp pháp của người dân nước này.
Người dân Syria biểu tình phản đối Tổng thống Bashar al-Assad
Tiến trình dân chủ hóa tại Myanmar
Trái với bức tranh ảm đạm tại Syria và nhiều nơi khác trên thế giới là những chuyển biến tốt đẹp từ Myanmar. Qua những gì diễn ra trên đất nước này, người ta tin rằng Tổng thống Myanmar Thein Sein thật sự muốn đưa nước này ra khỏi bất ổn và trì trệ. Từ tháng 2-2012, Liên minh châu Âu (EU) đã dỡ bỏ dần các biện pháp áp đặt lên chính quyền Thein Sein, mở ra cho Myanmar cơ hội tái hòa nhập vào cộng đồng kinh tế thế giới. Myanmar cũng nỗ lực sửa đổi, cải tiến các bộ luật kinh tế hiện hành để mời gọi các nhà đầu tư trên thế giới, đồng thời tiến hành nhiều đợt thả tù chính trị và đàm phán với nhóm quân nổi dậy Karen. Trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung diễn ra vào ngày 1-4-2012, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) dưới sự lãnh đạo của nữ chính khách đối lập Aung San Suu Kyi đã có được 43 ghế trong tổng số 644 ghế, mở đầu cho sự thâm nhập sâu hơn của tổ chức chính trị này trong đời sống xã hội Myanmar. Chuyến thăm chính thức Myanmar vào ngày 19-11-2012 của Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh dấu một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa Myanmar với thế giới bên ngoài.
Tổng thống Myanmar Thein Sein
Biển Đông và biển Hoa Đông nóng hơn bao giờ hết
Năm 2012 đánh dấu những xung đột giữa Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với một số nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tiêu biểu là việc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản và sự căng thẳng trên Biển Đông với Philippines và Việt Nam.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông
Sau khi chính phủ Nhật Bản quyết định chi tiền mua lại ba hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Bắc Kinh đã phản ứng mạnh mẽ, điều các loại tàu tiếp cận vùng biển này và sau đó đệ trình LHQ hồ sơ đăng ký chủ quyền tại vùng biển Hoa Đông. Tại Biển Đông, việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa vào ngày 24-7-2012 để quản lý khu vực bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough đang tranh chấp với Philippines khiến cho tình hình khu vực này trở nên căng thẳng. Việt Nam, Philippines và nhiều nước khác phản đối mạnh mẽ hành động này. Trung Quốc còn có những hành động ngang ngược như mời thầu chín lô dầu khí trên biển Việt Nam, phản đối Ấn Độ khai thác dầu khí trên Biển Đông… Những ngày gần đây lại rộ lên sự kiện hộ chiếu có in “đường lưỡi bò” chiếm phần lớn diện tích trên Biển Đông do nhà cầm quyền Bắc Kinh cấp cho công dân của họ. Hành động này không những vấp phải sự phản đối quyết liệt của các nước bị vi phạm quyền khai thác hợp pháp tài nguyên trên Biển Đông mà còn bị dư luận quốc tế phê phán. Về phần mình, Mỹ công khai thừa nhận sự củng cố sức mạnh quân sự tại vùng biển Đông Nam Á qua việc đưa siêu hàng không mẫu hạm USS George Washington đến gần khu bãi cạn Scarborough, tái lập căn cứ hải quân tại vịnh Subic của Philippines, phối hợp tập trận với hải quân Hàn Quốc và Nhật Bản… Ngày 6-12-2012, sau khi nhận được lời cảnh báo không được tiếp tục thăm dò dầu khí tại Biển Đông do Bắc Kinh đưa ra, Ấn Độ công bố quan điểm ủng hộ quyền tự do lưu thông hàng hải và khai thác hợp pháp tài nguyên tại Biển Đông. Đô đốc D.K. Joshi, tư lệnh hải quân Ấn Độ, tuyên bố sẵn sàng đưa chiến hạm đến Biển Đông để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của Ấn Độ tại đây. Tất cả những động thái này báo hiệu một năm 2013 chưa thể có sự hạ nhiệt trong các khu vực có tranh chấp giữa Trung Quốc và nhiều nước khác.