Hiện nay, Serious Games – các trò chơi điện tử với nội dung giáo dục được xem như công cụ học tập kích thích sự sáng tạo và hứng thú học tập đang ngày càng được quan tâm ở Đức. Người chơi có thể đắm mình vào nền văn hóa của một đất nước và làm sống lại lịch sử của đất nước này. Trao đổi với ông Thorsten Unger, Giám đốc điều hành của Liên đoàn các doanh nghiệp sản xuất trò chơi điện tử Đức, với kinh nghiệm làm việc lâu năm trong vị trí người thiết kế các trò chơi, đặc biệt trong mảng các trò chơi nghiêm túc, ông đã nêu rõ tiềm năng của trò chơi điện tử và ý nghĩa văn hóa của chúng trong việc truyền tải văn hóa Đức.
Thế mạnh truyền tải văn hóa của các trò chơi điện tử
Các trò chơi điện tử làm sống động nội dung của môn Đất nước học bằng cách tạo điều kiện cho người chơi đắm mình vào nền văn hóa và trở thành một phần của ký ức dân tộc. Trong trò chơi, bạn là nhân tố chủ động trong bối cảnh hành động: nhà vua, người đua xe, cầu thủ,… Dựa vào mục tiêu đặt ra, các trò chơi có thể mô phỏng các hệ thống, phù hợp với việc giới thiệu kiến thức về đất nước học. Các trò chơi điện tử đều có cốt truyện riêng. Với những bối cảnh và chủ đề có thực, các cốt truyện này sau khi được thêm những dữ kiện và tình tiết cụ thể sẽ mang đến cho người chơi một cách có hệ thống những kiến thức về nước Đức.
Sự phát triển của công nghệ cho phép nhiều ý tưởng mới trở thành hiện thực. Công nghệ mở rộng thế giới thực tại, tăng cường thực tế ảo – Augmented Reality (AR) tạo ra những trải nghiệm truyền thông thú vị, hấp dẫn và có khả năng chuyển tải môn Đất nước học một cách hiệu quả. Chúng ta sẽ có thể dạo chơi trong thành cổ Wartburg và nhìn thấy Luther trong thư phòng của ông. Không chỉ được trải nghiệm bằng giác quan mà chúng ta còn được tham gia trực tiếp và qua đó có được những kinh nghiệm cá nhân: Như tại viện bảo tàng Waterline ở Hà lan – khách tham quan tham gia nhảy dù, có thể nhận thấy ngay lập tức vị trí địa lý đặc biệt của đất nước này cũng như ý nghĩa đối với công việc quốc phòng.
Những khoảnh khắc giải trí được tận dụng để làm lịch sử trở nên sống động. Điều này làm tăng cảm giác trải nghiệm qua phương pháp “đắm mình” và “bơi trong ngôn ngữ” của việc học ngoại ngữ. Theo phương pháp này, người học đắm mình hoàn toàn vào môi trường của ngoại ngữ qua những tiếp xúc trực tiếp. Khi họ không có cơ hội dùng tiếng mẹ đẻ để tránh né, những kinh nghiệm học họ thu nhận được sẽ sâu sắc hơn. Trong trò chơi, bạn cũng nhận được ngay kết quả của mỗi hành động của mình và bạn ở trong một không gian kín. Qua đó bạn tự cảm nhận được khả năng của chính mình.
Tiếp cận môn Đất nước học với trải nghiệm mới lạ
Ở Đức, các trò chơi giáo dục được biết đến nhiều như: “Bí mật của đĩa trời” của Viện Goethe với nội dung đất nước học cho việc giảng dạy tiếng Đức; “Genius – Tại tâm điểm quyền lực” giải thích một cách nhẹ nhàng hệ thống chính trị Đức; “Patrizier – Thương gia quý tộc” mô phỏng thương trường trong một bối cảnh lịch sử nhất định, sẽ biết thêm nhiều điều về những tổ chức thương gia ở các thành phố là thành viên của Hiệp hội thương gia Hanse. Ngay cả những trò chơi điện tử cổ điển chỉ có mục đích giải trí như sê-ri trò chơi “Anno và những người định cư” cũng mang lại kiến thức lịch sử cho người chơi vì chúng được đặt trong bối cảnh lịch sử có thật.
Các trò chơi nghiêm túc được thiết kế theo mục đích giáo dục. Vì không thể chuyển tải tất cả thông tin nên việc chọn lọc để làm rõ trọng tâm và tạo ra một kết cấu gắn bó hài hòa là rất cần thiết. Trong các trò chơi giáo dục, mô hình ba bước thường được áp dụng. Đó là giai đoạn chuẩn bị – giai đoạn chơi – giai đoạn tổng kết. Việc áp dụng mô hình này vào các trò chơi điện tử để học sinh tự chơi mà không cần có sự hướng dẫn là một thách thức lớn. Để có hiệu quả học tập thực thụ thì việc giới thiệu trò chơi và hướng dẫn người chơi rất quan trọng.
Thorsten Unger cho biết, năm 2017 là năm kỷ niệm của Cải cách Tin lành, kỷ niệm 500 năm ngày Martin Luther treo luận đề, một chủ đề vô cùng thích hợp cho việc trải nghiệm lịch sử qua trò chơi. Các nước khác có những mô phỏng lịch sử rất ấn tượng và gần thực tế về Waterloo hay về cuộc động đất ở Haiti.
Vẫn còn ít Serious Games với nội dung mang tính đất nước học về nước Đức vì chưa có thị trường cho trò chơi điện tử với nội dung văn hóa cùng sự thiếu vắng những công cụ tài trợ. Song câu hỏi cuối cùng vẫn là: tính đặc thù của một trò chơi có nội dung đất nước học là gì? Khái niệm này rất mở rộng nếu như bạn nghĩ đến những trò chơi như mô hình sinh thái, một trò chơi với chủ đề năng lượng tái tạo nên liên quan chặt chẽ với nước Đức và cũng cần phù hợp với các quốc gia khác.
Khởi điểm của mỗi trò chơi luôn từ sự tự nguyện, Serious Games nghe qua có vẻ mâu thuẫn với giải trí. Song mục đích của các trò chơi này là kết hợp sự giải trí với một nội dung có ý nghĩa qua việc hướng hứng thú chơi đùa vào các nội dung học tập đòi hỏi sự tư duy sáng tạo và đạt tới mục tiêu tăng kiến thức văn hóa đất nước.
- Theo Viện Goethe – Cộng hòa Liên bang Đức