Vở nhạc kịch Tiên Nga được NSƯT Thành Lộc ấp ủ trong bốn năm, anh vừa là đạo diễn, vừa là biên kịch, cùng nhóm tác giả: NSND Năm Châu, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn Nguyễn Hồng Dung; đang chờ ngày công diễn và tin rằng nó sẽ đủ sức kéo khán giả đến rạp. Nói là những tình yêu của Thành Lộc nhưng chung quy cũng chỉ có một, là tình yêu của anh dành cho nghệ thuật sân khấu xưa nay không suy giảm và cũng chính sân khấu là nơi tải những gì chất chứa trong lòng anh.
Tình yêu dành cho nhạc kịch Việt Nam
Thành Lộc mê nhạc kịch nhưng trước nay sân khấu IDECAF cũng chỉ làm được các vở kịch thu sẵn bài hát cho diễn viên. Tiên Nga là một vở nhạc kịch mà lần đầu tiên dàn nhạc, dàn bè chơi trực tiếp ngay sân khấu, diễn viên vừa diễn vừa hát live. Làm điều này khó, diễn viên phải vừa tập diễn vừa tập hát, kinh phí nhiều hơn so với các vở thông thường, thời gian tập luyện cũng nhiều hơn, nhưng Thành Lộc vẫn làm. Bởi vì, anh sợ: “Tôi có tuổi rồi, nếu giờ không làm thì mai mốt già không đủ sức mà làm thứ mình mê”. Trong một lần gặp mặt, Thành Lộc chia sẻ anh dựng một vở kịch có diễn viên hát trực tiếp không phải là điều gì to tát mà chỉ là trả lại giá trị đích thực cho sân khấu. Cách diễn vừa thoại, vừa hát, vừa vũ đạo, Việt Nam đã có hát bội và cải lương, anh cũng làm theo cách ấy mà thôi. Là anh nói vậy, chứ dựng một vở nhạc kịch cổ trang mà không bị “cải lương hóa”, “hát bội hóa” chẳng dễ dàng gì. Thành Lộc khi dựng Tiên Nga đã mượn điệu bộ, vũ đạo của tuồng, cải lương cổ trang, Đức Trí làm nhạc mượn hơi hướng ngũ cung và các điệu thức dân gian (chủ yếu là của Nam bộ) như lý, hò và cả cách nói thơ rất đặc trưng của miền Nam… nhưng hai anh đã phả hơi thở hiện đại vào khiến cho vở nhạc kịch tươi mới, rất lạ mà rất quen. Sự say mê của anh đã truyền cảm hứng cho biết bao nhiêu đồng nghiệp. Vậy nên, không ngạc nhiên khi Thành Lộc nói về dự án của mình thì một công ty du lịch nhảy vào “phụ” 50% kinh phí dựng vở, nhạc sĩ Đức Trí vừa bận vừa “than” làm nhạc vở này khó nhưng vẫn hào hứng đồng hành, các diễn viên đều thấy được tham gia cùng dự án này là một cơ hội tốt trong nghề… Với từng ấy tấm lòng dành cho vở nhạc kịch, Tiên Nga đã hiện ra trên sân khấu đẹp đẽ, lung linh. Thành quả ấy, Thành Lộc nói: “Đông tay vỗ nên kêu”.
Tình yêu dành cho những người phụ nữ
Nếu khi xem Tiên Nga, khán giả thấy nhân vật cụ Đồ Chiểu yêu thương các nhân vật trong tác phẩm của mình như thế nào thì nhìn về ý đồ dàn dựng sẽ thấy Thành Lộc yêu các nữ nhân vật của mình như thế đấy. Khi dựng Tiên Nga, Thành Lộc đã đẩy cô hầu nữ Kim Liên nhạt nhòa trong tác phẩm văn học trở thành một nhân vật chính. Kim Liên của Thành Lộc mang khí phách của phụ nữ Việt Nam, căm giận khi thấy tổ quốc bị giày xéo và sẵn sàng làm mọi thứ để quê hương của mình được thanh bình. Khi Nguyệt Nga không chấp nhận làm người cống nạp nên ôm hình Vân Tiên lao xuống dòng sông thì Kim Liên trở thành thích khách. Cô gái ấy chết một cách oai hùng dưới tay giặc Phiên, hồn phân tán thành nhiều Kim Liên khác để đưa lối dẫn đường cho những người thân quen. Thành Lộc cho biết, lý do anh xây dựng Kim Liên theo cách ấy bắt nguồn từ lần anh xem vở cải lương Lục Vân Tiên của Nhà hát Trần Hữu Trang và bị ám ảnh hoài bởi một câu thoại của Kim Liên: “Cùng là phận nữ nhi mà sao cô không cho em gánh vác trách nhiệm với cô”. Tiếc vì vở cải lương nảy ra câu thoại hay nhưng lại bỏ ngõ chứ không khai thác tiếp số phận Kim Liên, Thành Lộc ấp ủ một ngày nào đó mình sẽ làm gì đó cho nhân vật này. Hình ảnh Kim Liên và Nguyệt Nga trong vở kịch quá đẹp. Thành Lộc dựng với cả tình yêu thương và lòng kính trọng dành cho hai người phụ nữ này, bởi với anh, có rất nhiều người phụ nữ đã âm thầm chết cho đất nước này mà không ai hay.
Ngoài ra, cụ Đồ Chiểu (Thành Lộc) còn yêu thương các nhân vật chính nghĩa của mình. Cụ Đồ xuất hiện xen kẽ trong những cảnh diễn để dẫn dắt câu chuyện cùng với niềm đồng cảm, an ủi, chở che cho những Lục Vân Tiên (Dương Cường), Kiều Nguyệt Nga (Lê Phương), Kim Liên (Lê Khánh), Vương Tử Trực (Lương Thế Thành)… lớn lên trong lúc đất nước gặp nguy nan và thể hiện lòng căm phẫn với những người ngồi không mà nhìn vận nước sắp chìm trôi. Vì điều này mà khán giả rung động ở những cảnh Đồ Chiểu dìu dắt, sớt chia, vỗ về Kim Liên khi cô đơn độc bên phía giặc. Khán giả nổi da gà rồi rơi nước mắt với cảnh Kim Liên vừa chết, ngay lập tức Đồ Chiểu đọc Văn tế nghĩa sẽ Cần Giuộc và sau đó là lời hát “Người phụ nữ nước Nam…” được cất lên từ dàn bè và tất cả diễn viên trên sân khấu… Đó là màn quan trọng và đắt giá nhất của vở nhạc kịch.
Tình yêu dành cho áng thơ kinh điển của Nam bộ
Thành Lộc kính yêu cụ Nguyễn Đình Chiểu vì tiếng thơ, cũng là tiếng lòng, của ông đập theo vận nước. Vì vậy, anh muốn làm sống lại một tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ yêu nước và cũng là một áng thơ kinh điển của miền Nam. Thái độ đối với vận mệnh đất nước của cụ Đồ Chiểu chưa bao giờ cũ, lòng yêu nước thì chẳng bao giờ cũ, những Lục Vân Tiên, Vương Tử Trực, Kiều Nguyệt Nga, Kim Liên… luôn cần hiện diện trong cuộc đời. Rất nhiều lần, Thành Lộc khẳng định nghệ sĩ cần phải thể hiện quan điểm, trách nhiệm công dân của nghệ sĩ trước thời cuộc. Với Tiên Nga, anh mong muốn khơi gợi được phần nào cái hào khí trong lòng mọi người. Ngoài ra, còn có thể thấy tình yêu của nghệ sĩ Thành Lộc dành cho văn hóa Nam bộ nên đầy ắp chất miền Nam trong tác phẩm của anh, từ cảnh trí, phục trang cho đến giai điệu, dàn bè, dàn diễn viên đều hát bằng giọng Nam.
Tiên Nga có câu chuyện hay, âm nhạc hay, dàn diễn viên tốt, phục trang, cảnh trí đẹp. Khen Thành Lộc thì hơi thừa nhưng cũng phải nói bởi dấu ấn đậm nét của anh trong tác phẩm này. Mọi lớp lang, ý tứ, từng mise en scène đều có ý đồ rõ ràng. Mọi câu thoại, câu hát, nói thơ được cài cắm đúng chỗ đúng nơi để đẩy cảm xúc khán giả. Và, anh cũng là người thể hiện cụ Đồ Chiểu rất tuyệt. Ngay từ cảnh đầu tiên anh bước ra, thốt lên những câu hát đã làm người xem cảm động. Đồ Chiểu của Thành Lộc vừa nồng ấm, dịu dàng với các nhân vật của mình vừa mạnh mẽ phản kháng những điều trái lẽ phải. Ba cô gái trong vở nhạc kịch là Kim Liên, Nguyệt Nga, Thể Loan trên sân khấu sáng lung linh được thể hiện rất tốt bởi ba nữ diễn viên xinh đẹp Lê Khánh, Lê Phương, Vân Trang. Một nhân vật đáng kể khác là Bùi Kiệm của Đình Toàn. Từng cái cười, cái nhếch mép, những câu thoại, miếng hài của Đình Toàn đều cho thấy một Bùi Kiệm vừa trẻ con, vừa ít học, hời hợt, vừa mê gái… Nếu nói tiếc thì chỉ tiếc một điều, tội nghiệp Đức Trí và dàn nhạc mười mấy người “co ro” trong sân khấu của Nhà hát Bến Thành, vốn không đủ chỗ cho dàn nhạc.
Vở nhạc kịch Tiên Nga sẽ được công diễn từ ngày 14-12 tại Nhà hát Bến Thành.
Ảnh Sơn Trần