Đầu tháng 12-2012 vừa qua, tại nhà đấu giá Poly International ở Bắc Kinh (Trung Quốc), một bức tranh của họa sĩ cũng là nhà văn Singapore Tan Swie Hian đã được bán với giá kỷ lục: khoảng 3,01 triệu USD. Đây cũng là kỷ lục mà một họa sĩ đương đại Singapore lập được tại các nhà đấu giá quốc tế.
Ông Tan Swie Hian là người gốc Hoa, sinh năm 1943 ở Indonesia, nhập cư Singapore vào năm 1946, thời thanh niên theo học chuyên ngành Anh – Pháp văn tại Đại học Nanyang. Tốt nghiệp, ông trở thành tùy viên báo chí Đại sứ quán Pháp tại Singapore nhưng vẫn theo đuổi ước mơ nghệ thuật có từ thiếu thời, đặc biệt là với nghệ thuật thư pháp Trung Hoa.
Triển lãm thư pháp đầu tiên của ông được tổ chức năm 1973 tại Thư viện quốc gia Singapore. Ông cải đạo Thiên Chúa, trở thành Phật tử và chính triết lý Phật giáo đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho nghệ thuật của ông sau này. Tuy nhiên, chính nhờ sự động viên của người bạn Pháp là ông Michel Deverge, lúc bấy giờ là tùy viên văn hóa đại sứ quán Pháp ở Singapore, mà Tan Swie Hian tiếp tục theo đuổi nghệ thuật tạo hình. Cũng chính ông Deverge đã đứng ra tổ chức cho bạn một triển lãm rất thành công tại Bảo tàng Gauguin ở Tahiti. Sau 24 năm làm việc trong ngành ngoại giao, Tan Swie Hian đã dành trọn thời gian cho nghệ thuật.
Ngoài vẽ tranh và viết thư pháp, Tan Swie Hian còn làm thơ, từng xuất bản 35 tập thơ, truyện ngắn và tiểu luận văn chương. Năm 1978, ông đã vinh dự được chính phủ Pháp trao tặng Bắc đẩu bội tinh vì đã chuyển dịch sang Hoa văn các tác phẩm của nhà văn, kịch tác gia Samuel Beckett (giải Nobel văn học năm 1969) và các tác phẩm của nhà văn Romania Marin Sorescu. Năm 1987, ông được trao Huân chương văn hóa của Singapore. Các hoạt động nghệ thuật rất đa dạng của Tan Swie Hian còn gây tiếng vang quốc tế. Năm 2003, khi tham dự Triển lãm lưỡng niên Venice, Tan Swie Hian đã thực hiện một bức thư pháp có chiều cao bằng một tòa nhà bốn tầng ngay tại trung tâm quảng trường nổi tiếng San Marco. Còn tại Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sĩ) cũng trong năm 2003, ông đã tổ chức một triển lãm cá nhân hoành tráng và được tổ chức này vinh danh với giải thưởng Pha lê. Ông còn xây dựng Bảo tàng Trái đất tại Thanh Đảo (Trung Quốc) – một dự án có kinh phí gần 700.000 USD, do chính ông chỉ huy một nhóm nghệ nhân chạm khắc để tạc vào hai ngọn núi đá có chiều dài 2km một bức thư pháp có lẽ là lớn nhất thế giới. Ngày nay, có dịp du ngoạn đảo quốc Sư tử, bạn có thể tìm thấy rất nhiều tác phẩm của Tan Swie Hian ở các điểm công cộng như ga tàu điện ngầm, bên bờ sông Singapore… Ngoài ra, còn có bảo tàng mang tên Tan Swie Hian – một trong những bảo tàng nghệ thuật tư nhân đầu tiên ở Singapore được ông xây dựng để tôn vinh những nghệ sĩ đương đại.
Vào tháng 10-2011, Tan Swie Hian đã có một triển lãm cá nhân tại Bắc Kinh; cũng chính trong những ngày đó ông đã vẽ bức tranh có tên Thuở trăng tròn với chất liệu sơn dầu và acrylic; chính tác phẩm này sau đó đã được bán với giá trên 3 triệu USD. Ông Guo Yuanchao, cố vấn nghệ thuật cho nhà đấu giá Poly International cho rằng các nhà sưu tập Trung Quốc sau khi đã tìm đến những tác phẩm của các danh họa Zhao Wou-Ki và Chu Teh-Chun – những người đã Âu hóa hoàn toàn thì này họ đang tập trung sự chú ý vào các tên tuổi lớn khác, những người vẫn giữ được phong cách phương Đông mà điển hình là Tan Swie Hian.
“Tất cả khách mua tranh hay thư pháp của tôi đều giàu có – tranh tôi có giá thấp nhất là 28.700 USD”, ông Tan nói. Đó là các chủ ngân hàng, bác sĩ, nhà công nghiệp, doanh nhân… “Đạo Phật không cấm việc kiếm tiền mà chỉ khuyên răn con người đừng để đồng tiền cám dỗ. Bạn phải có tiền để chia sẻ với người khác”. Tu tập theo Thiền tông nhưng ông Tan từng mua một chai rượu vang năm 1945 với giá 8.600 USD để cùng uống với bạn bè.
Đã ở tuổi thất thập nhưng Tan Swie Hian vẫn rất khỏe mạnh và làm việc không nghỉ. Mỗi ngày ông đều thiền định và leo 1.000 bậc thang để luyện tập gân cốt hầu có thể thực hiện những động tác viết thư pháp vốn rất khó nhọc, nhất là với những đại tự.
- Lê Bản