Theo ông Lưu Viên, thanh tra Bộ Tài nguyên Đất đai Trung Quốc, chính quyền đang nỗ lực gia cố 355 vị trí quanh đập, những nơi mà sự sụt lở đá và đất chuồi đã xảy ra. Bên cạnh đó, 5.386 địa điểm nguy hiểm khác cũng đang được theo dõi sát sao. Nước trong hồ chứa khổng lồ lên xuống theo mùa, góp phần tạo nên tình trạng bất ổn của con đập. Những biện pháp mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra sẽ nhằm đáp ứng các mục tiêu tối hậu là ổn định và cải tiến các điều kiện sống của thành phần dân tái định cư, bảo vệ môi sinh và ngăn ngừa các tai họa về địa chất. Với kinh phí xây dựng lớn hơn cả tổng GDP của một nước nghèo, có lẽ còn lâu lắm kỷ lục “chiếc đập thủy điện lớn nhất thế giới” của Tam Hiệp mới bị phá vỡ, nhưng ngay từ bây giờ, hàng triệu người dân Trung Quốc đang phải sống phấp phỏng vì những bất trắc mà công trình vĩ đại này có thể gây ra cho họ.
Cho đến nay đập Tam Hiệp vẫn là đập thủy điện lớn nhất thế giới. Nó được khởi công xây dựng vào năm 1994 và hoàn thành 12 năm sau đó (2006), với kinh phí 40 tỉ USD. Tác dụng chính của đập là chế ngự con sông Dương Tử và đưa nước từ dòng chảy này vào một hồ chứa dài 660km, với chiều cao thân đập trên 180 mét. Con đập đã hình thành với sự đồng thuận không cao trong nội bộ Trung Quốc, khi có đến một phần ba đại biểu Quốc hội bỏ phiếu chống lại dự án hoặc bỏ phiếu trắng. Tại một hội nghị do Chính phủ Bắc Kinh tổ chức vào năm 2007, các viên chức chính quyền địa phương nơi xây dựng đập đã cảnh báo về “một thảm họa môi trường” có thể xảy ra. Và nó đã xảy ra vào tháng 7-2010, khi hồ chứa nước đạt đến mức nước cao nhất và nhấn chìm 13 thành phố, 140 thị trấn và 1.350 làng mạc chung quanh, hủy hoại hay làm thiệt hại trên 100 ngàn ngôi nhà, khiến 1,3 triệu người phải tìm chỗ ở tạm thời trước khi các hậu quả được khắc phục.
Lê Cẩn theo BBC, Al Jazeera…