Theo phát hiện của Trường ĐH Y khoa Perelman, Pennsylvania, Hoa Kỳ, ăn muộn ban đêm nguy hiểm hơn chúng ta nghĩ. Giáo sư tâm lý, chuyên khoa tâm thần học Namni Goel, phân viện Sleep and Chronobiology, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Theo nhiều nghiên cứu, mất ngủ tác động tiêu cực đến cân nặng và chuyển hóa một phần do ăn muộn ban đêm, nhưng giờ đây, những phát hiện mới đã vẽ ra một bức tranh toàn cảnh về lợi ích của việc ăn sớm hơn trong ngày. Ăn muộn ban đêm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cân nặng, năng lượng và các biểu hiện về hormon như tăng glucose và insulin, có liên quan đến bệnh tiểu đường, cholesterol và triglycerides dẫn đến các vấn đề về tim mạch và sức khỏe khác”.
Thử nghiệm mới nhất
Trong nghiên cứu, tám người trưởng thành khỏe mạnh phải trải qua hai quy định: (1) ăn ban ngày (nghĩa là ba bữa chính và hai bữa phụ từ giữa 8 AM và 7 PM) trong tám tuần lễ, (2) ăn muộn ban đêm (ba bữa chính và hai bữa phụ từ buổi trưa đến 11 PM) trong tám tuần lễ. Có một giai đoạn nghiên cứu lâm sàng giữa hai quy định trong hai tuần lễ để bảo đảm không có hiệu ứng chuyển tiếp. Thời gian ngủ được duy trì liên tục từ 11 PM đến 9 AM. Tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học về Con người Penn, những người tham gia nghiên cứu được đo mức độ chuyển hóa và lấy máu ngay từ lúc đầu, sau quy định ăn đầu tiên, sau hai tuần nghiên cứu lâm sàng, và sau quy định ăn lần thứ hai.
Phát hiện cho thấy, những người ăn muộn, được so sánh với ăn trong ngày, có nguy cơ tăng cân. Chỉ số hô hấp, là tỷ lệ carbon dioxide được sản sinh bởi cơ thể thành oxy được tiêu thụ bởi cơ thể, cho thấy, đa phần các chất dinh dưỡng đã được chuyển hóa và cũng tăng lên khi ăn muộn ban đêm, dẫn đến chuyển hóa ít lipid và nhiều carbohydrates hơn. Các nhà nghiên cứu còn phát hiện nhiều biểu hiện tiêu cực khác của chuyển hóa khi ăn muộn ban đêm có liên quan đến lượng insulin, glucose, cholesterol và triglycerides.
Những phát hiện có giá trị
Qua theo dõi hồ sơ hormon trong 24 giờ đồng hồ còn phát hiện, khi ăn ban ngày thì lượng hormon ghrelin kích thích cảm giác ngon miệng đạt mức đỉnh ở thời điểm sớm hơn trong ngày, trong khi đó hormon leptin duy trì cảm giác no đạt mức đỉnh muộn hơn. Điều này chứng tỏ việc ăn sớm hơn có thể ngăn ngừa quá độ vào buổi tối và ban đêm. Và dù chu kỳ ngủ – thức không thay đổi thì lượng melatonin ở cả hai nhóm vẫn không thay đổi.
Tiến sĩ Kelly Allison, Phó giáo sư Tâm thần học, Giám đốc Trung tâm về Rối loạn Cân nặng và Ăn uống, tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Trong khi thay đổi lối sống không phải là điều dễ dàng thì những phát hiện này cho thấy việc ăn sớm trong ngày đáng để chúng ta nỗ lực thực hiện để đề phòng các bệnh lý mạn tính nguy hiểm. Lâu nay, mọi người đều biết ăn quá độ ảnh hưởng đến sức khỏe và cân nặng cơ thể, nhưng giờ đây có thể hiểu thêm về cách cơ thể xử lý thực phẩm vào những thời điểm khác nhau trong một khoảng thời gian dài trong ngày”.
Nhiều nghiên cứu trước đây cũng đưa ra kết luận tương tự, nhưng đây là nghiên cứu dài hạn đầu tiên về thời điểm ăn trong ngày cùng với kiểm soát chu kỳ ngủ, tập thể dục, tiêu thụ chất dinh dưỡng… để xác định ảnh hưởng của việc ăn uống kéo dài ở những thời điểm khác nhau trong ngày.
- Hoàng Uyên theo Science Daily