Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, trong năm 2015, trên thế giới đã có 180 triệu tấn phế liệu được xuất khẩu. Dẫu chỉ là một phần rất nhỏ của nền sản xuất thế giới từ 1 tỉ tấn chất thải (kể cả rác gia đình) nhưng đã có doanh số lên đến 86 tỉ USD. Phế liệu kim loại chiếm tỷ trọng chính trong xuất khẩu chất thải với 87 triệu tấn, giấy 57,5 triệu tấn, kim loại màu 16,3 triệu tấn, nhựa 11,8 triệu tấn.
Mỹ là quốc gia dẫn đầu xuất khẩu phế liệu, với khối lượng ngày một tăng. Năm 2015 xuất khẩu 42,8 triệu tấn, thu về 23,7 tỉ USD. Trong khi đó, Trung Quốc là nước nhập khẩu phế liệu nhiều nhất thế giới, năm 2015, nhập 49,6 triệu tấn.
Mua bán phế liệu qua biên giới là do nước này thiếu nguyên liệu ban đầu giá cao, nước kia không có khả năng hoặc thiếu thị trường phế liệu tái chế giá hạ. Cũng còn là do chi phí tái chế rất khác nhau, thuế má, quy chuẩn mỗi quốc gia một khác.
Nhờ có công nghệ cao, Đức ở châu Âu đảm nhiệm tái chế phế liệu độc hại từ các nước trong cộng đồng EU không đủ trình độ bảo đảm an toàn. Thụy Điển chuyên nhập rác thải từ các nước láng giềng, nhất là Anh. Châu Âu xuất khẩu nhiều màng nhựa, giấy… sang châu Á để tái chế thành bao bì.
Các tổ chức môi trường lên tiếng phản đối, yêu cầu việc tái chế phế liệu chỉ được phát triển tại chỗ, nội bộ quốc gia để tránh vận chuyển làm phát tán ô nhiễm môi trường. Hiệp ước Basel ra đời nhằm kiểm soát, hạn chế việc vận chuyển rác thải độc hại sang các nước đang phát triển, vì ở đó, các quy định về môi trường còn hạn chế. Mỹ là một trong số ít quốc gia không thông qua hiệp ước Basel. EU thì không xuất khẩu rác thải độc hại ra ngoài biên giới Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
- Lê Lành theo HuffPost, rbtf.be