Mới đây, thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có giải pháp huy động nguồn vàng và USD trong dân để phục vụ cho đầu tư, phát triển kinh tế. Đây là nguồn vốn lớn đang nằm “bất động”, nếu không huy động sẽ rất lãng phí. Tuy nhiên, có nên huy động vàng và USD trong dân hay không vẫn là một bài toán cần cân nhắc.
Vấn đề huy động nguồn lực vàng trong dân luôn luôn mang tính thời sự, được sự quan tâm không những của những nhà lãnh đạo kinh tế, các doanh nghiệp, các ngân hàng mà còn của toàn thể người dân. Nhưng còn có một vấn đề cơ bản hơn, mấu chốt hơn, nan giải hơn, đó là ai sẽ đứng ra huy động và huy động vàng để làm gì, một vấn đề có liên quan đến chiến lược sung dụng hiệu quả tài nguyên quốc gia.
Thật ra, không phải đến bây giờ việc huy động nguồn vàng trong dân mới được đặt ra. Qua nhiều cách làm khác nhau, trong thời gian 1990-2011, số liệu chính thức được công bố cho thấy rằng lượng vàng mà các ngân hàng thương mại Việt Nam huy động được của dân lên đến 100 tấn vàng tương đương 5,5 tỉ USD theo giá vàng vào lúc đó. Nhưng việc huy động nguồn vàng đó đã đóng góp gì cho việc phát triển nền kinh tế quốc dân, với tư cách được cho là một nguồn vốn đầu tư?
Thực tế, chính việc huy động vàng thời kỳ này cùng những hệ lụy kinh doanh phức tạp đầy rủi ro của nó chẳng những không mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể nào mà còn gây ra những thất thoát nghiêm trọng, đặt ra cho cả hệ thống ngân hàng những hậu quả khó khăn mà cho đến nay không dễ gì khắc phục, đang làm đau đầu không chỉ những cổ đông lớn và những người điều hành ngân hàng thương mại, mà còn cả Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ.
Như vậy, nếu cứ tiếp tục tổ chức huy động vàng theo cách thức huy động tiền tiết kiệm – nhận vàng trả vàng – các ngân hàng hoặc tổ chức khác được phép huy động vàng buộc phải thực hiện những biện pháp bảo hiểm rủi ro rất tốn kém mà kết quả mang lại là một khoản lỗ khổng lồ, vì không ai có thể tiên đoán được biến động thất thường của giá vàng. Rủi ro cho hệ thống ngân hàng là rất lớn vì nếu không may khủng hoảng xảy ra, Ngân hàng Nhà nước không thể nào “in” ra vàng để giải cứu các ngân hàng thương mại.
- Xem thêm: Mua đôla trong dân
Cuối cùng, việc huy động vàng sẽ chỉ là một nỗ lực đầu voi đuôi chuột, không có ý nghĩa kinh tế và cũng không có tác dụng biến nguồn lực vàng thành nguồn vốn đầu tư cho phát triển, mà còn có thể làm tăng thêm cơn khát vàng nội địa, điều chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế. Kinh nghiệm cho thấy, tạo thói quen tích trữ vàng và mê tín vàng rất dễ, đảo ngược tập quán đó là một tiến trình lâu dài khó khăn.
Giải pháp cho não trạng trữ vàng không phải là huy động tiết kiệm bằng vàng mà làm thế nào cho người dân bán số vàng dự trữ của mình để đầu tư vào những tài sản sinh lợi khác, có độ tin cậy và an toàn nhất định. Đó là câu chuyện lâu dài của niềm tin, của chiến lược phát triển kinh tế đúng đắn, của chính sách tiền tệ tích cực và năng động. Đó không phải là câu chuyện ngày một ngày hai, kiểu chữa cháy hay giải pháp tình thế.
Khi môi trường kinh doanh và đầu tư chưa thật sự công khai minh bạch, còn chứa đựng nhiều rủi ro như hiện nay, vàng vẫn được “mê tín” như là một hầm trú ẩn an toàn để người dân bảo toàn tài sản của họ, mặc dù đó chỉ là mê tín. Tuy nhiên, dùng biện pháp huy động tiết kiệm với hy vọng thu hút số vàng trong dân thành nguồn vốn đầu tư cho sản xuất và kinh doanh trong nước là một con dao hai lưỡi, lợi bất cập hại. Khi vàng được chính thức công nhận vai trò dự trữ giá trị, nó sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh vai trò thanh toán và tín dụng. Tình trạng vàng hóa nền kinh tế sẽ làm cho đồng tiền Việt Nam suy yếu, kềm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, giải pháp thực hiện trần lãi suất huy động USD 0%/năm từ cuối năm 2015 đến nay đã đạt được kết quả đáng khích lệ, góp phần làm tăng nguồn cung và giảm nhu cầu USD trên thị trường ngoại tệ, giúp ổn định tỷ giá đồng Việt Nam và gia tăng dự trữ ngoại hối. Khi lãi suất tiền gửi USD cá nhân về 0%, việc gửi tiết kiệm bằng USD không còn hấp dẫn và người có đôla Mỹ được khuyến khích bán đôla để lấy tiền đồng gửi tiết kiệm.
Chủ trương này của Ngân hàng Nhà nước có mục tiêu hạn chế tình trạng găm giữ đồng USD tại các doanh nghiệp xuất khẩu và trong dân cư. Cùng với chính sách ấn định lãi suất tiết kiệm USD bằng 0%, việc cho vay ngoại tệ của các ngân hàng thương mại đã bị siết chặt. Đây là những biện pháp chống đôla hóa rất hiệu quả.
Việc duy trì lãi suất tiền gửi USD 0% làm cho người dân, doanh nghiệp không còn “cố thủ” USD, từ đó tăng nguồn cung USD trên thị trường, góp phần bình ổn tỷ giá VND. Lãi suất tiền gửi USD bằng không (0%) tạo điều kiện để tiền gửi bằng đồng Việt Nam tăng nhanh trong hệ thống ngân hàng mở ra khả năng giảm lãi suất huy động và cho vay bằng tiền Việt.
Tuy nhiên, gần đây có ý kiến cho rằng lãi suất huy động USD 0%/năm có thể làm giảm sút khả năng huy động nguồn vốn đôla Mỹ mà hiện nay nền kinh tế đang rất cần, hơn nữa sẽ trở thành không hợp lý khi chúng ta cả doanh nghiệp và chính phủ đều phải đi vay đôla Mỹ với một mức lãi suất cao nhất định. Từ đó vấn đề nâng lãi suất huy động đôla Mỹ được đặt ra với một mục tiêu rõ ràng, thu hút nguồn vốn USD tiền mặt có sẵn trong dân.
Thu hút nguồn ngoại tệ không phải là một yêu cầu mới, và cả hệ thống ngân hàng Việt Nam trong suốt mấy chục năm qua đã thực hiện nhiều giải pháp để đạt mục tiêu này, đồng thời cũng đã tích lũy quá nhiều kinh nghiệm để đối phó với những hệ lụy của nó, trong đó có tình trạng đôla hóa. Như trên đã trình bày, huy động tiết kiệm một đồng tiền nào đó tức là trao cho nó chức năng tín dụng, và thông thường khi chức năng tín dụng đã phát triển mạnh, sẽ khó ngăn chặn việc đồng tiền đó đảm nhận vai trò thanh toán.
- Xem thêm: Sẽ huy động vàng trong dân
Và một khi nền kinh tế lưu hành song song hai loại tiền tệ, quy luật tiền xấu trục xuất tiền tốt sẽ khiến cho đồng đôla Mỹ được ưu ái hơn trong con mắt của người dân và doanh nghiệp, với hệ quả là đồng tiền bản địa bị suy yếu nghiêm trọng. Đó là căn bệnh đôla hóa mà chúng ta đã trải qua trong nhiều thập niên.
Hơn nữa, huy động tiết kiệm đôla sẽ không chỉ giới hạn trong phạm vi dân cư bản xứ, nhất là trong tình hình thế giới hội nhập như hiện nay. Một khi lãi suất đôla Mỹ tại Việt Nam cao hơn ở Mỹ, nhiều khả năng là không chỉ cá nhân mà còn các tổ chức tài chính sẽ chọn hệ thống ngân hàng Việt Nam để gửi tiền. Điều đó cũng sẽ là con dao hai lưỡi, nếu chúng ta quản lý và sử dụng nguồn ngoại tệ này tốt và hiệu quả – một mục tiêu không hề dễ dàng vì đòi hỏi một số điều kiện cần và đủ – nguồn vốn ngoại tệ tăng thêm này sẽ đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế đất nước, còn ngược lại, đó sẽ là một hiểm họa khôn lường không khác gì một quả bom nổ chậm.
Hiển nhiên là phát triển cần nguồn vốn đầu tư. Nhưng nguồn vốn không thôi chưa đủ. Thế giới này ngày nay không hề thiếu nguồn vốn và rất nhiều quỹ đầu tư có thừa hàng tỉ đôla đồng vốn để sẵn sàng cho vay. Nền kinh tế của chúng ta rất cần nguồn vốn, nhưng cái mà chúng ta cần hơn chính là năng lực sử dụng đồng vốn hiệu quả và ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng trong việc hoàn trả đầy đủ vốn vay.