Sau triển lãm cá nhân “Nhà Nguyễn I” cách đây gần bốn năm, họa sĩ Trần Minh Tâm lại tiếp tục hành trình kiếm tìm, tái hiện những chân dung của một quá khứ vàng son chưa xa ở nước ta: triển lãm “Nhà Nguyễn II” đang diễn ra tại gallery Craig Thomas (27i Trần Nhật Duật, P. Tân Định, Q.1, TP. Hồ Chí Minh, từ 28-7 đến 26-8-2017) với nhiều bức chân dung đặc sắc.
Cuối năm 2013, đầu năm 2014, cũng tại gallery Craig Thomas, triển lãm “Nhà Nguyễn I” đã lần đầu tiên giới thiệu với công chúng và các nhà sưu tập bộ tranh chân dung những nhân vật lịch sử nổi tiếng như vua Duy Tân, hoàng hậu Nam Phương, các quan đại thần Phan Thanh Giản, Lê Văn Duyệt, bà Châu Thị Tế (phu nhân quan trấn thủ Nguyễn Văn Thoại – thường gọi là Thoại Ngọc Hầu)… Bên cạnh đó còn là hình ảnh tưởng tượng về nàng Kiều Nguyệt Nga, nhân vật trong truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu, hay hình dung của họa sĩ về một cô đào hát, một nữ vũ công cung đình triều Nguyễn. Dù là nhân vật có thật hay chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, tất cả đều được tác giả thể hiện thật sống động, thật công phu từ gương mặt tới trang phục, theo kiểu tả thực của tranh truyền thần và với sự kết hợp hai chất liệu: sơn mài truyền thống của người Việt cùng sơn dầu (vốn được người Pháp đưa sang xứ An Nam), sự kết hợp mang tính ẩn dụ về một thời kỳ lịch sử cận đại đầy những biến động.
Kể từ sau “Nhà Nguyễn I”, Trần Minh Tâm lại mải miết sưu tập hình ảnh, tư liệu về triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam để hôm nay có được “Nhà Nguyễn II”. Nếu ở “Nhà Nguyễn I” tác giả đã tìm cách tái hiện thật chính xác các nhân vật về mặt hình họa cũng như các họa tiết trên trang phục thì ở “Nhà Nguyễn II”, anh còn đi xa hơn với nghệ thuật kể chuyện qua tác phẩm hội họa, thể hiện qua cách “tạo hình có chủ ý”, những chi tiết trang phục được thể hiện tỉ mỉ, tinh tế hơn; bối cảnh cung đình làm phông nền được thể hiện nhiều hơn, chi tiết hơn… Có thể lấy ví dụ là bức Vua Duy Tân và bà Hồ Thị Chỉ. Trong tranh, vị vua được thực dân Pháp đưa lên ngôi từ thuở ấu thơ rồi bị chính những kẻ xâm lược lưu đày xuất hiện như một cái bóng phía sau bà Hồ Thị Chỉ, vị vương phi của một bi kịch – yêu vua Duy Tân nhưng cuối cùng lại trở thành hoàng phi của vua Khải Định. Trong tà áo dài màu ngọc bích, đầu đội khăn nhung đỏ, đeo kiềng vàng, bà Hồ Thị Chỉ mới là nhân vật trọng tâm của tác phẩm, đặc biệt là hình ảnh một con công ngay sau lưng bà như biểu tượng của đức hạnh và thanh nhã, cũng là biểu trưng một bậc mẫu nghi thiên hạ.
Những lần đến với đất Huế, Trần Minh Tâm không chỉ nhằm tìm hiểu thêm về khung cảnh của hoàng cung triều Nguyễn ngày xưa mà còn để được sống với những cảm xúc rồi sẽ được chuyển tải vào tranh: “Tôi luôn cảm nhận một sự nhung nhớ dành cho những con người đã một thời sống trong không gian tráng lệ này. Và loạt tranh “Nhà Nguyễn II” có thể hiểu như là cách người đương thời nhìn về lịch sử”. Trước giờ khai mạc triển lãm, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với họa sĩ.
Từ “Nhà Nguyễn I” đến “Nhà Nguyễn II” cho thấy anh vẫn “nuôi” đề tài – dự án nghệ thuật rất riêng này. Vì sao triều đại nhà Nguyễn lại thu hút sự quan tâm của anh như vậy? Có yếu tố nào gắn với thời đại hiện nay? Và liệu sẽ có những “Nhà Nguyễn” kế tiếp?
– Đối với tôi, nhà Nguyễn là một đề tài lớn và hấp dẫn, cần rất nhiều thời gian và công sức để thực hiện. Với triều đại lịch sử này, có ba vấn đề thu hút sự quan tâm của tôi:
Thứ nhất, bối cảnh lịch sử của thời đại trước những biến động lớn của cả thế giới.
Thứ hai, phải chăng thời điểm đó cũng là cơ hội duy tân cho dân tộc Việt nhưng đã bị bỏ lỡ?
Thứ ba, triều đại nhà Nguyễn đã khẳng định cương thổ và lãnh hải – điều đang là mối quan tâm hiện nay của người dân Việt trước những toan tính và mưu đồ bành trướng từ anh “láng giềng” phương Bắc.
Chắc chắn sẽ có “Nhà Nguyễn” kế tiếp vì còn rất nhiều nhân vật cũng như sự kiện mà tôi quan tâm nhưng chưa được thực hiện, chẳng hạn tôi có tham vọng vẽ chân dung những vị vua đầu của triều Nguyễn dù chỉ qua tham khảo từ nguồn tư liệu dân gian ít ỏi. Hoặc tái hiện cảnh đám cưới của vua Bảo Đại và Nam Phương hoàng hậu… Trong tương lai, ngoài chủ đề Nhà Nguyễn, nếu có những tư liệu khác về các giai đoạn lịch sử thì tôi cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu và khai thác vì rất thích chủ đề nhân vật lịch sử.
Phản hồi của nhà sưu tập hay người mua tranh đối với loạt tranh chủ đề nhân vật lịch sử của anh?
– Có thể nói, phản hồi từ các nhà sưu tập đối với “Nhà Nguyễn I” và “Nhà Nguyễn II” là rất tốt. Đáng mừng là hiện nay có rất nhiều nhà sưu tập trong nước quan tâm loạt tranh này trong khi trước kia đa phần là người nước ngoài hay Việt kiều. Một tín hiệu đáng mừng cho nghệ thuật nước nhà!
Xin chúc mừng anh và bộ sưu tập “Nhà Nguyễn II”!
- Ngã Văn