Hãng Reuters đưa tin ngày 27-7 Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua dự luật trừng phạt Nga mới với tỷ lệ ủng hộ – phản đối là 98/2. Trước đó, hôm 25-7, Hạ viện cũng đã thông qua dự luật này.
Dự luật sẽ được trình lên Tổng thống Donald Trump và dù nếu bị phủ quyết, dự kiến vẫn có đủ sự ủng hộ từ Quốc hội để bác quyết định của Trump và trở thành luật.
Dự luật được đưa ra trong bối cảnh các nhà lập pháp Mỹ đang điều tra khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và nghi vấn có sự thông đồng giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Moscow. Nga và ông Trump đều phủ nhận cáo buộc.
Dự luật mới cũng hạn chế khả năng kiểm soát của tổng thống với việc trừng phạt Nga, ông Trump cần phải có sự chấp thuận của Quốc hội nếu muốn nới lỏng trừng phạt Moscow.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã nhanh chóng cảnh báo sẽ hành động để chống lại các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga mà Quốc hội Mỹ vừa thông qua với lý do điều này đe dọa an ninh năng lượng của châu Âu.
Dự luật bao gồm một số điều khoản cho phép tổng thống Mỹ trừng phạt các công ty châu Âu hợp tác với Nga để phát triển, bảo dưỡng, hiện đại hóa hay sửa chữa các đường ống xuất khẩu năng lượng của Nga.
Vẫn chưa rõ liệu Tổng thống Trump có ký dự luật hay không. Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 25-7, ông Trump nói rằng ông vẫn chưa quyết định ký hay phủ quyết dự luật. Song hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng ông Trump sẽ miễn cưỡng ký dự luật vì nó được sự ủng hộ rộng rãi của Quốc hội Mỹ, nơi phe Cộng hòa của ông Trump đang chiếm đa số và vì ông Trump muốn tránh các cáo buộc nói rằng ông mềm yếu với Moscow. Trong trường hợp, Tổng thống Trump không ký cũng không phủ quyết trong vòng 10 ngày sau khi dự luật được trình lên, nó sẽ tự động có hiệu lực.
EU lo ngại các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga sẽ gây phương hại đến lợi ích của các công ty châu Âu có mối quan hệ kinh doanh với các công ty Nga cũng như các dự án dầu khí của Nga có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh năng lượng của châu Âu.
EU cho rằng dự luật này có thể gây cản trở cho công tác bảo dưỡng mạng lưới đường ống dẫn khí đốt ở Nga đi qua lãnh thổ Ukraina và cung cấp hơn 25% nhu cầu khí đốt cho châu Âu.
EU cũng lo ngại nhiều tập đoàn năng lượng lớn của châu Âu như Shell, Eni và BP đang hợp tác kinh doanh với Nga ở nhiều dự án có thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt.
Một phần của dự luật trừng phạt nhắm đến dự án đường ống dưới đáy biển Nord Stream 2 để vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức. Có năm công ty năng lượng phương Tây bao gồm Shell (Anh – Hà Lan), Wintershall và Uniper (Đức), OMV (Áo) và Engie (Pháp) đang hợp tác với Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga để thực hiện dự án Nord Stream 2.
EU cũng cho biết sẵn sàng sử dụng một điều luật của EU cho phép các công ty ở EU chống lại việc Mỹ áp dụng nguyên tắc hiệu ứng ngoài lãnh thổ (extraterritorial effect) cho dự luật trừng phạt Nga. Nguyên tắc này cho phép Mỹ trừng phạt các công ty nước ngoài tham gia các dự án năng lượng với các công ty Nga mà các công ty Mỹ bị cấm hợp tác.
Nếu các biện pháp ngoại giao thất bại, EU dự tính sẽ nộp đơn kiện Mỹ ra Tổ chức Thương mại Thế giới.
Phản ứng với dự luật này, Tổng thống Nga Putin đã đáp trả điều mà ông gọi là sự “xấc xược” của Mỹ bằng động thái đầu tiên là yêu cầu Washington cắt giảm 755 nhân viên ngoại giao Mỹ tại Nga chỉ còn 455 người, ngang bằng với số nhân viên ngoại giao Nga tại Mỹ. Đồng thời Nga cũng tịch thu một vài bất động sản của Mỹ tại Moscow.
“Chúng tôi đang hành xử một cách rất kiềm chế và kiên nhẫn, nhưng đến một thời điểm, chúng tôi sẽ cần phản ứng bởi không thể dung thứ mãi mãi cho hành động theo kiểu xấc xược này với chúng tôi” – AFP dẫn lời ông Putin nói tại một cuộc họp báo ở Phần Lan.
Tổng thống Nga cho rằng khi thông qua dự luật trừng phạt mới, Washington đang dùng những lợi thế chính trị vì mục đích thương mại và khẳng định: “Nếu áp các lệnh trừng phạt mới lên Nga, họ sẽ đặc biệt hối tiếc vì đó sẽ là hành động gây hấn”.
Việc thông qua dự luật trùng với thời điểm Quốc hội Mỹ đang có những động thái cho thấy họ muốn đẩy mạnh cuộc điều tra Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 và nghi vấn đội ngũ tranh cử của Tổng thống Trump thông đồng với Moscow.
- Đ.N
Xem thêm:
- Châu Âu áp dụng luật chống lãng phí thực phẩm
- Liên Hiệp Quốc kêu gọi Mỹ gắn kết với thế giới
- Mỹ thay đổi chính sách với Cuba