Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định lập Tổ tư vấn Kinh tế, để tư vấn cho thủ tướng về các vấn đề phát triển kinh tế. Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia làm Tổ trưởng.
Mười bốn thành viên khác gồm: TS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana (Mỹ); TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu – Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright; TS Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương; TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân; TS Nguyễn Đức Khương, Phó giám đốc, Trưởng khoa Tài chính – Học viện Quản lý và Quản trị kinh doanh (Pháp); TS Vũ Minh Khương, Đại học Quốc gia Singapore; TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM; TS Trương Văn Phước, quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TS Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Nhật Bản); TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư.
Như vậy, ngoài các chuyên gia trong nước, Tổ tư vấn còn có sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế Việt Nam đang làm việc, giảng dạy tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở nước ngoài. Tổ Tư vấn Kinh tế có nhiệm vụ tư vấn cho thủ tướng về các chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển kinh tế trong trung hạn và dài hạn, cũng như kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, Tổ tư vấn sẽ khuyến nghị, tư vấn với Thủ tướng các biện pháp, giải pháp để nâng cao hiệu quả thực thi đề xuất, sửa đổi, bổ sung chính sách; cũng như các giải pháp ứng phó kịp thời với biến động thất thường của nền kinh tế trong nước, quốc tế.
Tổ tư vấn Kinh tế được chủ động làm việc với các Bộ, ngành, địa phương và đề nghị các cơ quan này cung cấp tài liệu, thông tin số liệu; được hợp tác với các chuyên gia tư vấn, cộng tác viên là các nhà khoa học, nhà kinh tế trong nước và quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cán bộ quản lý đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, các cơ quan nghiên cứu trong nước và quốc tế để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Tổ.
Bên cạnh đó, Tổ tư vấn cũng được tham gia ý kiến các báo cáo, đề án lớn về kinh tế của Chính phủ trình Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo chỉ đạo của thủ tướng.
Mô hình Tổ tư vấn không mới. Hồi cuối năm 1993, dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lần đầu tiên Tổ chuyên gia tư vấn cải cách kinh tế và cải cách hành chính (còn gọi là Tổ tư vấn cải cách) được thành lập với tám thành viên, tổ trưởng là ông Lê Xuân Trinh, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Đến năm 1996, Tổ tư vấn được tổ chức lại và mở rộng nhân sự thành Tổ nghiên cứu đổi mới kinh tế, xã hội và hành chính. Ông Trần Đức Nguyên được bổ nhiệm làm Tổ trưởng Tổ nghiên cứu đổi mới.
Đến tháng 5-1998, Tổ nghiên cứu đổi mới kinh tế được Thủ tướng Phan Văn Khải nâng cấp thành Ban nghiên cứu của thủ tướng. Ông Trần Đức Nguyên được cử làm Trưởng ban và giữ cương vị này cho đến khi nghỉ hưu vào đầu năm 2003. Ban nghiên cứu của thủ tướng giải thể vào tháng 7-2006.
Năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thành lập Tổ tư vấn của thủ tướng (nhiệm kỳ 2011-2016), do ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) làm Tổ trưởng, họp định kỳ mỗi tháng một lần, vào trước phiên họp Chính phủ thường kỳ. Tổ tư vấn giải thể vào cuối tháng 3-2016.
Lần này, sự tập hợp nhân sự đa dạng thuộc nhiều nguồn đào tạo được kỳ vọng sẽ giúp chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều nội dung tư vấn phù hợp với tình hình thế giới biến chuyển nhanh chóng.
Số liệu mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến nay cả nước có 325 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 94,9 nghìn hécta, trong đó 220 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 60,9 nghìn ha và 105 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 34 nghìn hécta. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 51,5%, riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 73%.
Về khu kinh tế, số lượng các khu kinh tế ven biển đã thành lập trên cả nước là 16 khu kinh tế, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước xấp xỉ 815 nghìn ha. Ngoài ra, còn có hai khu kinh tế (khu kinh tế ven biển Thái Bình, tỉnh Thái Bình và khu kinh tế Ninh Cơ, tỉnh Nam Định) có trong quy hoạch nhưng chưa được thành lập.
Các khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút được 473 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 7,3 tỉ USD; 385 dự án đầu tư trong nước và điều chỉnh tăng vốn cho hơn 139 dự án với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 114.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thu hút vốn đầu tư thông qua mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế đến thời điểm này đã bộc lộ nhiều hạn chế, khó thu hút vốn đầu tư có chất lượng. Nguyên nhân do cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương chưa phát huy được vai trò đầu mối để thực hiện cải cách hành chính “một cửa tại chỗ”.
Ưu đãi đầu tư cho các khu kinh tế đã được quan tâm nhưng chưa thực sự hấp dẫn; việc huy động các nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các khu kinh tế còn khó khăn; các mối liên kết kinh tế trong phát triển các mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế chưa rõ ràng, hiệu quả.
Trước thực trạng này, Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đang được soạn thảo nhằm khắc phục các yếu kém nói trên và thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư nước ngoài.
Ban soạn thảo cho rằng, mô hình đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt dự kiến xây dựng ở Việt Nam là sự kết hợp giữa mô hình đặc khu kinh tế của Trung Quốc và mô hình đặc khu hành chính, đặc khu kinh tế được phát triển ở Hàn Quốc. Đây có thể được coi là một khu kinh tế – xã hội tổng hợp, trong đó, áp dụng một khung pháp lý đặc thù về quản lý kinh tế và quản lý hành chính nhằm phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của quốc gia để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội.
Hiện nay nhiều nước đã áp dụng đa dạng cơ chế đặc thù về kinh tế – xã hội và hành chính như hỗ trợ ngân sách nhà nước, áp dụng miễn – giảm các loại thuế, tiền thuê đất, thời gian thuê đất, thuê hạ tầng, miễn thị thực visa, chính sách đăng ký kinh doanh, hải quan, thuế… thuận lợi.
Trong một diễn biến liên quan đến chính sách, Chính phủ chuẩn bị sửa hàng loạt quy định về nhà đất, xây dựng, nhà ở, đầu tư. Theo đó, thủ tướng phân công các cơ quan chủ trì, phối hợp soạn thảo 28 nghị định thuộc bốn lĩnh vực đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường và đầu tư – kinh doanh
- Gia Minh
Xem thêm:
- Cấm dùng ngân hàng thao túng sân sau
- Nợ công tạo áp lực cải cách cơ cấu kinh tế
- Giảm lãi suất, chờ tín hiệu tích cực