Nay thì Ngân hàng Trung ương Nhật có thể sẽ buộc phải hành động mạnh hơn về mặt tiền tệ do chịu áp lực mạnh từ phía liên minh giữa các nhà kinh tế và nhà làm luật. Liên minh này cho rằng không thể chấp nhận nền kinh tế tăng trưởng yếu và giá cả suy giảm mạnh đã hơn một thập niên.
Cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe
Chủ xướng của hành động này không ai khác là cựu Thủ tướng Shinzo Abe, người lại có thể lần nữa ngồi ghế thủ tướng sau kỳ bầu cử tới. Ông Abe đã mang lại ngạc nhiên cho những người từng ủng hộ ông khi kêu gọi Ngân hàng Trung ương Nhật cần mạnh dạn giải quyết tình trạng giảm phát, giá cả, lợi nhuận và lương bổng đều giảm, hậu quả là nền kinh tế đã bị tắc nghẽn trong suốt 15 năm qua. Ông còn nói rằng sẽ buộc Ngân hàng Trung ương hành động theo lệnh của Chính phủ nếu Đảng Dân chủ Tự do của ông thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 16-12 tới, thậm chí sẽ tu chính luật để giảm bớt tính độc lập của ngân hàng này.
Trong một bài phát biểu mới đây tại Tokyo, ông Abe tuyên bố sẽ kêu gọi Ngân hàng Trung ương Nhật đưa ra chỉ tiêu lạm phát từ 2 – 3% (cao hơn mức hiện nay là 1%), đưa lãi suất trở về bằng 0 thay vì 0,1% như hiện nay cùng một cam kết rõ ràng là không hạn chế về tiền tệ. Những lời tuyên bố của ông Abe đã củng cố thị trường, đưa chỉ số Nikkei tăng vọt gần 500 điểm, đồng yen cũng giảm 2,5%, khiến các nhà xuất khẩu vui mừng.
Thực ra, Ngân hàng Trung ương Nhật đã có nhiều biện pháp thúc đẩy nền kinh tế trong nhiều năm qua, bao gồm cả việc giữ lãi suất bằng 0%, mua vào trái phiếu và bơm tiền. Nhưng vì giá tại Nhật đã giảm từ năm 1998, quá lâu, nên người Nhật chấp nhận giảm phát và Ngân hàng Trung ương Nhật đã cố gắng nhưng cũng không làm thay đổi được thái độ ấy.
Các nhà kinh tế đã nêu ra nhiều bước đi sai lầm của Ngân hàng Trung ương nên điều đó càng củng cố thái độ của người dân không tin tưởng vào các chính sách hiện nay về tín dụng và tiền tệ. Đầu năm 1999, tình hình kinh tế xấu đi, Ngân hàng Trung ương hạ lãi suất xuống gần bằng 0% và tuyên bố sẽ giữ lãi suất ở mức này cho đến khi không còn lo lắng về giảm phát. Tuy nhiên, chỉ do một sự xoay chuyển nhẹ của nền kinh tế vào giữa năm 2000, lãi suất đã được nâng lên 0,25% bất chấp sự phản đối của Chính phủ và dân chúng.
Trong thời gian qua, người tiêu dùng Nhật nghĩ rằng lương của họ sẽ giảm, do đó chủ trương cắt giảm chi tiêu. Các doanh nghiệp thì cho rằng lợi nhuận sẽ giảm nên không dám đầu tư thêm. Vì vậy, dù tiền có đầy tại các ngân hàng thương mại nhưng số tiền vay cho không tăng, kết cục là nước Nhật vẫn lún sâu vào giảm phát.
Thủ tướng Noda cho rằng ông Abe đang đi theo một chính sách kinh tế sai lầm, nhưng ông Abe duy trì quan điểm phải tích cực chống giảm phát và đưa nền kinh tế trở lại con đường tăng trưởng mới khôi phục được lòng tin của nhà đầu tư tại Nhật, nếu có xảy ra lạm phát cũng không đáng sợ. Phe đối lập lại cho rằng ông Abe quá kỳ vọng vào chính sách tiền tệ táo bạo, nếu không thực hiện được thì một đòn trí mạng sẽ giáng lên đầu các nhà đầu tư, người tiêu dùng và doanh nghiệp.
T. Bảo theo NYT, 20-11-2012