Sự chững lại của VN-Index do áp lực chốt lời tăng cao đã không kéo dài (chưa đến một tuần) và đà giảm sút của thanh khoản dù chưa kết thúc nhưng cũng không quá nghiêm trọng, tất cả nhờ vào phong độ vững vàng của nhóm bluechip. Đặc biệt, các cổ phiếu ngân hàng vẫn đang trong xu hướng tăng, ở cả khối ngân hàng thương mại nhà nước như Vietcombank (VCB), Vietinbank (CTG), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BID), cho đến khối ngân hàng thương mại cổ phần như Á Châu (ACB), Quân Đội (MBB), Sài Gòn Thương Tín (STB),… Bên cạnh bệ đỡ từ nhóm ngân hàng, đà tăng của thị trường còn đến từ nhiều bluechip khác như VNM (Công ty cổ phần Sữa Việt Nam), FPT (Công ty cổ phần FPT), HPG (Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát), HSG (Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen), REE (Công ty cổ phần Cơ điện lạnh)… Chính sự bứt phá mạnh mẽ của những cổ phiếu này đã giúp VN30-Index tái thiết lập vùng đỉnh (đạt được vào tháng 5-2017) và đạt mức điểm cao nhất trong lịch sử giao dịch của chỉ số này (trên 740 điểm).
Dù VN-Index vẫn ở vùng giá rất cao thì sắc xanh vẫn chưa đồng đều, chủ yếu chỉ là sự tăng điểm ở nhóm bluechip. Cụ thể, trong tuần thứ hai của tháng Sáu, VN-Index tăng thêm 10 điểm, nhờ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đạt mức tăng trung bình lên đến 2,4%. Tất nhiên, vẫn có cổ phiếu vốn hóa lớn giảm điểm, thậm chí giảm mạnh, tiêu biểu là cổ phiếu đình đám bấy lâu ROS (Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros), giảm gần 15%, nhưng đó không phải là xu hướng chung. Nếu trước kia, ROS vượt qua mọi dự đoán (rằng giá phải giảm) để đi lên một mạch gần 180 ngàn đồng/cổ phiếu, thì sau khi trở thành một “thế lực trên sàn”, cổ phiếu này bắt đầu tăng – giảm theo kiểu cổ phiếu đầu cơ, phụ thuộc nhiều vào thông tin bên lề và sự mua bán của các “tay chơi lớn”. Đó có thể là tin các dự án lớn của doanh nghiệp này bị soi, hay sự lo ngại bị pha loãng khi được chia cổ tức bằng cổ phiếu, hoặc có thể là sự “đánh xuống” cho dễ mua hơn của khối ngoại. Cần biết rằng MV Index Solutions vừa công bố kết quả tái cơ cấu định kỳ quý II-2017 của MVIS Vietnam Index – chỉ số cơ sở của quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF (V.N.M ETF), theo đó, V.N.M ETF thêm ROS vào danh mục với tỷ trọng 6,5% và là cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao thứ tư của quỹ. ROS cũng là cổ phiếu duy nhất được V.N.M ETF thêm mới trong kỳ tái cơ cấu này. Như vậy, chỉ sau chín tháng lên sàn, ROS đã lọt vào danh mục cả hai quỹ ETF lớn nhất đang hoạt động tại nước ta là FTSE Vietnam ETF và V.N.M ETF. Tuy nhiên, qua những gì đang diễn ra, rất khó để đoán định về tương lai lâu dài của cổ phiếu này trong các quỹ ETF.
Các quỹ ETF đã bước vào giai đoạn tái cơ cấu danh mục và theo tiền lệ, thanh khoản thị trường thường sụt giảm trong những ngày này. Tuy vậy, những cổ phiếu vốn hóa lớn làm trụ đỡ cho thị trường có thể giúp VN-Index dù điều chỉnh trong ngắn hạn vẫn giữ được xu hướng tăng trong trung hạn. Chính vì vậy, chiến lược nắm giữ các cổ phiếu tốt với tầm nhìn từ ba tháng trở lên được khuyến nghị trong giai đoạn này. Mua nhanh bán vội không được ưu tiên. Cổ phiếu tốt có thể là của các doanh nghiệp trụ cột hoặc có hoạt động kinh doanh bền vững. Cũng có thể là cổ phiếu của những doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận tốt trong quý II, hoặc trong tình huống đặc thù như có nguồn thu bất ngờ nhờ bán tài sản, hay được hưởng lợi về chính sách…
Có thịnh ắt sẽ có suy. Nhóm cổ phiếu đầu cơ nhiều khả năng đã qua giai đoạn “nóng sốt”, cộng thêm việc các công ty chứng khoán cắt margin, nên có thể bị bán ra mạnh mẽ. Dĩ nhiên, vẫn có trường hợp ngoại lệ, sẽ có cổ phiếu đầu cơ tăng mạnh trong vài phiên, nhưng số này không nhiều.
- Ngọc Khang