Chuyến thăm Nhật Bản tuần qua của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho thấy tiềm năng hợp tác giữa hai nước là vô hạn qua làn sóng đầu tư mới của doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam.
Tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Việt Nam với hơn 1.600 doanh nhân, trong đó có 200 đại diện cho doanh nghiệp Việt, diễn ra nhân dịp này, một trong những nội dung đáng chú ý là thủ tướng hai nước đã chứng kiến lễ trao hàng loạt hợp đồng, giấy chứng nhận, thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá 22 tỉ USD giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Nhật Bản.
Trong đó có dự án phát triển đô thị Nhật Tân – Nội Bài giữa UBND thành phố Hà Nội, Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo; thỏa thuận chiến lược giữa VietJet với Mitsubishi UFJ Lease & Finance – hỗ trợ tài chính 348 triệu USD mua ba máy bay; Công ty cổ phần FECON ký với Công ty cổ phần Đường cao tốc miền Trung Nhật Bản và Công ty cổ phần Đường cao tốc Quốc tế Nhật Bản thỏa thuận hợp tác chiến lược trong đầu tư phát triển các dự án hạ tầng giao thông…
Đây là hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, về số lượng người tham gia và về số dự án được trao giấy phép, mở ra quan hệ hợp tác kinh tế song phương trong bối cảnh mới.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định trong thời gian tới sẽ tiếp tục hỗ trợ, ủng hộ các hoạt động đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Ông Abe cũng cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ, giúp Việt Nam tổ chức thành công Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương năm 2017.
Theo một báo cáo vừa được Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) công bố gần đây, môi trường đầu tư ở Việt Nam đã nhận được đánh giá tích cực của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, cụ thể là 90% doanh nghiệp nước này tin rằng mở rộng kinh doanh tại Việt Nam giúp họ tăng doanh thu. Cuộc khảo sát của JETRO cũng nhấn mạnh rằng, xếp hạng của Việt Nam về rủi ro kinh doanh đang giảm, cho thấy điều kiện đầu tư cải thiện.
Ba mươi năm qua, Nhật Bản luôn là một trong những nhà đầu tư có trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện đúng các cam kết. Nếu gặp khó khăn, họ sẽ thông báo trước, nếu sai họ nhận trách nhiệm chứ không giấu giếm các vướng mắc của mình. Vì thế, các dự án của nhà đầu tư Nhật thường đúng tiến độ, ít có vấn đề nảy sinh với lao động, môi trường, hay đất đai…
Cách đối xử với lao động của những doanh nghiệp Nhật rất nhân văn. Chính phủ Nhật đang hướng đến đề xuất kéo dài thời gian làm việc cho các lao động có tay nghề, có trình độ của Việt Nam từ ba năm lên năm năm.
Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, là nhà đầu tư số 2 và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết 14 văn kiện hợp tác quan trọng, trong đó có các công hàm trao đổi cho bốn dự án vốn vay ODA trị giá 100,3 tỉ yen, tương đương 912 triệu USD (gồm bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải, quản lý nước ở Bến Tre, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Biên Hòa giai đoạn 1, phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc giai đoạn 2).
Các công hàm trao đổi cho ba dự án viện trợ không hoàn lại trị giá 2,93 tỉ yen, tương đương 26,6 triệu USD cũng được ký gồm vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện, chương trình học bổng phát triển nguồn nhân lực năm 2017 và năm 2018.
Ngoài ra, nhiều bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác cũng đã được ký, liên quan đến môi trường, văn hóa, du lịch, cảng biển, y tế…
Nhân dịp này, hai bên khẳng định cùng phối hợp chặt chẽ triển khai các dự án lớn như đường bộ, cao tốc Bắc Nam, khu công nghệ cao Hòa Lạc, chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam quyết tâm sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Nhật Bản, xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản.
Triển vọng hợp tác Việt – Nhật đang có thêm bước mới khi Chủ tịch Ngân hàng Senshu Ikeda, ông Hirohisa Fujita, bày tỏ mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp vùng Kansai cũng như các vùng khác của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam qua việc mở văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh. Việc này đòi hỏi rất nhiều thủ tục hành chính và ông Hirohisa Fujita mong muốn Ngân hàng Nhà nước cùng các cơ quan của Việt Nam hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản thành lập văn phòng đại diện này.
Phía Việt Nam cũng sẵn sàng tạo điều kiện để Ngân hàng Senshu Ikeda có thể tham gia mua lại ngân hàng yếu kém của Việt Nam.
Một thông tin khác chắc hẳn được người dân TP. Hồ Chí Minh quan tâm là Chủ tịch Công ty Takashimaya, ông Shigeru Kimoto cho biết có dự định triển khai dự án xây dựng khu phố ngầm ở khu vực Bến Thành – TP. Hồ Chí Minh để “đón đầu”, đồng bộ với tuyến tàu điện ngầm của thành phố và mong nhận được sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh bày tỏ sự ủng hộ dự định của doanh nghiệp này bởi đây là lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ Việt Nam, gắn với việc khai thác hệ thống hạ tầng giao thông ngầm và TP. Hồ Chí Minh cũng đã có đề án về việc này.
Trên một lĩnh vực khác, Việt Nam cũng đã triển khai mô hình hợp tác giữa ngành giáo dục – đào tạo với chính phủ và doanh nghiệp các nước, trong đó có Nhật Bản, để đảm bảo nguồn nhân lực cho hợp tác phát triển kinh tế. Đây là tiềm năng rất lớn góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, trong đó có việc thu hút du học sinh Việt Nam thông qua các dự án của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và hợp tác giữa các trường đại học hai nước. Chính phủ hai nước đã thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cao như nghiên cứu, khai thác vũ trụ, điện hạt nhân, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giao lưu nhân dân.
Hai nước cũng tích cực tổ chức các sự kiện giới thiệu đất nước, con người, văn hóa của nhau ở mỗi nước.
Nhật Bản là một trong những quốc gia cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho ngành giáo dục Việt Nam, đặc biệt là đào tạo nhân lực bậc cao. Tuy nhiên, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, do đó trong thời gian tới Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam sẽ nỗ lực triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này.
Trong khi đó về du lịch, Nhật Bản hiện là thị trường lớn của Việt Nam với hơn 740.000 lượt khách đến vào năm ngoái, tăng 10,3% so với năm trước đó. Lượng khách Việt Nam đi Nhật Bản cũng đạt hơn 233.000 lượt vào năm 2016, tăng 26,1% so với năm trước đó. Với sự hợp tác này, hai bên sẽ thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến du lịch, tạo sản phẩm để lượng khách tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.
Với mục đích thu hút nhiều hơn nữa du khách Việt Nam đến Nhật Bản, Tổng cục Du lịch nước này sẽ đưa ra nhiều chương trình tour hấp dẫn và chuyên sâu hơn như du lịch ngắm hoa, du lịch trên các chuyến tàu lửa, du lịch ẩm thực, trải nghiệm các lễ hội địa phương.
Từ năm 2015, cơ quan quản lý du lịch Nhật Bản đã quyết định đưa Việt Nam vào trong 20 thị trường có tiềm năng lớn về du lịch và đã có nhiều chính sách nới lỏng thị thực cho du khách sang Nhật.
- Gia Minh