Đô thị hóa ở các thị trường mới nổi sẽ là yếu tố chi phối tăng trưởng toàn cầu trong các thập niên tới. Đến năm 2050, khoảng 5,2 tỉ người – chiếm phần lớn dân số thế giới – sẽ sinh sống ở các đô thị thuộc các nền kinh tế mới nổi. Theo đó, chỉ 440 đô thị đã chiếm 1/2 tăng trưởng GDP toàn cầu.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa rõ ràng có liên quan với nhau: chỉ hơn 1/2 dân số thế giới sống ở các đô thị đã tạo ra khoảng 4/5 GDP toàn cầu. Hiện tại, 80% người ở các quốc gia phát triển sống tại đô thị, so với con số 50% ở các nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, các nền kinh tế mới nổi sẽ bắt kịp đà tăng này, dự kiến vào năm 2030, các thành phố như Dhaka, Karachi và Lagos lọt vào danh sách 10 thành phố lớn nhất thế giới.
Thật vậy, đến năm 2030, có đến 81 trong 100 quốc gia đông dân nhất thế giới thuộc các thị trường mới nổi, 42 trong số đó thuộc Top 50 nước hàng đầu.
Các chính phủ có thể chuyển dịch công nhân vào các khu đô thị thông qua các chính sách về hợp đồng xây dựng, luật lao động hoặc phương tiện giao thông công cộng. Dần dần công nghệ cũng sẽ trở thành một loại công cụ, ví dụ như phát triển các thành phố thông minh. Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, hăng hái đổ xô vào các đô thị lớn để tìm kiếm công ăn việc làm tốt hơn, với mức lương cao hơn. Và đôi khi, họ không cần phải di chuyển đi đâu cả vì sự phát triển có thể biến những vùng nông thôn trở thành thành thị.
Đô thị hóa thường mang ý nghĩa về quy mô kinh tế, năng suất lao động cao hơn và những khoảng cách ngắn hơn tiếp cận đến thị trường. Đô thị hóa giúp phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế tốt hơn, như đối với mảng giáo dục, chăm sóc sức khỏe và giao thông vận tải, nhằm sản sinh ra lực lượng lao động chuyên nghiệp có thể thúc đẩy quá trình đổi mới.
Tuy nhiên, có một thách thức khi các đô thị ở thị trường mới nổi tăng trưởng quá nhanh không thể tạo đủ công ăn việc làm cho số lao động tăng nhanh. Điều này có thể buộc người dân rời bỏ thành phố (có thể di cư ra nước ngoài), hoặc gây bất ổn xã hội khi người nghèo nông thôn trở thành người nghèo đô thị.
Ví dụ, nhiều thành phố ở các thị trường mới nổi còn thiếu mạng lưới tàu điện ngầm như ở các nước phương Tây. Ngân hàng Phát triển châu Á ước tính các nước châu Á cần phải đầu tư 1.500 tỉ USD mỗi năm vào cơ sở hạ tầng để duy trì tăng trưởng cao – con số đó chiếm khoảng 5,1% GDP. Tuy nhiên, một số đô thị đã quá lớn dẫn đến việc quá muộn để thực hiện các cải tiến lớn về hệ thống nước, vệ sinh, năng lượng, giao thông vận tải hoặc truyền thông.
Đô thị hóa cũng có những mặt tiêu cực như khiến giao thông tắc nghẽn, tội phạm và ô nhiễm môi trường gia tăng, bất bình đẳng và giá bất động sản cao. Vì vậy, trong khi những cư dân trẻ vùng nông thôn di chuyển đến các thành phố nhằm tìm kiếm công ăn việc làm tốt hơn, các nền kinh tế đã phát triển với dân số già lại chứng kiến cảnh người lao động quay lưng lại với các đô thị.
Công nghệ đang làm cho thế giới nhỏ hơn, kết nối xưa kia phải đòi hỏi sự gần gũi. Mọi người giờ đây có thể chọn sống và làm việc từ một ngôi nhà ở thôn quê thay vì sống trong một căn hộ nhỏ trong thành phố, bất chấp những hấp dẫn về tiện nghi và giải trí.
Ở một số nước như New Zealand, Thụy Sĩ và Ba Lan, tỷ lệ đô thị hóa đã đạt mức đỉnh điểm, trong bối cảnh tỷ lệ dân số sống ở khu vực thành thị đã cao với sự thay đổi nhân khẩu học và công nghệ.
- James Pomeroy – Chuyên gia kinh tế HSBC
Xem thêm: