Mỹ cùng Canada và Mexico ngày 18-5 đã có động thái khởi động tái thương thuyết Hiệp ước Mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA).
Trong thư gởi các nhà lập pháp, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói ông bắt đầu tham khảo ý kiến với Quốc hội và công chúng Mỹ trong thời hạn 90 ngày để sau đó có thể khởi sự thảo luận về NAFTA.
Tái thương thuyết về NAFTA là một lời hứa chính trong cuộc vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump. Ông thường gọi hiệp ước thương mại có từ 23 năm nay là một “tai họa” đã đẩy các công xưởng và những công việc sản xuất có thu nhập khá sang Mexico.
Ông Lighthizer nói với các phóng viên rằng NAFTA là một thành công đối với nông nghiệp Mỹ, trong lĩnh vực đầu tư và năng lượng, nhưng không thành công đối với lĩnh vực sản xuất. Ông nói thêm là ông hy vọng kết thúc các cuộc thảo luận vào cuối năm 2017.
Trong thư gửi các nhà lãnh đạo Quốc hội, ông Lighthizer nhấn mạnh NAFTA cần hiện đại hóa trong các lĩnh vực giao dịch kỹ thuật số, quyền sở hữu trí tuệ, các tiêu chuẩn lao động và môi trường, các quy tắc đối với những doanh nghiệp quốc doanh và những tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Trước những đe dọa của Mỹ sẽ có những điều chỉnh lớn về nội dung của NAFTA, Canada và Mexico vốn không thuận thảo trong quá khứ nay đang sử dụng mọi phương cách để ngăn chặn những tác động xấu nhất có thể xảy ra.
Báo Canadian Press dẫn lời đại sứ Canada tại Mexico Pierre Alarie cho rằng Canada và Mexico giống như hai du khách mệt mỏi đang tìm chỗ trú ẩn trong một cơn bão lớn. Họ có thể vượt qua cơn bão nếu biết tựa lưng vào nhau. Nhiều người cho rằng thông điệp của đại sứ Canada phản ánh mức độ hợp tác sâu sắc giữa hai nước, điều xưa nay không phải lúc nào cũng có trong nền chính trị đa chiều tại Bắc Mỹ.
Thế nhưng đây chưa chắc sẽ là viễn cảnh của tương lai vì khi cần Canada sẵn sàng bỏ mặc Mexico để đơn phương theo đuổi thỏa thuận thương mại mới với Mỹ, đặc biệt khi NAFTA đổ vỡ.
Theo Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ – Canada Maryscott Greenwood, mục tiêu là các bên sẽ đạt được một phiên bản NAFTA mới mạnh mẽ hơn, nhưng quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Mexico có thể khiến điều này trở nên khó khăn. Về mặt chính trị, nếu Mỹ không thể có được mối quan hệ kinh tế toàn diện với Mexico vì lý do nào đó thì Canada không thể để điều đó gây trở ngại mà phải xúc tiến thảo luận song phương, bà Maryscott Greenwood nói tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Canada. Theo bà, nếu không thể đạt một thỏa thuận ba bên chắc chắn, Canada cần thúc đẩy thỏa thuận riêng với Mỹ, một điều hoàn toàn hiện thực và khả thi.
Trước những toan tính của Canada, giới chính trị Mexico, trong đó có Bộ trưởng Du lịch Enrique de la Madrid Cordero, đã cảnh báo nguy cơ từ bỏ mô hình hợp tác ba bên trong NAFTA. Theo ông, Canada và Mexico cần làm việc cùng nhau để nâng cấp thỏa thuận 23 năm tuổi này, thay vì tìm kiếm các thỏa thuận song phương riêng rẽ nơi các nước sẵn sàng chơi xấu nhau để bảo vệ lợi ích riêng của mình.
- Đ.N
Xem thêm:
- Tái đàm phán NAFTA gặp trở ngại
- CPTPP giúp Canada thuận lợi trong đàm phán NAFTA
- Tranh luận cải tổ NAFTA