Câu chuyện chẳng có gì, vậy mà hai mẹ con giận nhau. Chỉ là câu nói với âm điệu hơi cao một chút gây hiểu lầm.
Con gái nhờ mẹ (đang ngồi máy tính) mở coi giúp trang vé máy bay giá rẻ, nếu có vé thích hợp cô sẽ đi chơi. Người mẹ xem xong mới nói với con gái, giọng hơi lớn, rằng “không có giá rẻ”.
Có thể do bà mẹ đang sa vào một cuộc tranh luận không vui trên Facebook nên âm điệu trả lời con hơi khác thường trong một tình huống rất bình thường; lại rơi vào thời điểm con gái có chút bực dọc gì đó trong lòng như, trời nóng quá, tìm mãi không thấy cái áo ưng ý để mặc đi làm, có thể là đang nghĩ tới một đồng nghiệp hôm qua có thái độ không đúng…
- Xem thêm: Kiềm chế cơn giận
Nói chung, rất nhiều chuyện xảy ra mỗi ngày có thể khiến người ta mang tâm trạng không vui. Và thế là cô con gái sẵng giọng trả lời mẹ, ý là cô không được đi chơi phải không. Bà mẹ đang cơn bực mình mới nói với con làm như cô trách bà không tìm được vé rẻ cho cô. Nhiêu đó mà cãi nhau, không ai chịu ai.
Con gái đi làm rồi, bà mẹ mới nghĩ lại và tự phân tích tại sao có chuyện to tiếng giữa hai mẹ con. Cho là bắt đầu từ bà với câu trả lời con hơi nặng về âm điệu, nhưng chỉ có vậy mà sao con nổi giận với mẹ? Thậm chí, con gái còn nói thêm là “mẹ xem lại đi, lúc này mẹ hay nặng lời với con lắm”.
Bà mẹ rà soát thái độ của mình với con cái trong thời gian gần đây thì thấy không có gì nghiêm trọng như con gái nói. Bà đâm thắc mắc, có vấn đề gì mà con gái săm soi mẹ như vậy!
Tất nhiên, với câu chuyện vặt và mối quan hệ gia đình, hai mẹ con họ sẽ mau chóng làm lành với nhau, nhưng rõ ràng để tạo không khí vui vẻ phải có thời gian và thời cơ nữa. Để rồi, sau những sự cố như vậy, câu hỏi đọng lại là, tại sao con người ta cứ thích dằn vặt nhau, nhiều khi rất vô cớ?
Có thể thấy, trong gia đình mỗi người một tính cách, công việc riêng, có thể không ai giống ai, gắn kết với nhau bằng sợi dây “ruột thịt”, tuy nhiên, trong cái tập thể bé xíu này, có lắm điều mâu thuẫn, vô số mối bất hòa vặt vãnh và cả trầm trọng không cứu vãn được.
Một bạn trẻ cho biết mình với chị gái giận nhau một năm trời không nói chuyện. Muốn trao đổi với nhau đều thông qua người mẹ. Mà thật ra, họ cũng không có điều gì bàn bạc với nhau dù sống cùng nhà.
Chị có gia đình riêng, cậu chưa có gia đình và thời gian ra khỏi nhà hay trở về nhà đều không phù hợp với chị, ngày nghỉ thì cậu ôm laptop, nếu không ngủ cả ngày thì lại xách xe đi. Sinh hoạt như thế khiến việc hòa giải càng khó. Hỏi cậu đến khi nào hai chị em sẽ thôi giận nhau, cậu trả lời không biết và không quan tâm.
- Xem thêm: Cố mà bình tĩnh
Trong gia đình đã vậy, ngoài xã hội càng phức tạp. Rất khó đòi hỏi con người biết thương yêu, trân trọng nhau bởi sự đa dạng của cách sống, môi trường… Do đó, phải chăng chỉ cách duy nhất là mỗi con người tự biết mình, tự nhìn lại và nhận ra bản chất sự việc để sống và làm việc với nhau, tránh căng thẳng?
Thử suy ngẫm một câu nói của Benjamin Franklin: “Có ba điều cứng/khó khăn (hard) nhất – thép, kim cương, và biết chính mình”. Tại sao mình với mình mà “biết” khó đến thế?
Thật ra, ai cũng biết rõ về mình, biết mình tính nóng nảy, bộp chộp, hay lo lắng, thích than thở, yêu cái đẹp, ghét cái xấu, hay nói thẳng… Thế nhưng biết là như vậy, nhưng biết (để kiểm soát) như thế nào mới là vấn đề.
Nhiều khi biết mình sai rành rành ra đó nhưng vẫn cố cãi cho bằng được. Để sau đó, nghĩ lại mới thấy mình làm như vậy là sai, nhưng nói câu xin lỗi cũng thấy khó khăn. Rồi, thời gian trôi qua, những mối quan hệ có thể bị khoét sâu thêm hố ngăn cách, cố gắng để xích lại gần nhau cũng ít nhiều thương tổn.
Biết mình, lắng nghe mình, nhìn lại mình, kiểm soát mình, kiềm chế mình… đều là những điều nói thì dễ nhưng thực hiện rất khó. Thôi thì tập dần, vấp ngã rồi sẽ tự biết cách đứng lên.