“Yoga là phương pháp giúp nhận thức về sự vận hành của cơ thể một cách đúng đắn. Nói cách khác, yoga là sự kết nối giữa hơi thở, tâm trí với toàn cơ thể” – huấn luyện viên Kristen Erdmann tại Trung tâm Yoga Om Rama (Mỹ) khẳng định như vậy.
Hơi thở (pranayama) có sức mạnh thay đổi trạng thái tinh thần rất lớn. Khi cố ý thay đổi tốc độ thở, độ sâu và thời gian thở, chúng ta có thể tạo được ảnh hưởng sâu sắc trong tâm trí.
Huấn luyện viên Lisa McKenzie tại Trung tâm Yoga Marquette (Mỹ) cũng đồng tình với ý kiến trên. Cô nói: “Thực tế đã có rất nhiều người bắt đầu tập yoga đơn giản là để chữa bệnh. Điều đáng mừng là sau một thời gian luyện tập, họ cảm nhận được nhiều lợi ích khác mà yoga mang lại, cả về tinh thần lẫn thể chất”. Chẳng hạn, Bhakti yoga dạy về tình yêu và cái tâm, được thực hành chủ yếu thông qua thiền và thần chú, còn Jnana yoga dạy các phương pháp triết lý và tâm lý để người học nhận thức được bản chất của con người và vũ trụ. Hatha yoga lại tập trung vào kết nối sự vận động với hơi thở, giúp cho người tập nhận thức được và đánh giá tốt hơn về cơ thể của chính mình. Đây cũng là một hình thức thiền định giúp thư giãn đầu óc và giảm stress.
Lisa McKenzie cho biết: “Tôi đã luyện tập yoga từ năm 17 tuổi. Yoga thật sự có khả năng giúp mọi thứ trong cuộc sống suôn sẻ hơn, đặc biệt là tác dụng đối với sức khỏe, thư giãn tinh thần, linh hoạt trong các hoạt động và nâng cao nhận thức về cơ thể”. Cô cho biết thêm: “Nhờ có yoga mà việc mang thai và sinh con của tôi cũng thuận lợi hơn nhiều”.
Kate Woodworth – giáo viên yoga và trị liệu cao cấp tại Trung tâm Yoga Vidya Gurukul (Mỹ), người có mười năm kinh nghiệm dạy yoga cho biết: “Các động tác thiền được coi là phương cách chủ đạo của môn này. Đây là phương pháp đưa con người vào trạng thái tập trung, lắng đọng. Ở tư thế thiền định và hít thở đúng nhịp, tâm trí con người sẽ được giữ yên tĩnh và tự chủ, nhờ đó mọi tiềm năng của bản thân sẽ được thấu hiểu và khơi thông. Nếu thực hành các tư thế ấy đạt đến sự ổn định thì sinh lực và sự dẻo dai của thể chất cũng gia tăng. Phương pháp thiền sẽ giúp cơ thể thả lỏng, thư giãn mang đến cho tâm hồn một cảm giác thanh thản. Các động tác yoga thực hành chậm rãi, mềm dẻo phối hợp với nhịp thở sâu, cung cấp thêm nhiều dưỡng khí cho máu và sinh lực cho các cơ quan, qua đó có thể tăng cường chuyển hóa, kiểm soát những cảm xúc và cân bằng tâm trí”.
Mỗi tư thế yoga đều mang lại những tác dụng tích cực đối với người tập. Các thế yoga lộn ngược cơ thể cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống, cho phép mỗi người nhìn lại chính mình từ một góc độ khác, đồng thời mang lại sự tĩnh tâm. Thế yoga cân bằng giúp mang lại sự điềm tĩnh, rõ ràng và sự cân bằng cho tâm lý và cơ thể. Các tư thế yoga cố định một cách thoải mái (asana) có tác dụng tăng năng lượng và chữa bệnh. Xin nêu một số ví dụ cụ thể sau đây:
– Tư thế Surya Namaskar (chào Mặt trời) giúp di chuyển xương sống theo các chiều khác nhau, thúc đẩy sự dẻo dai của xương sống, các cơ và chi, điều chỉnh hơi thở và tập trung tinh thần.
– Tư thế Sirshasana (đứng bằng đầu) giúp tim và hệ hô hấp được nghỉ ngơi, tăng hoạt động của hệ tuần hoàn, hệ tim mạch, tăng cường hoạt động của não, tăng trí nhớ, tư duy và sự nhạy cảm của các giác quan.
– Tư thế Sarvangasana (đứng trên vai) cung cấp thêm máu cho cơ thể, làm mạnh tuyến giáp và giúp cột sống được duỗi thẳng, giúp điều trị chứng mất ngủ và trầm cảm.
– Tư thế Halasana (theo hình cái cày) kích thích các dây thần kinh xương sống và gia tăng năng lượng đến vùng đó, giảm căng thẳng vùng cổ, lưng trên và vai, xoa dịu các cơ quan nội tạng, điều trị rối loạn tiêu hóa, táo bón và mất ngủ.
– Tư thế Matsyasana (theo dạng con cá) giúp giải tỏa căng thẳng ở vùng vai và cổ, điều chỉnh lệch vai, uốn vòng vai, tăng hô hấp, các tuyến cận giáp và kích thích tuyến yên, điều chỉnh và giải tỏa cảm xúc, căng thẳng.
– Tư thế Pachimothanansana (gập người về trước) kích thích và xoa bóp các cơ quan nội tạng vùng bụng, tăng tiêu hóa, giảm béo phì và táo bón, co giãn hoàn toàn vùng sau của cơ thể – hông, cột sống, các cơ lưng và chân, gia tăng sự tập trung, sức chịu đựng và giúp cho đầu óc luôn được tươi tỉnh.
– Tư thế Salabhasana (theo dạng con châu chấu) cung cấp máu cho cột sống, làm mạnh vành bụng, ruột, cơ vai, cánh tay và lưng, tăng sự tập trung và sức chịu đựng, giúp điều trị đau lưng và thần kinh tọa.
– Tư thế Dhanurasana (giống như cái cung) tạo sự đàn hồi cho cột sống, co bóp cơ lưng và làm mạnh mẽ các cơ bụng, tăng cường hoạt động của các hệ tiêu hóa, tiết niệu, tăng sự tập trung quyết đoán, thăng bằng bên trong và bên ngoài.
– Tư thế Kakasana (theo dạng con quạ) tăng sức mạnh cho cổ tay, tay và vai, tăng sự tập trung, tăng sự linh hoạt các cơ phần trên cơ thể.
– Tư thế Pada Hasthasana (đứng gập người về trước) giúp kéo dài, làm mềm dẻo và đàn hồi cột sống, tăng độ linh hoạt của các khớp, duỗi hoàn toàn các cơ phía sau cơ thể, tăng lượng máu về não để có thể tỉnh táo và tập trung.
– Tư thế Trikonasana (theo hình tam giác) xoa dịu được các cơ quan nội tạng, kích thích tiêu hóa, tuần hoàn, giảm lo lắng, căng thẳng.
– Tư thế Savasana (như xác chết) rất có ích trong việc tăng cường sinh lực, điều hòa huyết áp, điều tiết căng thẳng, chữa mất ngủ…
Tóm lại, thường xuyên thực hành yoga sẽ giúp tăng cường sức khỏe cả về tinh thần lẫn thể chất, từ chữa đau đầu, đau lưng đến việc đối phó với những căng thẳng trong cuộc sống. “Chỉ cần tập thở một chút, bạn sẽ dần nhận ra rằng một tình huống khó khăn không còn là điều gì quá kinh khủng và bạn sẽ có đủ bình tĩnh để vượt qua. Điều quan trọng nhất là trong thực hành yoga, bạn phải tập trung vào chính mình, không bị ảnh hưởng bởi những người khác hay những vấn đề khác xung quanh”. Đó là lời khuyên của huấn luyện viên Kristen Erdmann.
Những điều cần biết khi tập yoga
1. Nên tập trên thảm để tránh trơn trượt.
2. Tập ở nơi thoáng khí, không quá nóng cũng không quá lạnh.
3. Nên mặc quần áo vừa vặn, mềm để dễ thực hiện các động tác.
4. Nên tắm trước khi tập để làm thông thoáng lỗ chân lông.
5. Không tập khi đói hoặc quá no.
6. Sau khi tập nên tự massage các khớp tay, chân.
7. Không tập khi đang bị cảm cúm, nghẹt mũi.
8. Thai phụ và sản phụ cần có lời khuyên của bác sĩ trước khi tập
X.L