Nhiều doanh nghiệp lớn được thành lập từ sự hợp tác thành công. Nhưng cũng có không ít doanh nghiệp tan rã bởi chuyện “hùn mà không hạp”. Các doanh nhân nhiều kinh nghiệm đã đúc kết những điều mà họ cho rằng cần xem xét trước khi quyết định hợp tác để bảo đảm rằng các đối tác sẽ hòa hợp tốt đẹp trong ngôi nhà tương lai.
Tin vào bản năng nhưng hãy đưa mọi thứ lên giấy
Tác giả nổi tiếng Jack Canfield cho biết tất cả thành công của ông đến từ những sự hợp tác tốt đẹp: đồng tác giả loạt sách Chicken Soup for the Soul với Mark Victor Hansen, với Janet Switzer cho quyển The Success Principles, và đồng điều hành nhiều công ty. Với ông, tiêu chí hàng đầu trong hợp tác là: “Tôi phải thích và tin tưởng họ. Thích và tin ai đó là những điều chủ quan nhưng tôi học cách tin vào bản năng của mình. Nếu cảm thấy có điều gì đó không được ổn, tôi sẽ không tiến hành”.
- Xem thêm: Lưu ý khi chọn đối tác làm PR
Một trong những lỗi lớn nhất mà bạn có thể mắc phải khi hợp tác là không làm rõ và đầy đủ về vai trò, giới hạn, quyền lợi và “tính đường lui” cho từng người; đồng thời đưa tất cả trên giấy tờ một cách cụ thể. Mọi người thường có cách hiểu và diễn dịch khác nhau nếu mọi thứ không được hệ thống hóa bằng văn bản.
Biết đối tác ít nhất là trong một năm
Với Tai Lopez, nhà đầu tư và cố vấn của nhiều doanh nghiệp thành công, tiêu chuẩn hàng đầu của ông là nên biết người đó ít nhất một năm (một số nghiên cứu khoa học và tâm lý cho biết mọi người chỉ thật sự thể hiện mình là ai sau thời gian một năm).
Giống như bạn cần hẹn hò trước khi kết hôn; bạn cũng cần có những “dự án hẹn hò” ngắn hạn trong kinh doanh. Nếu không tiến triển tốt, bạn sẽ đi tiếp con đường của riêng mình. Sai lầm lớn nhất mà bạn có thể mắc phải là dấn sâu quá nhanh.
Trong thỏa thuận điều hành, hãy viết ra trách nhiệm của đối tác, quyền hạn của bạn và chiến lược rút lui. Chẳng hạn, “Bạn sẽ dành khoảng 30 giờ/tuần, làm những việc A, B, C và 5 giờ làm việc Z”.
Dùng toán học, nhưng đừng quên bạn cần niềm vui
Hãy dùng toán học để quyết định chọn đối tác phù hợp. Nếu một cộng một bằng hai, đó không phải là sự hợp tác dành cho bạn. Một cộng một phải bằng ba! Một quan hệ hợp tác cần lớn hơn bài toán cộng của hai bên đối tác; nếu không, nó chẳng khác gì việc bạn đi thuê ngoài những bộ phận khác nhau. Đó là điều mà Roberto Orci, nhà sản xuất và người viết kịch bản xuất sắc của Hollywood chia sẻ.
“Bạn cũng nên hợp tác với người giỏi hơn bạn trong một số chuyện. Không ít lần tôi đã chứng kiến cái tôi quá lớn đã ngăn cản mọi người xây dựng những mối quan hệ hợp tác lẽ ra là tuyệt vời. Họ cảm thấy bị đe dọa bởi kỹ năng của đối tác và không thể vượt qua để đạt được tầm nhìn lớn hơn”.
Cuối cùng, bạn nên chắc rằng bạn sắp được vui vẻ. Hãy cưỡng lại sức quyến rũ từ “lý lịch” hay sự danh giá của đối tác; vì không có niềm vui thì chuyện hợp tác cũng không thể kéo dài.
Chụp “X-ray” tư duy của họ
James Swanwick, CEO của Swanwick Sleep – công ty chuyên về sản phẩm chăm sóc chất lượng giấc ngủ cho rằng sai lầm lớn nhất của ông là từng cùng lúc hợp tác với ba đối tác khác. Quá nhiều đầu bếp làm hỏng món ăn. “Tôi từng nghĩ rằng nhiều cá tính và quan điểm thì sẽ tốt nhưng thật ra lại tạo ra nhiều mâu thuẫn, nhiều cái tôi làm chậm mọi thứ. Hai hoặc ba người sáng lập có lẽ là hoàn hảo, nhưng bốn là quá nhiều”.
Việc đầu tiên mà Swanwick muốn tìm hiểu là dạng cá tính của đối tác tiềm năng vì người này chẳng khác nào “đối tượng kết hôn”. Hơn nữa, ông cũng muốn tìm đối tác có kỹ năng khác để bổ trợ cho ông nhưng cần chia sẻ cùng một tầm nhìn. “Chỉ thích một ai đó là chưa đủ. Chẳng hạn, nếu bạn là bộ mặt của công ty thì bạn cần tìm một người thực dụng, giỏi điều hành nơi hậu trường”.
Thống nhất bằng văn bản
Chris Plough, nhà khởi nghiệp hàng loạt, chia sẻ rằng ông xây dựng việc hợp tác kinh doanh dựa trên nền tảng quan hệ lâu dài và hai bên cùng có lợi. “Hợp đồng giữa chúng tôi đơn giản là cách để cụ thể hóa bằng giấy tờ sự thấu hiểu lẫn nhau và “chính sách bảo hiểm” trong trường hợp xảy ra thay đổi về quyền lãnh đạo. Để làm được điều này, chúng tôi cần làm rõ hai việc:
Một, các giá trị cốt lõi. Chúng tôi kiểm tra về sự tương đồng, giúp hai bên phát triển lòng tin khi hiểu được những động lực thôi thúc quan trọng của người kia. Đây là những giá trị chung mà bạn có để dựa vào khi mọi thứ gặp khó khăn và mối quan hệ trở nên căng thẳng.
Hai, cùng chia sẻ những “hành lý mang theo” để bảo đảm rằng chúng tôi đang bắt đầu đúng hướng. Hành lý bao gồm những mong đợi và cam kết cho việc hợp tác. Chúng tôi cũng chia sẻ những nỗi sợ và ước muốn cho việc hợp tác này, và đưa chúng vào giai đoạn lập kế hoạch, hơn là đến lúc có mâu thuẫn thì mới phát hiện”.
Đừng e ngại nếu phải ra đi
Hãy bảo đảm rằng mục tiêu cuối cùng của các bạn tương đồng với nhau. Chẳng hạn, bạn muốn vận hành một doanh nghiệp có “phong cách lặng lẽ” hoặc muốn xây dựng để bán lại với trị giá lớn nhiều con số? Bạn muốn thuê đội ngũ ra sao? Bạn có bất cứ dự án hay cam kết nào khác mâu thuẫn với việc kinh doanh này hoặc làm sao nhãng quá nhiều sự chú ý của bạn? Gia đình bạn có cùng tham gia công việc kinh doanh này không?
“Sai lầm lớn nhất tôi đã phạm phải trong chuyện hợp tác đến từ nỗi sợ phải đối mặt; tôi không giỏi đương đầu với những cuộc đối thoại không dễ chịu. Một lần nọ, tôi đã trì hoãn quá lâu việc kết thúc một quan hệ hợp tác – dù tôi biết nó không ổn. Điều này gây nên sự hỗn loạn không cần thiết và làm tôi lãng phí nhiều năng lượng, lẽ ra trong thời gian này, tôi đã có thể xây dựng được điều gì đó phù hợp với mình”. Đó là những đúc kết của Phil Suslow, người sở hữu Công ty Oznium – chuyên sản xuất và bán các sản phẩm đèn LED.
– Theo Entrepreneur