Sân khấu kịch thành phố Hồ Chí Minh trong những năm vừa qua đã rơi vào tình trạng khủng hoảng, cả về diễn viên cũng như chất lượng vở diễn, dẫn đến tình trạng vắng khán giả, không khí sân khấu trong hầu hết các đêm diễn thật buồn tẻ. Tuy nhiên, các sân khấu vẫn cố gắng sáng đèn và chắt chiu bán từng chiếc vé, bởi vì chạy muôn phương kiếm tiền, bằng truyền hình thực tế – game show – phim ảnh…, thì các nghệ sĩ vẫn muốn được diễn trên sân khấu.
Trong năm các sân khấu có thể không dựng vở mới nào nhưng kịch tết thì phải có. Trong danh mục kịch tết, sân khấu Trịnh Kim Chi với năm vở: Hoa hậu ao làng, Chàng với thiếp, Choáng tình, Phim trường đại chiến, Lọ lem truyền kỳ; kịch Hồng Vân có bốn vở: Ma ma sư phụ, Lục sắc, Ám ảnh kinh hoàng, Điều ước của quỷ; Thế Giới Trẻ có ba vở: Hồn anh xác em, Chúng ta thuộc về nhau, Mẹ chồng rắc rối; IDECAF có vở Sắc màu, Chúng ta là gia đình và Đời bỗng dưng yêu; Hoàng Thái Thanh năm nay chỉ có một vở là Mơ trăng bóng nước vì phải bận di dời sân khấu. Chỉ khác một điều là kịch tết một vài năm gần đây không đợi đến mùng Một Tết Nguyên đán mới bắt đầu diễn mà sẽ khởi động ngay trong tháng Chạp, theo lý giải của bà bầu Trịnh Kim Chi là diễn trước vài suất để đầu năm diễn cho “mượt”. Kịch tết là kiểu “chơi” rôm rả, sôi động, lấy sinh khí cho cả năm. Chính vì vậy, khái niệm kịch tết có thể hiểu là những vở kịch có nội dung nhẹ nhàng, tươi sáng, rộn rã tiếng cười và thường là sau tết sẽ phải chỉnh sửa lại nội dung một chút cho phù hợp với thời điểm vở kịch được diễn. Dù vậy, các sân khấu cũng phải cố gắng dung hòa thị hiếu mùa tết của khán giả và phong cách riêng của từng sân khấu. Hoàng Thái Thanh vẫn những vở kịch tâm lý buồn, kịch Hồng Vân vẫn là kịch hài và kịch kinh dị, IDECAF thì thường có ít nhất một vở kịch dân gian. Riêng sân khấu Trịnh Kim Chi vẫn đang trên đường thăm dò thị hiếu khán giả của mình nên chưa định hình phong cách riêng.
Cuộc chơi kịch tết là một cuộc vui, đầy hào hứng và… có tiền của hầu hết các diễn viên và bầu sô vì tết là thời gian họ tạm ngừng lịch quay phim, game show và các chương trình thực tế nên dành nhiều thời gian cho sân khấu, vừa được diễn vừa được gặp mặt đồng nghiệp. Có một cuộc chơi khó khăn hơn đó là “chủ xị” các sân khấu làm ra những vở kịch được xác định mục đích đầu tiên không phải để bán vé mà là để thỏa mãn mình. Đầu tiên, có thể kể đến vở Đêm thiên nga của sân khấu Hoàng Thái Thanh. Vở kịch này đã được nghệ sĩ Ái Như dựng từ hơn 15 năm trước, được chị đem về dựng lại trên sân khấu Hoàng Thái Thanh như một lần nữa chị và nghệ sĩ Thành Hội muốn nói với khán giả, đồng nghiệp của mình về quan điểm nghệ thuật và cách họ trân trọng sân khấu như một thánh đường. Quả thật, đây là một vở khó cho khán giả thưởng thức nên diễn được chừng 20 suất thì ngưng. Còn nghệ sĩ Trịnh Kim Chi khi mở sân khấu thì xác định bên cạnh những vở diễn hướng đến thị hiếu chung của khán giả thì một năm sẽ làm một hoặc hai vở chỉ để… chơi. Và vở “để chơi” trong năm nay có tên Một thời để nhớ, một vở kịch nói về tình cảm của thanh niên xung phong. Chị đã đầu tư khoảng 120 triệu để dựng vở này và đem đi diễn ở các đơn vị được… năm suất thì cất. Mới đây nhất là nghệ sĩ Mỹ Uyên, “chủ xị” của sân khấu Nhà hát nhỏ 5B đã kêu gọi bạn bè, người thân, các doanh nghiệp quen ủng hộ kinh phí để dựng vở kịch thể nghiệm Giấc mơ. Sau hai năm đóng cửa nhà hát, nghệ sĩ Mỹ Uyên muốn làm gì đó để khán giả không lãng quên sân khấu 5B. Để có được gần 300 triệu dựng vở kịch Giấc mơ là một nỗ lực rất lớn của Mỹ Uyên. Tuy nhiên, vở kịch này cũng chỉ mới được diễn trong khuôn khổ Liên hoan sân khấu thể nghiệm. Nói về chuyện làm kịch để “chơi” thì cũng nên nhắc lại một chút về các vở kịch lịch sử của IDECAF. Làm kịch lịch sử để diễn ở sân khấu lớn như vở Bí mật vườn Lệ Chi và Ngàn năm tình sử hay để diễn cho các trường học như các vở: Thánh Gióng, Trần Quốc Toản ra trận… là mong muốn được ông bầu Huỳnh Anh Tuấn ấp ủ nhiều năm nay và chỉ thực hiện được phần nào. Sở dĩ “giấc mơ kịch lịch sử” của ông bầu có thể gọi là giỏi nhất làng kịch này khó trọn vẹn là vì kịch lịch sử thì đầu tư kinh phí lớn, chẳng hạn như vở Ngàn năm tình sử đầu tư hơn 400 triệu, địa điểm diễn phải đẹp và luôn kén khán giả hơn những vở kịch tâm lý, kịch hài nên khó diễn lâu dài nên việc có lãi gần như không thể.
Làm một vở kịch để “chơi” đã khó đủ điều nói chi mở hẳn một sân khấu kịch trong thời điểm khó khăn như mấy năm nay. Thua lỗ là điều rất dễ thấy, ấy vậy mà vì đam mê của mình các nghệ sĩ vẫn cứ làm. Nghệ sĩ Việt Linh và cộng sự sau một năm khai trương sân khấu Hồng Hạc phải tính toán lại một số thứ, ví dụ như mục tiêu ban đầu là mỗi năm làm sáu vở mới thì kế hoạch năm nay phải rút gọn còn ba vở. Mỗi tháng, với số vé bán được khoảng 50% số ghế thì sân khấu này phải bù lỗ từ 150 đến 200 triệu để duy trì. Trịnh Kim Chi chọn con đường ít chông gai hơn khi xem sân khấu của mình là một nơi để các học trò diễn. Chị khuyến khích học trò viết kịch bản, sau đó sẽ chuốt lại rồi mời các đạo diễn thân quen về dựng. Với trung bình khoảng 200 vé một đêm thì bà bầu này không phải bù lỗ cho mỗi suất diễn nhưng số tiền đầu tư cho cảnh trí, đạo cụ, làm nhạc… thì gần như không thể lấy lại được. Khó khăn trăm bề nhưng các “bà bầu” vẫn cố gắng đi trên con đường của mình. Hồng Hạc vẫn cho ra những vở kịch thể nghiệm dựa trên các tác phẩm văn học và tạo điều kiện cho các đạo diễn trẻ, diễn viên trẻ thể hiện năng lực của mình, dù biết rằng phải tốn rất nhiều thời gian mới thu hút được lượng khán giả như mong muốn. Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi là người giỏi kinh doanh ở các lĩnh vực khác, tuy nhiên khi làm sân khấu chị đã định luôn một khoảng kinh phí để giữ vững sân khấu ít nhất vài năm nên thời điểm này vẫn còn đang trong giai đoạn… chịu đựng được.
“Cuộc chơi kịch” tốn kém và gian nan nên không phải lúc nào người chơi cũng phơi phới. Lắm lúc họ bị… hụt hơi, cả về tài chính và cảm hứng, nhưng nếu bỏ hẳn hay tạm dừng lại đều khiến họ nhớ sân khấu. Kể cả các nghệ sĩ vì phải kiếm sống nên không còn gắn bó với sân khấu thì vẫn mơ một ngày mình được trở lại diễn một vở “cho thiệt đã”. Thế là các nghệ sĩ lại tìm cách kiếm tiền để đầu tư cho một vở diễn thỏa ý mình hoặc cũng không lạ gì khi lại có một sân khấu khác ra đời. Sân khấu luôn có một lực hút nghệ sĩ là vậy, nên dù đang ở đường đi xuống của biểu đồ vẫn mong có một ngày các sân khấu lấy lại được khí thế. Nhắc lại những “cuộc chơi” cũng chỉ để mong rằng khán giả lại được thấy nghệ sĩ sống trong đam mê của mình và được thưởng thức những vở kịch chất lượng cao.
Xem thêm: