Theo quan sát của các nhà khoa học xã hội, các cuộc hôn nhân thường trải qua ít nhất là bốn giai đoạn. Mỗi giai đoạn là những cơ hội trải nghiệm và hạnh phúc, cùng với nhiều thử thách và trở ngại.
Sự tiến triển qua các giai đoạn này có tính chu kỳ, nghĩa là các cặp vợ chồng có thể trải qua các giai đoạn nhiều lần trong cuộc sống, mỗi lần càng tăng thêm sự thông cảm về những gì liên quan trước đó. Đôi khi, các giai đoạn này khiến bạn có cảm giác như đây là một cuộc hôn nhân mới.
Các cặp vợ chồng trải qua giai đoạn hôn nhân ở những mức độ khác nhau. Thất bại để hoàn thành những nhiệm vụ của một giai đoạn có thể kiềm chế hoạt động và phát triển của các giai đoạn sau đó.
Giai đoạn một
Bắt đầu một mối quan hệ, vợ chồng thường giao tiếp dễ dàng và đầy đủ hơn. Bạn có thể nhận biết bằng trực giác những nhu cầu, mong muốn của bạn đời, luôn tìm cách để làm vui lòng và tạo sự ngạc nhiên cho cô/anh ấy.
- Xem thêm: Ba quy tắc vàng trong hôn nhân
Lúc này, vợ chồng bắt đầu phát triển ý thức mạnh mẽ về “chúng ta”. Những điểm khác nhau của mỗi người chỉ ở mức tối thiểu, nếu mọi thứ được nhận biết và hai người đều vui vẻ chấp nhận chúng. Bạn cảm nhận được niềm vui, phấn khích, hạnh phúc xen lẫn với nhiều hy vọng. Cuộc sống vợ chồng bạn đang trải rộng trước mắt và nhiều hứa hẹn. Đây cũng là lúc vợ chồng cùng nhau chia sẻ những ước mơ, sự lãng mạn.
Giai đoạn hai
Năng lượng cao, mạnh mẽ của giai đoạn một giờ đây đã nhường chỗ cho sự bình thường và công việc hằng ngày. Lý tưởng nhất của giai đoạn này là vợ chồng cần tìm hiểu sâu về những kỹ năng giao tiếp, tìm cách để hiểu, bày tỏ các nhu cầu và cảm xúc, học cách trung thực, có thể bị tổn thương và để lắng nghe bạn đời một cách tích cực.
Nhận thức được những điểm khác nhau mà trước đây bạn không nhận ra, đồng thời vạch ra các chiến lược để đối phó chúng. Bạn cũng cần biết cho và nhận, dàn xếp và thích nghi trong mọi tình huống.
Giai đoạn ba
Bạn không thể lúc nào cũng sống theo những ý muốn của bạn đời, sẽ làm thất vọng và vô tình gây tổn thương cho cô/anh ấy. Vợ chồng nhận thức được những điểm khác nhau giữa hai người trở nên rõ rệt hơn và có thể sử dụng những chiến lược kiểm soát nhằm đưa mọi thứ trở về cân bằng theo ý muốn.
Lúc này, những cuộc “chiến tranh quyền lực” thường xảy ra, kèm theo đổ lỗi, chỉ trích và phòng vệ. Sự sợ hãi và lo lắng dần nảy sinh trong mối quan hệ, đồng thời suy nghĩ của bạn có thể thu hẹp trong một/hoặc hai thái cực, như đúng/sai, tốt/xấu. Vì thế, vợ chồng cần học cách tha thứ, thích nghi, cư xử dựa trên tinh thần xây dựng lẫn nhau khi tức giận hay tổn thương. Một sự hỗ trợ chung đặc biệt quan trọng vào giai đoạn này.
- Xem thêm: Năm nền tảng của hôn nhân hạnh phúc
Đây cũng là thời điểm thể hiện cá tính và sự độc lập của mỗi người. Nếu giai đoạn một nhấn mạnh ý thức mạnh mẽ về “chúng ta”, thì giờ đây vợ chồng có xu hướng tìm cách để tôn vinh quyền tự chủ và sự riêng rẽ, tìm hiểu làm thế nào để là một cá nhân trong một mối quan hệ cam kết.
Giai đoạn bốn
Vợ chồng cần hiểu nhau hơn qua việc giao tiếp, trung thực và tin tưởng lẫn nhau. Tốt nhất là hãy khám phá và tạo ra một ý thức mới về sự kết nối, tìm hiểu thêm về những điểm mạnh và những điều dễ gây tổn thương cho nhau, nhận biết và nói về những nỗi sợ hãi thay vì thể hiện chúng, không phán xét hay đổ lỗi, hiểu được những lời phàn nàn là những yêu cầu để thay đổi, chuyển từ những chiến lược xung đột từ thắng/thua sang thắng/thắng.