Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại một phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 11 đã đề nghị “tất cả hệ thống hành chính không chúc tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao phong bì”, đồng thời yêu cầu các tỉnh không về Trung ương chúc tết.
Biếu xén phong bì trong dịp tết đã là một tệ nạn ở Việt Nam hàng chục năm qua, kể cả việc biếu tiền cho cấp trên với mong muốn được giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công việc và kinh doanh.
Nhiều người cho rằng tết chính là cơ hội để người ta tặng quà và hối lộ mà theo lời Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên của Quốc hội Nguyễn Viết Chức thì ranh giới giữa quà tết và hối lộ mỏng như sợi tóc.
Thật ra, chỉ đạo về việc cấm nhận quà cáp ở bất cứ thời điểm nào trong năm, đặc biệt dịp lễ tết đã nói từ lâu và đã thể hiện bằng văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Nhà nước. Tuy nhiên, phát biểu trực tiếp trước hội nghị, trong một phiên họp Chính phủ như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là mới, thể hiện sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ trong việc chống tệ nạn này. Nhưng cách tổ chức thực hiện như thế nào mới là quan trọng. Nếu không có cơ chế thực hiện và bộ máy giám sát thì chỉ đạo ấy sẽ bất khả thi, không hiệu quả, thậm chí lại phản tác dụng, làm mất lòng tin trong nhân dân.
Thực tế đã minh chứng, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết liệt chỉ đạo cán bộ công chức không được uống bia rượu trong buổi trưa. Nhưng sau ý kiến chỉ đạo đấy thì xe biển số xanh vẫn ngang nhiên đậu trước quán bia buổi trưa, thậm chí cán bộ nhậu luôn trong giờ hành chính nhưng không hề có biện pháp chế tài hay xử lý.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng trong thực tế để xóa tệ nạn quà cáp dịp tết cũng không dễ vì người Việt thường có thói quen thăm hỏi, biếu xén nhau trong quan hệ thân quen, cho nên để xóa bỏ hành vi có tính “truyền thống” này cần phải có giải pháp đồng bộ và các thành viên Chính phủ phải nêu gương cũng như cả hệ thống hành chính phải có quyết tâm.
Cấp dưới từ các địa phương cũng phải nhận thức đúng và thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng và cũng nên thay đổi tư duy là không biếu xén quà cáp, phong bao, phong bì vào dịp tết mà chỉ nên dừng lại ở việc thăm hỏi chúc tết. Ngoài ra cần có quy định cụ thể chế tài cho hợp lý. Cũng có ý kiến nên lập đường dây nóng để nhân dân theo dõi, giám sát.
Trên bảng xếp hạng của Trace Matrix – một tổ chức quốc tế chống hối lộ có trụ sở tại Mỹ, Việt Nam đứng thứ 188/197 nước được khảo sát về nạn hối lộ trên thế giới năm 2014. Trace International cũng xếp Việt Nam vào thứ hạng rất thấp ở châu Á về chống tham nhũng, với chỉ số 31 – dưới mức trung bình là 41,8.
Trong một diễn biến tương tự, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) kiểm tra việc chi phí để làm quà tặng tại tập đoàn này.
Văn phòng Chính phủ ngày 30-11 cho biết, trước đó Thủ tướng nhận được phản ánh việc TKV chi tiêu vào việc đúc logo kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống thợ mỏ một cách lãng phí, vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gây dư luận không tốt trong cán bộ, công nhân ngành than. Thông tin nội bộ tại TKV cho biết chi phí thuê logo này lên đến 70 tỉ đồng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam kiểm tra việc này, báo cáo trung thực, chính xác chi phí cho việc làm quà tặng nêu trên và xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân có sai phạm.
Cùng với đó, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam phải báo cáo phương án tái cơ cấu, tiết kiệm chi phí, thực tế lượng than tồn kho và việc đảm bảo đời sống cho cán bộ, công nhân mỏ. Kết quả thực hiện báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-12-2016.
Liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV, trong báo cáo tình hình tài chính trong chín tháng đầu năm 2016 mới đây của tập đoàn này cũng không mấy thuận lợi. Trong đó đáng chú ý là lợi nhuận của tập đoàn này đã giảm đáng kể, chỉ đạt hơn 42 tỉ đồng, so với 155 tỉ của sáu tháng đầu năm.
Trong chín tháng qua, TKV cũng đã phải chi tới hơn 13.000 tỉ đồng để trả nợ. Nếu tính lũy kế đến 30-9 thì các khoản nợ phải trả của TKV đã đạt tới 64.400 tỉ đồng, trong đó vay nợ ngân hàng và các bên lên tới trên 52.000 tỉ.
Cùng với đó, một số khoản đầu tư hàng nghìn tỉ đồng của TKV tại một số đơn vị cũng đang gặp phải thua lỗ nặng nề.
Phải xóa bỏ ngay tình trạng quan hệ thân hữu đang bóp chết việc làm ăn chân chính, xóa bỏ tư tưởng: Quan hệ tốt với chính quyền sẽ có cơ hội tiếp cận tốt hơn các tài nguyên, đất đai, thể chế và các ưu đãi ngầm. Không chỉ giữa các khu vực kinh tế với nhau mà còn bình đẳng ngay trong mọi khu vực – Đây được xem là thông điệp mạnh mẽ mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi tới đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp. Điều này cho thấy bộ máy hành chính nhà nước quyết tâm đổi mới phương thức hoạt động với tinh thần: Cộng đồng, từng doanh nhân, doanh nghiệp và người dân là đối tượng được phục vụ, được thụ hưởng những thành tựu, kết quả do công cuộc đổi mới, cải cách mang lại.
Ông cũng đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân “hãy nói không với tiêu cực, thực hiện kinh doanh với tinh thần liêm chính, không tiếp tay cho tiêu cực, nhũng nhiễu”.
Phát biểu trên đây được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công khai tuần qua khi tới dự tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III, nhiệm kỳ 2016-2021 của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đến việc xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp trong nước, Thủ tướng cho biết thời gian qua đã tập trung xây dựng chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
“Thúc đẩy khởi nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và thành công, đó chính là động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Sự tương tác kiến tạo và phục vụ trở thành nền tảng trong quan hệ giữa Chính phủ và doanh nghiệp” – Thủ tướng nhìn nhận.
Đặt vấn đề phải làm gì để phát triển doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng điều cần làm đầu tiên và quan trọng nhất là thay đổi về tư duy và cách tiếp cận.
Cụ thể, Chính phủ xác định trọng tâm trách nhiệm của mình là cải cách thể chế, xây dựng chính sách, thực hiện chiến lược và quy hoạch. Trong chỉ đạo và điều hành phải bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, xóa bỏ cơ chế xin-cho, duyệt-cấp, lợi ích nhóm, sân sau, tham nhũng, trục lợi…
Người đứng đầu Chính phủ cho hay, cần có sự thay đổi nhận thức một cách căn bản và sâu sắc, phải thực sự lấy kinh tế tư nhân là một động lực hết sức quan trọng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Phải tạo ra một môi trường bình đẳng và minh bạch, doanh nghiệp mới có đầy đủ cơ hội để phát triển và thành công. Theo đó, môi trường kinh doanh bình đẳng không chỉ giữa các khu vực kinh tế với nhau mà còn cần bình đẳng ngay trong mỗi khu vực, nhất là khu vực kinh tế tư nhân.
- Gia Minh
Xem thêm:
Có qua có lại: Nguyên tắc vàng trong kinh doanh