Một hôm ngồi ở quán cà phê, chợt cơn gió đung đưa liếp mành làm đong đưa câu thư pháp “Đừng đợi hoa tàn mới biết sắc là không” (1). Vì đang rảnh rang nên tôi cũng suy nghĩ mông lung xem người ta muốn nói điều gì.
Thì ra, phía sau những câu chữ nói về hoa là mấy tầng ẩn ý. Người viết mượn sự tàn phai của hoa để nói lên quy luật vận hành của vạn vật, hoa nở rồi hoa sẽ tàn, cũng như con người ai cũng sinh lão bệnh tử. Hoa đẹp nhưng rồi sẽ biến mất chứ không tồn tại vĩnh cửu, khi đó sắc (bông hoa đẹp) đâu còn lại gì trên cõi đời này, có chăng chỉ là sự nuối tiếc! Nhan sắc, vẻ đẹp ngoại hình của con người cũng vậy thôi. Sự đời sắc sắc không không. Chạy theo vật chất hiện tại một cách mù quáng mà không biết biết quý trọng những giá trị đích thực bền lâu rồi cũng sẽ chẳng còn lại được gì.
Trong chừng mực của một buổi uống cà phê, trong sự thả lỏng dòng suy nghĩ của mình, tôi chỉ cảm nhận tới đó và cũng không muốn gò ép mình phải suy nghĩ nhiều. Tuy nhiên, vô tình bức thư pháp cũng đã giúp ngộ ra một điều gì đó, trong một không gian lạ của quán xá, một cách rất tình cờ.
Những bức thư pháp thường được treo ở những nơi trang trọng như phòng khách, phòng làm việc, ở những không gian cần chăm chút vẻ đẹp. Ở đó, trong lúc chờ đợi bạn bè, trong phút giây tình cờ nào đó, con người bị sự duy mỹ dẫn dắt, thăng hoa, để đọng lại một điều gì đó thật sâu thẳm và thú vị.
- Xem thêm: Những nét chữ
Thư pháp thường là một câu nói hay, vài câu thơ hàm súc. Mà thơ thì biết bao giờ mới hết những câu hay trong kho tàng thơ ca Việt Nam và thơ ca các nước. Có lần, bắt gặp đôi câu thơ từ một bài thơ cũ, nay gắn vào một bức tranh hữu tình bằng hình thức chữ thư pháp, chợt thấy câu thơ như có một đời sống mới, một hình hài mới với một tứ thơ riêng biệt, chỉnh chu, hài hòa. “Vai anh em hãy tựa đầu/Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi” (2) thật gợi hình đôi tình nhân mang tâm trạng buồn u uẩn. Hay câu thơ “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/Có chở trăng về kịp tối nay?” (3) thật thanh tao trong sự liên kết và hòa hợp giữa người với thiên nhiên bằng một câu hỏi tu từ, mà đối tượng để hỏi lại là một sự vật! Tâm hồn đã được đẩy lên đến mức tinh khôi và thuần khiết của cái đẹp mà không còn vướng bận những xô bồ của cuộc sống đời thường.
Thư pháp có thể viết trên mành trúc, trên giấy, hoặc hóa thân vào những bức tranh. Có những bức thư pháp được làm từ tranh cát thật công phu và tinh tế bằng đôi tay khéo léo, bằng tân hồn thẩm mỹ của những con người tài hoa. Chính bằng những hình thức thể hiện đẹp mà thư pháp chuyển tải được những giá trị của cuộc sống đến với mọi người bằng đôi câu chữ ngắn gọn nhưng thấm thía sau nhiều lần nhìn ngắm và suy nghĩ. Có khi một bức thư pháp đã cũ với người này lại mới với người kia khi hữu duyên hội ngộ.
Riêng những câu thơ trong Truyện Kiều cũng đủ làm thành một kho tàng nguyên liệu cho những người viết thư pháp rồi. Thơ Kiều thường hàm súc, bút pháp mô tả chấm phá nên rất hợp với thư pháp. Những câu như “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” (4) thật đầy đủ, chỉnh chu, đầy tính triết lý. Hay “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường” (4) thật giàu hình ảnh, lãng mạn mà cũng thật xa vắng, cơ hồ như chứa đựng cả bầu tâm sự của kẻ ở người đi trong sự bịn rịn, nhớ nhung và phập phồng lo lắng trong buổi “Tiễn đưa một chén quan hà” (4) giữa Thúy Kiều và Thúc Sinh.
- Xem thêm: Thú chơi
Có lần trong một quán ăn Huế, tôi bắt gặp câu thư pháp khắc trên một tấm gỗ, làm thành bức tranh treo trên vách: “Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp/Quê nhà một góc nhớ mênh mông” (1), lòng chợt chùng xuống, bâng khuâng thương cảm cho những phận người sống nơi đất khách quê người, mang trong lòng một nỗi niềm hoài cố hương day dứt. Người Huế vốn tinh tế và sống nội tâm là thế. Con người có thể đầy đủ, thành đạt; cũng có thể túng thiếu, thất bại; có thể xa quê từ miền này qua miền khác, hay định cư ở nước ngoài, nhưng người đi xa mấy ai không mang tâm trạng “Ngẩng đầu nhìn trăng sáng/Cúi đầu nhớ cố hương”? (5)
Phần nhiều thư pháp mang triết lý thiền, phật, lão, đạo giáo. Có lẽ khi quay về một hệ tư tưởng nào đó thoát tục sẽ giúp người ta quên đi những điều phiền muộn trong cuộc sống, để nhẹ nhàng ung dung tự tại hơn chăng? Ngất ngưởng với túi thơ bầu rượu, hoặc tiêu diêu đầy ảo tưởng cũng là một mảng đề tài hay được đưa vào thư pháp: “Ta cứ ngỡ xuống trần chơi một chốc/Nào ngờ đâu ở mãi tới hôm nay”! (6) – một phép thắng lợi tinh thần đầy chất AQ!
Là một hình thức nghệ thuật mới mẻ so với bảy loại hình nghệ thuật truyền thống, thư pháp pha trộn giữa hội họa và thi ca để hiện diện thật sang trọng trong cuộc sống vốn có muôn vàn cái đẹp do con người tạo ra. Để những người yêu cái đẹp có khi tình cờ bắt gặp, sống dậy trong lòng niềm cảm xúc mãnh liệt, và đi theo đến suốt cuộc đời…
(1) Khuyết danh
(2) Ngậm ngùi – Huy Cận
(3) Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mặc Tử
(4) Truyện Kiều – Nguyễn Du
(5) Tĩnh dạ tư – Lý Bạch
(6) Thơ Bùi Giáng