Sáng tác với chất liệu giấy từ sáu năm nay, đôi vợ chồng người Mỹ gốc Ấn Độ Hari Panicker và Deepti Nair đã làm mới thể loại tranh giấy với những tác phẩm cực kỳ sinh động, như trong những giấc mơ huyền ảo.
Hari Panicker là một nhà thiết kế đồ họa và vẽ minh họa sách báo, còn Deepti Nair là họa sĩ được đào tạo chuyên ngành về sáng tác trên chất liệu giấy. Sự kết hợp của họ đã làm nên những thể nghiệm mới với chất liệu giấy và ánh sáng trong loạt tác phẩm mà họ đặt tên là “Ồ, những nơi chốn mà bạn sẽ đến”. Lấy cảm hứng từ những huyền thoại Ấn Độ cổ xưa cũng như từ môn kịch rối bóng của xứ Bali (Indonesia) hoặc từ chính sức tưởng tượng của họ về những chuyến du hành vào tương lai, đôi vợ chồng nghệ sĩ sống ở Mumbai và Denver (bang Colorado) đã làm được những điều kỳ diệu. Đó là thế giới ảo hình của người và thú, của những đô thị chỉ có trong những giấc mơ và những chuyến viễn du vào phi thực tại… Những bức tranh trổ giấy ấy được chiếu sáng từ phía sau bằng những dải ánh sáng của đèn LED. Các lớp giấy trổ trở nên sậm hơn, tối hơn khi xa ánh sáng đèn và ngược lại, tạo hiệu quả tầng tầng lớp lớp, có chiều sâu như tranh 3D…
“Để làm chủ được chất liệu giấy đòi hỏi sự chú tâm của người nghệ sĩ: tính chất mềm mại của nó cần được dùng để tạo dáng những gì đẹp đẽ. Giấy không màu nhưng lại đầy màu sắc, vừa đơn giản vừa rắc rối. Nó phản chiếu ánh sáng, tạo chiều sâu và ảo giác theo cách mà nó đưa người nghệ sĩ đi vào một chuyến du hành không giới hạn những tiềm năng… Những gì khiến chúng tôi kinh ngạc là những chiếc hộp ánh sáng đã tạo hiệu quả trên tranh trổ giấy, đó là tính lưỡng phân của trạng thái được chiếu sáng và không được chiếu sáng. Chính sự đối lập đó tạo hiệu quả huyền ảo đối với người thưởng ngoạn tác phẩm”, Hari Panicker nói về tác phẩm của anh và người bạn đời. Có thể ví von, năng lực của họ trong lĩnh vực này giống như chàng samurai Nhật Bản làm chủ được những đường kiếm tuyệt luân vậy.
Những tác phẩm kết hợp giữa giấy và ánh sáng của đôi vợ chồng nghệ sĩ đang được thị trường rất ưa chuộng, nói như một khách hàng cao tuổi người Nhật thì “đôi khi thế giới kỳ ảo mà các bạn tạo nên còn gây cảm xúc nhiều hơn thế giới mà chúng ta đang sống”. Ngoài tranh trổ giấy, họ còn cùng nhau thực hiện những bức tranh tường đầy sắc màu.
- Đăng Nguyên