Thêm một lần nữa trong vòng hai tháng, vấn đề thương hiệu gạo xuất khẩu của chúng ta lại được mổ xẻ trong một cuộc hội thảo để tìm lối ra. Gia nhập thị trường lúa gạo quốc tế từ năm 1989, thế nhưng gần 30 năm qua chúng ta chưa xây dựng được thương hiệu gạo quốc gia, trong khi xuất khẩu gạo thì đang ngày càng khó khăn do cạnh tranh gay gắt với các nước mới gia nhập thị trường quốc tế.
Nhận định này đã được đưa ra tại hội thảo “Nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam” tổ chức ngày 11-11 ở TP. Hồ Chí Minh. Trong một tham luận tại hội thảo, Tiến sĩ Đào Thế Anh, Phó viện trưởng Viện Cây lương thực – Cây thực phẩm (FCRI) cho biết xuất khẩu gạo của Việt Nam không chỉ có xu hướng giảm về số lượng mà cả về giá trị. Cụ thể, năm 2015 chỉ đạt 6,65 triệu tấn với giá trị 2,68 tỉ USD, mức giá xuất khẩu bình quân là 408 USD/tấn, thấp hơn năm 2014 (464 USD/tấn). Trong phân khúc gạo thơm, năm 2015, theo FAO, gạo Jasmine Việt có giá trung bình 483 USD/tấn so với mức 800 USD/tấn của Thái Lan. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là hệ quả của việc thiếu thương hiệu.
Đi tìm lời giải cho bài toán xây dựng thương hiệu gạo, theo ông Vũ Trọng Bình, Vụ trưởng Vụ Địa phương, Ban Kinh tế Trung ương, về bản chất là phải thay đổi chính sách đầu tư vào ngành sản xuất lúa gạo. Chính sách hiện nay đang có sự mâu thuẫn với mục tiêu sản xuất: đòi hỏi ngành sản xuất lúa gạo cạnh tranh được với các nước trên thế giới nhưng các chính sách lại theo hướng đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Ông nói: “Chúng ta chưa phân tầng đâu là vùng chuyên đảm trách an ninh lương thực, đâu là vùng chuyên xuất khẩu. Chưa kể, phải xác định được là muốn bán gạo cho ai, thị trường cao cấp hay cấp thấp. Nếu là thị trường bình dân thì chẳng cần xây dựng thương hiệu vì khách hàng không quan tâm đến thương hiệu. Nhưng nếu là các thị trường cấp cao như Nhật, Mỹ, châu Âu thì liệu các bộ ngành có dám và quyết tâm thực hiện các chiến lược sản xuất sạch, an toàn, truy xuất nguồn gốc… là những yếu tố xây dựng thương hiệu gạo.
Suy nghĩ này nhận được sự đồng tình của nhiều người tham dự hội thảo. Tiến sĩ Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cho biết câu hỏi “sản xuất lúa vì mục tiêu an ninh lương thực hay xuất khẩu” đã được đặt ra từ năm 2009 nhưng đến thời điểm này Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa có câu trả lời cụ thể. Và khi chưa xác định rõ mục tiêu sản xuất là nhằm đảm bảo an ninh lương thực hay hướng đến thị trường xuất khẩu thì khó mà xây dựng thương hiệu gạo quốc gia.
Phải chăng tình hình trên đã khiến Vốn đầu tư Nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng? Có thể nhìn thấy điều này tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nơi có tiềm năng và lợi thế về nông nghiệp, nhưng thực tế thu hút FDI vẫn chưa có sự chuyển biến tích cực.
Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ tại hội nghị đầu tư vào ĐBSCL với chủ đề “Cơ giới hóa nông nghiệp và đầu tư phát triển kỹ thuật thông minh” tổ chức tại Cần Thơ ngày 11-11 cho thấy ĐBSCL là khu vực có đóng góp hơn 50% sản lượng lương thực cả nước; gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Kinh tế ĐBSCL phát triển nhanh và ổn định, tăng trưởng GDP luôn cao hơn bình quân của cả nước, đóng góp 41% giá trị sản xuất nông nghiệp, 20% GDP cho cả nước.
Tuy được đánh giá là khu vực có tiềm năng to lớn, nhưng trên thực tế thu hút vốn FDI vào ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế. Số liệu đáng tin cậy cho thấy trong chín tháng đầu năm 2016, FDI vào ĐBSCL đạt 1,67 tỉ USD, chiếm 10,2% so với tổng vốn FDI của cả nước, trong đó vốn đầu tư vào nông nghiệp chỉ có 50 dự án với tổng vốn đăng ký 209 triệu USD.
Câu hỏi được đặt ra là vì sao vốn FDI vẫn không vào nông nghiệp dù được đánh giá là đầy tiềm năng và đâu là những cơ hội cần khai thác? Đó là sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng dựa trên nền tảng sản xuất của nông nghiệp, nhất là sự gia tăng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Hiện nay tầng lớp trung lưu đòi hỏi sản phẩm phải có chất lượng cao, hiện đại, hấp dẫn… và điều này sẽ tạo ra áp lực lớn đối với nông nghiệp trong nước, phát sinh nhu cầu phải đầu tư mới vềứng dụng khoa học công nghệ cho trồng trọt, cho chăn nuôi và thủy sản hay chế biến thực phẩm. Nếu doanh nghiệp trong nước chưa làm được thì đây là dư địa cho đầu tư nước ngoài.
- Gia Minh (DNSGCT)
Xem thêm:
- Hạt gạo trong vòng xoáy xuất khẩu
- Gỡ khó cho hạt gạo xuất khẩu
- Gạo xuất khẩu trước cuộc cạnh tranh khốc liệt