So với người thường, người tàn tật kiếm việc khó hơn rất nhiều. Nay thì xu hướng mở xưởng, lập công ty đã giúp người khuyết tật vượt qua trở ngại để trở thành những ông bà chủ.
Bị nhược cơ từ khi chào đời, Tanguy De La Forest 38 tuổi, quê quán ở vùng Bretagne, lên Paris lập công ty tuyển dụng lao động tàn tật, rồi mua lại công ty quảng cáo của chính cha mình. Vốn là một vận động viên thể thao khuyết tật, Tanguy De La Forest nói: “Tôi thích thách thức, muốn thấy công ty của mình phát triển. Rõ ràng tôi có khuyết tật, nhưng tôi là người có khả năng, có ý chí”.
Hiệp hội quản lý Quỹ hội nhập nghề nghiệp người tàn tật (Agefiph) thống kê năm 2015, có 3.380 dự án tiến triển tốt. Tới tháng 6 năm nay, có thêm 1.650 dự án mới. Trong khi thị trường lao động người tàn tật vẫn ảm đạm, 20% số lao động tàn tật thất nghiệp, gấp đôi so với lao động lành lặn.
Gilles Thiercelin bị đột quỵ năm 2008 cho biết: “Nếu đã là khó thì không riêng với người tàn tật, vấn đề là được tư vấn”. Sau khi tích cực tập luyện hồi phục, Gilles Thiercelin được trở lại chỗ làm, nhưng không còn khả năng cùng lúc nghe điện thoại và xử lý trên máy tính. May là Gilles Thiercelin đam mê chụp ảnh. Được tư vấn, Gilles Thiercelin trở thành tay máy chuyên nghiệp. Từ năm 2010, anh trở thành ông chủ của chính mình với cuốn sổ ghi và bấm máy, thỏa mãn mọi khách hàng.
Làm đại sứ Tuần tư vấn việc làm cho người tàn tật (từ 14 đến 20-11), Gilles Thiercelin tham gia hội thảo, tới các xưởng, tư vấn, động viên người tàn tật mạnh dạn làm nghề mà mình yêu thích, có khả năng.
Lê Lành theo Obs (DNSGCT)