Cái tên “Khu vực biên giới” của triển lãm tranh Mai Huy Dũng (từ 17 đến 25-11 tại gallery Nguyen Art, 31 Văn Miếu, Hà Nội), khiến người ta nghĩ đến những tranh phong cảnh vùng biên giới nhưng đó lại là 26 chân dung khổ lớn với nhiều điều ẩn giấu phía sau những khuôn mặt miền sơn cước…
Các gương mặt – tác phẩm được đánh số thứ tự, với hai khổ 150cm x 150cm và 110cm x 160cm – đó là những em bé trên vai mẹ, đôi mắt mở to ngơ ngác; những ông già hoặc đang thổi sáo, hoặc đang cười hay đang lặng lẽ nhìn khách xem tranh; những phụ nữ địu con trên đường hái củi trở về bản làng trong cơn mưa vùng cao… Chỉ đơn giản thế nhưng cứ níu chân người thưởng ngoạn. Tự nhận là một “kẻ ham chơi”, những khi mệt mỏi với những quay cuồng của cuộc sống phố thị, Mai Huy Dũng lại khoác balô đến với những nơi cuộc sống chậm hơn, yên ả hơn. Và lựa chọn của anh luôn là vùng núi phía Bắc, đến tận cùng của miền đất ấy: khu vực biên giới. Nhưng điều cuốn hút anh không phải là cảnh núi non hùng vĩ mà chính là con người ở đó. Thiên nhiên khắc nghiệt, núi non hùng vĩ đã tạo ra những con người đơn sơ mà nồng hậu đến thế.
“Ở nơi bổ một nhát cuốc xuống thì bên dưới bảy phần là đá, cỏ cây còn nhọc nhằn thế nhưng con người lại đầy nhựa sống, khâm phục lắm. Nhớ lắm, yêu lắm những ánh mắt, những nụ cười, những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt chai cứng trong những sáng mùa đông lạnh như cắt thịt… Thèm lắm một bát rượu ngô, nhúm mèn mén, gắp thắng cố và những món ăn mộc mạc mỗi khi vào chợ. Chợ phiên vùng cao, nơi mà ai cũng như là bạn thân, nơi mà bạn có thể cầm bát rượu khoác vai nói chuyện với bất cứ người nào, nơi mà tình người đã trở thành đặc sản… Và thật sự tôi sẽ là kẻ vong ơn nếu không vẽ về họ, những người bạn đặc biệt, những tình yêu của tôi, những người đã cho tôi ăn nhờở đậu, những người đã tiếp cho tôi xúc cảm mãnh liệt…” – Mai Huy Dũng nói về phòng tranh của anh.
Trước đó, niềm đam mê của Mai Huy Dũng là nhiếp ảnh và vẽ khỏa thân (năm 2010, anh đã có một triển lãm tranh khỏa thân tại 42 Yết Kiêu, Hà Nội). Thế rồi sau những chuyến đi “phượt”, cuộc sống và tình cảm của người miền núi đã để lại những ấn tượng khó quên, thôi thúc anh vẽ về họ như một sự tri ân. Trong một lần đến chơi nhà Mai Huy Dũng, anh Lê Xuân Hưởng (chủ phòng tranh Nguyen Art) đã ngạc nhiên và thích thú với loạt tranh mà ở đó những dải màu rực rỡ, tươi rói không che lấp được vẻ khắc khổ hằn sâu trên những gương mặt người. Phòng tranh hôm nay đã được ấp ủ cách đây hơn một năm. Mai Huy Dũng tâm sự: “Nếu có ai đó hỏi tranh của tôi có ẩn chứa thông điệp gì không, tôi xin trả lời: Không, tranh của tôi chỉ có sự chân thành”. Có lẽ chính sự chân thành của tác giả đã mang lại hiệu ứng cảm xúc cho người xem nhiều hơn là kỹ thuật, bút pháp hay ý tưởng…
- Diễm Vân