Lần này, Hoàng Tử Bé đã trở lại Sài Gòn, nhưng với hình thức sân khấu (tiếng Anh, phụ đề Việt) do nhóm kịch Dragonfly phối hợp cùng Sân khấu Kịch Hồng Vân dàn dựng. Bằng ngôn từ chắt lọc của Aaron Toronto và Jaime Zuniga (đồng tác giả kịch bản sân khấu), với sự thẩm thấu tác phẩm văn học khá tinh tế trong cách đạo diễn của Jaime Zuniga và sự hợp lực của toàn bộ sáu diễn viên (hóa thân trong mười vai diễn), vở Hoàng Tử Bé đã được chuyển thể khá toàn vẹn tinh thần của nguyên tác. Nếu chỉ xét riêng từ góc độ đơn thuần của một vở kịch chuyển thể, Hoàng Tử Bé của nhóm kịch Dragonfly đã giữ được tính trung thành cần thiết với nguyên tác, đồng thời cũng thoát ra khỏi tác phẩm bằng ngôn ngữ riêng của sân khấu.
Aaron Toronto
Với kết cấu hai hồi khá tối giản và được phân bổ mạch lạc trong vỏn vẹn bảy cảnh tách biệt, qua lời giới thiệu và kết luận từ đầu và cuối của nhân vật Phi Công như một người dẫn truyện, vở kịch đã làm người xem có thể tiếp cận một cách khúc chiết nhất về đại danh tác này, theo một phong vị rất cổ điển của sân khấu. Sự nghiêm túc của các diễn viên trong từng vai diễn, ánh sáng, hay cả trong từng mảng miếng gây hài vừa bằng hình thể vừa là cách nhấn nhá đã làm tăng nồng độ cảm xúc cho khán giả. Toàn bộ các diễn viên tham gia diễn xuất trong vở diễn đều hoàn thành tốt, nếu không muốn nói là khá xuất sắc, như với các diễn viên người Việt là Ngô Thủy Bích (vai Con Cáo Sa Mạc), Nguyễn Hà Tú Trinh (vai Con Rắn), Đỗ Trần Anh Minh (vai Nhà Vua) và đặc biệt là Nguyễn Lan Phương (vai Hoàng Tử Bé). Cô cũng là một trong những nữ diễn viên nổi tiếng “chuyên trị” các vai diễn phức cảm, trong các vở kịch hay trong các buổi diễn ngâm và đọc sách bằng Anh ngữ, tại Sài Gòn.
Cảnh trong vở
Lẽ đương nhiên, không thể không kể đến vai trò của thiết kế phục trang (Vũ Thanh Hoa phụ trách), cho vở diễn này. Các nhân vật Phi Công, Hoàng Tử Bé, Hoa Hồng, Con Rắn, Con Cáo Sa Mạc… đều được khắc họa rõ nét trong từng bộ cánh của mình, cô đã rất dụng công chăm chút màu sắc và chất liệu riêng biệt, để tái tạo “không khí” huyền ảo và mang tính dụ ngôn cho các nhân vật. Khi được kết hợp nhịp nhàng giữa các bộ cánh đó với từng động tác diễn, như cách Con Cáo Sa Mạc đã đánh hơi, ngửi và nhai nuốt viên kẹo của Hoàng Tử Bé, hay cách Con Rắn uốn éo vờn quanh người Hoàng Tử Bé, trước khi nhả nọc độc ru hồn… Người xem như được “lạc” vào cõi – người – thất – lạc ấy của vở diễn, một cách tự nhiên.
Thiết kế sân khấu (Lê Hoàng Quân, Huỳnh Thị Thúy Hằng, Đồng Thị Hoàng Phương đồng phụ trách) cũng là một phần không thể thiếu làm nên “linh hồn” của vở diễn này, dù chỉ được bày biện ở mức độ vừa phải và chưa phải là sự tối giản đầy phá cách, sáng tạo. Gần như trong mỗi cảnh đều được thiết lập riêng một bối cảnh nhỏ, mang tính tượng trưng và khơi gợi về biểu tượng trong cảnh, như một phần của chiếc máy bay bị rơi hoặc chậu hoa hướng dương hoặc cái giếng giữa sa mạc… Và chừng như đấy cũng là sự ước lệ được tác giả văn học và các soạn giả của vở kịch này dành tặng cho khán giả của mình và trở nên đồng điệu giữa người diễn và người xem.
Nguyễn Hà Tú Trinh vai Con Rắn & Lan Phương
Nếu có điều gì đó còn tiếc nuối về sự chưa hoàn chỉnh của Hoàng Tử Bé lần này, có lẽ là về hình thái kịch tiếng Anh và phụ đề tiếng Việt của vở diễn. Được chọn công diễn ở Sài Gòn và trong không gian văn hóa cùng bối cảnh đặc thù của Việt Nam, hẳn nhiên việc thực hiện phụ đề Việt cũng cần phải được đầu tư cẩn trọng hơn, không nên làm chiếu lệ như phản ảnh của khá nhiều khán giả Việt sau buổi công diễn đầu tiên diễn ra vào ngày 8-11-2012. Vở kịch Hoàng Tử Bé có các buổi diễn tiếp theo các vào ngày 10, 15 và 17-11-2012, dự kiến sẽ có thêm một buổi diễn dành cho ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2012, vào lúc 19g30 tại Sân khấu Kịch Phú Nhuận.
Phước Châu