Triển lãm nghệ thuật lưỡng niên Singapore 2016 (Singapore Biennale 2016) diễn ra trong tháng 10-2016 và sẽ kéo dài đến tháng 2-2017; trong số hơn 60 nghệ sĩ được mời tham dự sự kiện nghệ thuật đương đại tầm cỡ châu Á này có Bùi Công Khánh và Nguyễn Phương Linh của Việt Nam.
Bùi Công Khánh là một gương mặt quen thuộc của sinh hoạt mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh từ nhiều năm trước; anh đã triển lãm tranh chung với các họa sĩ Bùi Tiến Tuấn, Nguyễn Thị Châu Giang và từng mở gallery rất sớm ở quê nhà Hội An, nhưng sớm rời hội họa giá vẽ, chuyển sang làm nghệ thuật đương đại và rất thành công. Sinh năm 1972, Bùi Công Khánh là một trong những tác giả trẻ Việt Nam đầu tiên tạo được tiếng vang trong sinh hoạt nghệ thuật quốc tế vào thập niên 1990 với các tác phẩm đa dạng: từ tranh vẽ, điêu khắc đến video, sắp đặt, trình diễn… bày tỏ về những giới hạn của tiếng nói cá nhân trong xã hội đương đại. Quan tâm đến di sản văn hóa dân tộc, tác phẩm của anh là sự kết hợp giữa nghệ thuật tạo hình với sự nghiên cứu và nhận thức sâu sắc về lịch sử. Trong vài năm gần đây, Bùi Công Khánh đã được mời tham dự nhiều liên hoan, hội chợ, triển lãm nghệ thuật tại Hongkong, Istanbul, Bangkok, Brisbane… Năm 2011, tác phẩm đa phương tiện Quá khứ đã qua của anh được thực hiện bằng cách vẽ chì than trên giấy hình ảnh những khu vực trong một thành phố sẽ bị tháo dỡ và chụp ảnh cư dân thành phố trên nền ảnh hư cấu đó. Tác phẩm này đã lọt vào chung khảo Giải thưởng mỹ thuật châu Á 2011 do Bảo tàng nghệ thuật Singapore (SAM) tổ chức định kỳ ba năm một lần bắt đầu từ năm 2008 nhằm tìm kiếm những tài năng mới về nghệ thuật đương đại. Ngay mùa giải đầu tiên 2008, tác phẩm Hóa thạch 36 phố phường Hà Nội của Bùi Công Khánh cũng đã vào vòng chung khảo 15 tác phẩm xuất sắc nhất và được SAM chọn mua để trưng bày.
Gần đây, dự án nghệ thuật Lạc chốn của Bùi Xuân Khánh được Sàn Art tổ chức triển lãm tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Factory ở P. Thảo Điền, Q.2 (TP. Hồ Chí Minh) từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 9-2016. Đây là triển lãm cá nhân lớn nhất từ trước đến nay của anh: một tổ hợp kiến trúc – chạm khắc mang phong cách kiến trúc truyền thống Huế, Hội An với các thành phần làm bằng gỗ mít có thể tháo ráp. Thoạt nhìn thì Lạc chốn trông như một ngôi nhà xưa cũ ở miền Trung nhưng thay vì các hình chạm khắc theo truyền thống là tứ linh, mai lan cúc trúc… thì ở tác phẩm này là hình ảnh các khí cụ chiến tranh, súng đạn… – một cách nối liền quá khứ đã qua là cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài nhiều thập niên với những giá trị tâm linh của cha ông. Lạc chốn không chỉ kể lại câu chuyện đầy đau thương mà người Việt đã trải qua trong những năm tháng chiến tranh mà còn tái hiện lịch sử gia đình anh (thân phụ anh là một thợ mộc giỏi nghề ở Hội An).Để thực hiện Lạc chốn, Bùi Công Khánh đã bỏ ra hơn hai năm cùng làm việc với một nhóm thợ mộc và các nghệ nhân chạm khắc lành nghề của Quảng Nam.
Singapore Biennale 2016 với tiêu đề “Tấm địa đồ của những hình ảnh phản chiếu” (An Atlas of Mirrors) sẽ giới thiệu hàng loạt tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại đến từ Nam Á, Đông Á và Đông Nam Á thể hiện những góc nhìn khác nhau về sự dịch chuyển và các mối quan hệ đan xen của cư dân trong các khu vực của châu Á.
- Ngã Văn