Sau nhiều đồn đoán, nhiều thông tin “rò rỉ” về cấu hình, kiểu dáng thiết kế…, cuối cùng, ngày 7-9 vừa qua, Apple cũng chính thức trình làng sản phẩm mới nhất trong dòng sản phẩm đã nổi tiếng toàn thế giới của mình, chiếc iPhone 7 và iPhone 7 Plus. Bỏ qua một bên những đánh giá, nhận xét, phản ứng khác nhau từ phía người tiêu dùng, iPhone 7 và iPhone 7 Plus vẫn tạo ra được một cơn sốt “thường lệ” trên thị trường.
Cụ thể, nhiều người kinh doanh iPhone tại nước ta vẫn sẵn sàng bỏ ra cả trăm đô mỗi ngày chỉ để thuê người xếp hàng chờ mua iPhone 7 tại các điểm bán đầu tiên trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Mỹ…
Nhìn lại sự thành công bền bỉ của Apple với dòng sản phẩm iPhone, tờThe Wall Street Journal nhận định: “Apple thực ra không phải là một công ty công nghệ thông thường, đó là một thương hiệu hàng cao cấp. Apple đang làm mờ đi ranh giới giữa đồ tiêu dùng và đồ trang sức”.
Và dưới đây là ba bài học chúng ta có thể rút ra từ hành trình tạo nên một thương hiệu hàng cao cấp của Apple, cụ thể là dòng sản phẩm iPhone:
Chất lượng vượt bậc
Thương hiệu hàng cao cấp không phải là thứ có thể được tạo ra đơn giản bằng cách gắn một chiếc logo lấp lánh vào một miếng vải bình thường và rồi tự đặt ra một cái giá thật cao. Những sản phẩm được gắn mác “hàng cao cấp” muốn tồn tại được qua nhiều thập niên cần phải có chất lượng vượt trội, nếu không muốn nói là tốt nhất thị trường.
Họ phải luôn chứng minh được cho khách hàng của mình thấy rằng, họ là chuyên gia, là người giỏi nhất, kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực đó. Nhìn lại hành trình trở thành “biểu tượng” của chiếc đồng hồ Rolex, chúng ta có thể thấy được điều này. Năm 1931, Rolex đăng ký bản quyền chiếc đồng hồ lên giây vĩnh cửu đầu tiên trên thế giới.
Năm 1945, Rolex lại tiếp tục trở thành chiếc đồng hồ đầu tiên có cửa sổ ghi nhận ngày tháng. Và từ đó đến nay, Rolex liên tục thay đổi công nghệ để trở thành công ty sở hữu: chiếc đồng hồ lặn biển đầu tiên, chiếc đồng hồ ghi nhận cùng lúc hai múi giờ khác nhau đầu tiên…
Và Rolex luôn không ngừng việc tái khẳng định chất lượng của mình, bằng cách gửi những chiếc đồng hồ đến Đài thiên văn Thụy Sĩ để được chứng nhận độ chính xác đến từng mili giây của nó.
iPhone cũng là sản phẩm như vậy, khi luôn là người tiên phong, kẻ tạo ra những sự đột phá công nghệ, kể từ khi chiếc iPhone đầu tiên ra mắt cho đến ngày nay.
Tạo ra “sự nổi bật” cho người sử dụng
Chúng ta hay nói vui, đồ trang sức cao cấp đã có mặt trên trái đất từ rất lâu, khoảng 100.000 năm trước, vào thời kỳ đồ đá, khi mà con người biết sử dụng vỏ sò, vỏ ốc và sau này là vàng bạc, đá quý… nhằm thể hiện “đẳng cấp” của mình với cộng đồng.
Khi đã bỏ tiền ra để sở hữu một sản phẩm hàng cao cấp, một sản phẩm đắt tiền, nhu cầu cơ bản của chúng ta là phải được mọi người công nhận, được mọi người biết và được mọi người trầm trồ thán phục. Đây cũng chính là lý do vì sao những thương hiệu thời trang nổi tiếng, những dòng xe sang trọng, luôn tạo ra một biểu tượng đẹp, một biểu tượng đặc trưng và gắn vào mọi sản phẩm của mình.
Apple cũng dùng cách này với các dòng sản phẩm của họ. Đầu tiên là chiếc tai nghe màu trắng gắn với sự thành công của iPod. Khi mà cả thị trường lúc ấy tràn ngập những chiếc tai nghe màu đen cùng với những chiếc máy nghe nhạc Walkman cồng kềnh, dây tai nghe màu trắng chính là điểm nhấn, giúp bạn báo hiệu cho mọi người biết rằng: “Xem này, tôi có một chiếc iPod. Tôi có một máy nghe nhạc sành điệu”.
Tiếp theo, Apple sử dụng cách này để “cao cấp hóa” dòng sản phẩm iPhone. Họ tạo ra phiên bản màu vàng độc quyền chỉ có trên iPhone 5S. Rồi màu vàng hồng độc quyền chỉ có trên iPhone 6S, và mới đây là “cơn sốt” tai nghe không dây của iPhone 7, thứ có thể khiến bạn không cần thể hiện điều gì nhưng ai cũng biết bạn đang sở hữu thứ gì trong túi xách.
Không phải là thứ dễ dàng có được
“Đừng nói rằng đó là một thương hiệu hàng cao cấp nếu mọi người trên hành tinh này đều có thể mua được sản phẩm của bạn”, Barbara Coignet – chuyên gia đến từ 1.618, một tổ chức ủng hộ ngành công nghiệp hàng cao cấp, đã kết luận như vậy. Bởi chúng ta đều biết, thứ gì càng khó khăn có được thì chúng ta lại càng trân trọng và càng muốn sở hữu.
“Làm khó” khách hàng của mình một cách thông minh, những thương hiệu hàng cao cấp càng tạo ra sức hút khiến khách hàng không thể cưỡng lại. Với Rolex, Gucci là việc họ cắt giảm số lượng các đại lý phân phối, khắt khe trong việc hợp tác nhượng quyền, nhằm khiến sản phẩm của mình “khó tìm” hơn. Với Hermès là việc họ đã bỏ đói thị trường.
Khi khách hàng phải đợi sáu tháng hoặc hơn mới có thể mua được những sản phẩm nổi tiếng nhất là túi Kelly và Birkin (mỗi chiếc được làm hoàn toàn thủ công, bởi một người thợ duy nhất). Còn với Apple, cụ thể là dòng sản phẩm iPhone, thì sự khó khăn nằm ở việc họ liên tục tạo ra những sản phẩm mới nhằm đánh bại chính dòng sản phẩm cũ của mình, khiến khách hàng chỉ có thể sở hữu được chiếc iPhone “đẳng cấp” nhất trong một khoảng thời gian ngắn.