Những năm gần đây, thị trường chế tác và kinh doanh đồ thủ công ngày càng sôi động. Xu hướng chọn vật dụng và trang trí nhà cửa bằng đồ handmade lan rộng đã mang đến cơ hội cho nhiều người trẻ thích sáng tạo. Đặc biệt, nhờ sự phát triển của các phương tiện bán hàng online, nhiều người dù bắt đầu từ số vốn khiêm tốn nhưng vẫn nhanh chóng tạo dựng được thương hiệu.
Nhạy bén với xu hướng thẩm mỹ mới
Một năm qua, hàng chục quán cà phê nổi tiếng của Hà Nội đã trở thành khách hàng của Handyman, một thương hiệu sản phẩm trang trí nhà cửa mới xuất hiện từ tháng 7-2015. Đoàn Mạnh, người xây dựng Handyman này chưa tốt nghiệp đại học nhưng đã trải qua nhiều nghề khác nhau như bồi bàn, bán quần áo, marketing, bất động sản… Khởi đầu với số vốn 50 triệu và sở thích tự làm ra những món đồ nhỏ bằng gỗ như muỗng, thớt, vỏ chai rượu, rồi tới bàn, ghế… đến nay, ngoài cung cấp vật dụng cho các quán cà phê, Handyman đã tiến đến nhận đơn đặt hàng thiết kế nội thất – không gian cho nhiều quán. Không dừng lại ở đó, Đoàn Mạnh cho biết qua năm sau, doanh nghiệp của anh sẽ bắt đầu tham gia mảng kiến trúc. Phân khúc mà Handyman hướng tới sẽ là nhà trên cây, nhà trong rừng, nhà dưới lòng đất và vài dự án cộng đồng…
Để gây được sự chú ý ban đầu, các sản phẩm của Handyman được thực hiện rất tỉ mỉ qua từng công đoạn từ thiết kế tới sản xuất. Đoàn Mạnh phải dành nhiều thời gian thử nghiệm từng sản phẩm vì muốn đáp ứng nhu cầu của các quán cà phê cao cấp, sản phẩm không chỉ đẹp, lạ mắt mà còn phải được tính toán cải tiến cho bền chắc, tiện sử dụng cho từng mục đích, an toàn cho mọi đối tượng người tiêu dùng. Với Đoàn Mạnh, việc biến các vật liệu thành sản phẩm cũng giống như trò chơi lego, người làm cần xếp chúng với nhau sao cho hợp lý nhất, có thể theo khuôn mẫu, có thể không. Anh cho biết bên cạnh chuyện đảm đương việc kinh doanh liên tục mở rộng, trong giai đoạn trước mắt anh vẫn phải dành nhiều thời gian học về vật liệu, làm sao cho phối hợp chúng với nhau tốt nhất về mặt công năng cũng như thẩm mỹ, thi thoảng có thể “nghịch ngợm” chúng một chút cho khác biệt.
Cũng tạo được những thành công bước đầu sau một năm làm việc hết mình với đam mê, nhưng thương hiệu Triangle Concept tại TP. Hồ Chí Minh gây ấn tượng với cộng đồng làm đồ handmade khi chọn nguyên liệu chính là xi măng. Trên thế giới, việc đổ khuôn xi măng lỏng làm đồ trang trí đã khá phổ biến, còn ở Việt Nam, vật liệu này hầu như chưa bao giờ gắn với những món đồ tinh xảo mang tính mỹ thuật. Với sự yêu thích phong cách tối giản, hai cô gái trẻ Lê Ngọc Quỳnh và Nguyễn Thị Hương Thảo đã kiên trì tự mày mò gần năm tháng trời để tìm được công thức pha xi măng lỏng sao cho đều tay và ổn định. Từ công thức này, thêm đôi bàn tay khéo léo cộng với óc sáng tạo, những chậu hoa nhỏ, mặt ghế, các đồ trang trí nhẹ với bề mặt mịn đã ra đời và nhanh chóng được đón nhận trên các kênh bán hàng trực tuyến. Bên cạnh khách lẻ, Triangle Concept cũng bán được số lượng lớn sản phẩm đến đối tượng khách hàng là chủ vườn hoa, cây cảnh ở Quảng Ngãi, Đà Lạt, Đà Nẵng. Sản phẩm của Triangle Concept đã đáp ứng một xu hướng mới trong bài trí cây cảnh hiện nay là tối giản và sử dụng chậu xi măng như một gam màu trầm nhằm làm nổi bật cây xanh. Sau một năm chính thức ra mắt, Ngọc Quỳnh, Hương Thảo đã đưa được sản phẩm vào nhiều cửa hàng nội thất và mở được cửa hàng của mình ở quận 1. Bên cạnh kinh doanh, hai cô gái còn có kế hoạch mở workshop để chia sẻ cảm hứng, kinh nghiệm làm đồ thủ công với người chung sở thích.
Làm giàu từ những thứ bỏ đi
Khởi nghiệp từ đống vải vụn với số vốn 1 triệu đồng khi còn là sinh viên năm nhất, sau mười năm, Trần Phương Huyền đã được nhiều người biết đến với hệ thống cửa hàng bán gối thủ công Take One trên cả nước. Gia đình có nghề may quần áo nên từ nhỏ Phương Huyền sớm tiếp xúc với vải vóc, kim chỉ. Thấy vải thừa lãng phí, chị tỉ mẩn khâu vá, làm áo búp bê, khăn, gối tặng bạn. Chị ghép các miếng vải thành tên, lời nhắn trên khăn gối nên được một số bạn bè đặt hàng làm quà tặng. Sau những chiếc gối đầu tiên bán được với giá 50.000 đến 70.000 ngàn đồng, Phương Huyền bắt đầu mở cửa hàng tại nhà ở Hà Nội với tên Take One nhằm nhấn mạnh tính sáng tạo, độc đáo của từng sản phẩm. Sản phẩm Take One hiện có mặt rộng rãi ở các thành phố lớn, các kênh bán hàng online và còn được xuất khẩu sang Đông Âu. Trần Phương Huyền chia sẻ yếu tố quan trọng giúp cô thành công là: “Đam mê và có định hướng”.
Gần đây, xu hướng Upcycling – chỉ việc tái chế một đồ vật cũ thành sản phẩm đang ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam. Từ những đồ lưu niệm chủ yếu bán cho khách nước ngoài, xu hướng này đang lan rộng với đối tượng khách hàng là người trong nước và sản phẩm không chỉ để trang trí mà còn có công năng sử dụng thực tế. Tại cửa hàng Đồng Nát Décor (Hoàng Cầu, Hà Nội), nhiều vỏ chai rượu được làm thành chóa đèn, lọ cắm hoa rất đẹp, những chiếc phích cũ cũng được làm thành đèn ngủ độc đáo… Anh Trần Vũ Hải – chủ nhân của cửa hàng vốn làm việc trong lĩnh vực kiến trúc, khi nhận thấy xu thế thích các sản phẩm tái chế có cá tính riêng của khách hàng đã nảy ra ý tưởng thu mua một số đồ “đồng nát” để tạo thành các sản phẩm mới. Tại Đồng Nát Décor, sau khi phân loại và tìm ý tưởng sáng tạo cho từng món đồ thu thập được, việc tạo thành những sản phẩm mới cũng cần rất nhiều sự kiên nhẫn vì công việc tái chế cần kết hợp giữa sáng tạo thủ công với máy móc, công cụ – những thứ Việt Nam không có sẵn. Trần Vũ Hải phải mua đồ cũ từ nước ngoài và sửa lại để phù hợp với hoạt động, quy trình của xưởng sản xuất. Khi cắt xong, để sản phẩm được nhẵn và mịn lại phải trải qua công đoạn mài khô, mài cho đỡ xước, đánh bóng. Nhưng đây mới chỉ xong phần thô, dựa vào mục đích sử dụng mà những sản phẩm này sẽ được gia công thêm. Sản phẩm bán được không chỉ đẹp, tiện dụng mà còn gợi nhớ một kỷ niệm hay thời kỳ nào đó với khách hàng…
Khi nhu cầu đời sống ngày càng đa dạng, lĩnh vực chế tác đồ thủ công không chỉ là thú chơi mà còn mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều người đủ đam mê và kiên trì. Đòi hỏi vốn ít, quay vòng vốn nhanh, có thể bán dễ dàng trên các kênh online, đó là các yếu tố khiến thị trường kinh doanh đồ handmade ngày càng sôi động, đặc biệt là trong giới trẻ.
Cẩm Tú (DNSGCT)