Hãng tin Reuters cho biết ngày 31-8 Tập đoàn vận tải biển khổng lồ Hanjin Shipping của Hàn Quốc đã nộp đơn xin tòa án thụ lý tài sản, sau khi các ngân hàng quyết định chấm dứt hỗ trợ tài chính cho họ, trong khi các cảng biển từ Trung Quốc tới Tây Ban Nha, Mỹ và Canada đồng loạt từ chối cho tàu của đại gia này cập cảng. Lý do là những nhà cung cấp dịch vụ về container tại các cảng từ chối phục vụ tàu của Hanjin vì e ngại sẽ không được thanh toán tiền.
Sự sụp đổ của hãng vận tải tàu lớn thứ bảy thế giới này đã gây ra nhiều xáo trộn trong thương mại toàn cầu, đặc biệt lại diễn ra vào chính thời điểm sôi động nhất hằng năm của hoạt động vận tải biển thế giới nhằm vận chuyển hàng hóa phục vụ cho các kỳ nghỉ cuối năm.
Theo báo cáo tài chính của Hanjin, họ đã nợ khoảng 5 tỉ USD tại thời điểm cuối năm 2015. Cũng trong năm 2015, Hanjin đã đệ đơn lên các chủ nợ và Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (Korean Development Bank – KDB) về việc tái cấu trúc nợ và gói cứu trợ để bù lại việc cắt giảm tài sản và cắt giảm chi phí thuê tàu, nhưng chủ nợ chính là Ngân hàng KDB không hồi đáp thông điệp này. Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc đã cảnh báo rằng nếu không có các khoản cắt giảm đáng kể trong giá thuê tàu thì chính phủ sẽ không còn lựa chọn nào khác là buộc phải để hãng tàu lớn nhất Hàn Quốc nằm dưới sự kiểm soát của các chủ nợ. Trong nửa đầu năm nay, Hanjin lỗ ròng 437 tỉ won, tương đương 423 triệu USD. Hiện hãng có 95 tàu container đang hoạt động nhưng trong đó 58 tàu là được thuê lại. Đây có thể là vụ phá sản lớn nhất từ trước đến nay trong ngành vận tải biển, vượt qua vụ phá sản của hãng United States Lines vào năm 1986.
Ngành vận tải biển toàn cầu đã gặp nhiều khó khăn do dư thừa công suất và nhu cầu suy giảm do sự giảm tốc của kinh tế thế giới. Trong khi đó, tuy chưa đến mức lâm cảnh bi đát như Hanjin nhưng các hãng đóng tàu và vận tải biển của Hàn Quốc – vốn giữ vai trò động lực cho nền kinh tế hướng ra xuất khẩu của nước này suốt nhiều thập niên qua – hiện đang trong quá trình tái cơ cấu đầy khó khăn. Theo Viện Nghiên cứu Hàng hải Hàn Quốc, cước vận tải bằng đường biển từ Busan tới Mỹ sẽ tăng 27% và từ Busan tới châu Âu sẽ tăng 47% trong ngắn hạn, khiến các nhà xuất khẩu Hàn Quốc phải tiêu tốn thêm trên 440 tỉ won mỗi năm. Các chủ hàng và các nhà trung chuyển hàng hóa đang sử dụng dịch vụ của hãng tàu lớn nhất Hàn Quốc Hanjin đang đứng ngồi không yên vì việc hàng xuất đi và nhập về đang kẹt trên các con tàu của hãng này. Tàu của Hanjin thời gian gần đây không dám ghé nhiều cảng quốc tế ở châu Á, châu Âu và Mỹ do sợ bị giữ tàu sau khi hãng gặp nguy cơ phá sản.
Theo tin từ giới kinh doanh vận tải biển, hiện các chủ hàng ở Việt Nam liên quan đến Hanjin đang rất lo lắng vì việc giải phóng hàng hóa của họ trên các con tàu của hãng này phải đợi các phán quyết từ Tòa án Trung tâm Quận Seoul (Hàn Quốc), mà các quyết định này thường phải sau một vài tháng mới được ban hành.
Đ.N (DNSGCT)