Từ hàng chục năm nay, bệnh thành tích đã làm sai lệch các dữ liệu và số liệu thống kê, nay thì lần đầu tiên điều này được thừa nhận.
Trong buổi làm việc với Tổng cục Thống kê và các Bộ vào tuần qua, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết số liệu thống kê không xác thực nhiều lúc đã làm Chính phủ rất lúng túng trong điều hành kinh tế. Ông Huệ trích dẫn số liệu thịt heo xuất khẩu là 200.000 tấn, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong khi con số này lên tới 300.000 tấn, theo Bộ Công thương. Ông nói: “Chúng tôi không biết tin vào số nào để điều hành kinh tế vĩ mô”.
Theo ông, đây là một loại bệnh thành tích cần phải loại bỏ. Tự thân các cán bộ thống kê phải nghiêm túc, trung thực với con số thực tế. Phó thủ tướng cũng lo ngại về việc nhiều lĩnh vực không thống kê được, như những mặt hàng kinh doanh không có thu thuế, không có kế toán, không hạch toán.
“Số liệu lao động nông thôn và nông nghiệp, số lượng và chất lượng lao động ở khu vực này như thế nào? Tôi rất băn khoăn về vấn đề này”. Ông nêu vấn đề như trên và giải thích là hiện nay ở nhiều tỉnh ruộng đất nông nghiệp nằm ngay khu công nghiệp.
Nhiều địa phương cũng thắc mắc về cách tính dân số. Chẳng hạn, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương có hàng triệu lao động, tuy không phải dân số của địa phương nhưng lại sinh sống thường xuyên ở những nơi này, trong khi các nơi ấy vẫn chỉ thống kê dân số tại địa phương.
Nhắc lại câu chuyện nhiều sinh viên phải giấu bằng đại học để đi làm công nhân, rồi tỷ lệ lao động qua đào tạo, ông Huệ cho biết Chính phủ rất quan tâm đến những con số này:
“Tỷ lệ thất nghiệp ở nông thôn và thành thị ra sao vì không có số liệu cụ thể, rồi tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm như thế nào?”.
Phó thủ tướng đề nghị Tổng cục Thống kê cần nghiên cứu dữ liệu thương mại của Việt Nam – AEC sau khi AEC có hiệu lực từ đầu năm nay. “Thái Lan vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu ôtô sang Việt Nam. Việt Nam rất dễ trở thành vùng trũng tiêu thụ của AEC. Tôi rất cần số liệu”, ông nói.
Phó thủ tướng cũng phê bình, số liệu về doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp rất mù mờ, giá trị sử dụng rất thấp. Ông đặt câu hỏi, số liệu doanh nghiệp đang hoạt động, doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp quay trở lại, doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động, rồi vốn của doanh nghiệp giải thể bao nhiêu, có bao nhiêu lao động mất việc làm? Rồi có bao nhiêu doanh nghiệp có lãi, bao nhiêu doanh nghiệp nộp thuế, nộp bao nhiêu thuế?
Ông nói: “Tôi đặt hàng luôn với Tổng cục Thống kê để có các con số cụ thể đó”.
Tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng một số ban ngành và địa phương thiếu hợp tác và kiến nghị, Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt lãnh đạo các cấp ở địa phương “nói không với bệnh thành tích” và “không gây áp lực” cho ngành Kế hoạch và Đầu tư và Thống kê.
Ông Lâm đề nghị Chính phủ yêu cầu các địa phương chỉ sử dụng và công bố số liệu thống kê theo quy định của Luật Thống kê; đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ lùi thời gian họp định kỳ hằng tháng của địa phương để giúp các Cục Thống kê cấp tỉnh thu thập, tính toán và cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác hơn.
Bài viết mới nhất trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn liên quan đến số liệu tăng trưởng GDP của chúng ta là một dẫn chứng thuyết phục.
Nhìn vào số liệu giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của hai nhóm ngành nông nghiệp và công nghiệp, có thể thấy tỷ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất đều sụt giảm trong giai đoạn từ năm 2000-2013. Đặc biệt, với nhóm ngành công nghiệp, tỷ lệ này giảm từ 34,7% trong năm 2000 xuống chỉ còn 21,7% trong năm 2013. Điều này cho thấy phần giá trị gia tăng của nhóm ngành công nghiệp mà nền kinh tế nhận được ngày càng nhỏ đi khá nhiều so với giai đoạn trước. Nó cũng cho thấy tình hình sản xuất công nghiệp của Việt Nam ngày càng mang tính gia công, lắp ráp một cách toàn diện. Tỷ lệ này đối với nhóm ngành nông nghiệp tuy không giảm mạnh như nhóm ngành công nghiệp, nhưng cũng có xu hướng giảm (từ 68% năm 2000 xuống 63% năm 2013).
Cấu trúc ngành như vậy cho thấy hiệu quả sản xuất của các ngành sản xuất vật chất của Việt Nam ngày càng kém, sản xuất dù nhiều, xuất khẩu dù nhiều nhưng phần Việt Nam nhận được ngày càng ít. Quá trình công nghiệp hóa như cách làm hiện nay có thể không hiệu quả, mà chỉ làm đất đai bị sử dụng lãng phí, tài nguyên mất đi và môi trường bị hủy hoại. Hơn nữa cấu trúc kinh tế này khi tham gia hội nhập càng sâu càng bộc lộ nhiều điểm yếu. Thế nhưng, hiện nay, hầu hết các nhà hoạch định chính sách và cả các tổ chức quốc tế đều chỉ nhìn vào công bố tăng trưởng GDP để vui, buồn và bình luận!
Nhìn kỹ vào số liệu giá trị tăng thêm ngành được tính vào GDP và số liệu về giá trị sản xuất thì thấy một điều dường như nghịch lý: khi tỷ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất giảm rất mạnh thì tốc độ tăng trưởng của giá trị gia tăng lại luôn bằng với tăng trưởng của giá trị sản xuất. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào yếu tố tăng giá của đầu vào và đầu ra. Việc tỷ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất giảm mạnh mà tăng trưởng y hệt nhau chỉ xảy ra khi giá đầu vào giảm mạnh và giá bán tăng mạnh. Thực tế những năm vừa qua cho thấy điều này hoàn toàn không xảy ra, nhất là đối với nhóm ngành nông nghiệp và công nghiệp gia công.
Như vậy, nếu tính toán nghiêm túc theo chuẩn mực giảm phát đầu ra và các yếu tố đầu vào, có thể mức tăng trưởng GDP thực sự không như đã công bố. Với cách tính toán như hiện nay, dù nền kinh tế xuất siêu hay nhập siêu cũng không ảnh hưởng gì đến tăng trưởng GDP; cá chết, biển chết, hạn hán xâm nhập mặn, lũ ống, lũ quét… dường như cũng không ảnh hưởng gì đến tăng trưởng GDP.
Một điều trớ trêu là dù tỷ lệ đầu tư so với GDP giảm gần 10 điểm phần trăm từ năm 2010 đến nay (từ trên 40% xuống trên 30%) nhưng dường như GDP vẫn tăng trưởng khá.
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng vừa ký quyết định về kế hoạch kiểm tra việc triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Mục đích của kế hoạch nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả, bảo đảm tiến độ thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong quá trình kiểm tra sẽ tập trung vào vấn đề cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục không còn phù hợp, bảo đảm giảm ít nhất 10%/năm về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính; việc thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý kiến nghị và kết quả xử lý kiến nghị của người dân và doanh nghiệp; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước; đồng thời kiểm tra việc chấp hành chế độ báo cáo của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Đánh giá về công tác thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh tại một hội nghị đầu tuần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét hiện còn nhiều trường hợp nhũng nhiễu dân, nhất là những cấp liên quan đến người dân và doanh nghiệp.
Ông cho rằng trước đây chúng ta chỉ quan tâm ban hành chính sách nhằm quản lý chặt chẽ theo hướng tạo thuận lợi cho cơ quan Nhà nước, chưa quan tâm đến đối tượng chịu tác động cũng như ảnh hưởng của chính sách đó trong xã hội.
Một báo cáo của Chính phủ về nội dung này cũng nhìn nhận, còn tình trạng văn bản pháp luật ban hành chậm, nhất là thông tư hướng dẫn thi hành pháp luật; một số quy định chưa khả thi, còn nhiều vướng mắc; thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực còn phiền hà, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều nơi người dân và doanh nghiệp vẫn ca thán thủ tục hành chính “hành là chính”.
Gia Minh (DNSGCT)