Sau ba giờ lái xe từ Rome, chúng tôi đến với Gubbio, một thị trấn cổ thuộc vùng Umbria miền Trung nước Ý. Vòng vèo xung quanh các con đường cong xoắn ốc trên núi Ingino, mọi người mới biết được rằng để lên được trung tâm phố cổ này còn phải đi bộ qua một con đường dốc đứng đầy sỏi đá giữa cái nắng đã bắt đầu gay gắt. Nhưng khi đặt chân đến quảng trường Piazza Grande nằm giữa các dãy phố cổ duyên dáng của thị trấn, ai nấy nhanh chóng quên đi sự mệt nhọc khi leo dốc lúc nãy.
Gubbio nhìn từ trên cao
Vẻ đẹp Nam Âu quyến rũ
Với 33.000 cư dân, Gubbio là thị trấn lớn nhất thủ phủ Perugia. Du khách tìm đến đây để được sống trong một đời sống khác – một thành thị Nam Âu thời xa xưa với những ngôi nhà thanh lịch bằng gạch đã bạc màu từ thế kỷ XIV, XV tầng tầng lớp lớp san sát bên nhau, những bậc thang được trang trí bằng các giỏ hoa đỏ, vàng, cam… rực rỡ và cảnh quan đẹp đến sững sờ hiện ra ở nhiều góc độ của thị trấn. Kiến trúc ở Perugia khá đặc trưng với phong cách Etruscan, một dân tộc mà ngày nay còn rất ít tư liệu lịch sử ghi lại, chỉ còn lại một số di tích ở miền Trung nước Ý. Đâu đâu cũng thấy những ngôi nhà bằng đá, xù xì, với mái vòm và cổng vòm trang nghiêm. Màu đá xám của cả thị trấn dễ bị ánh nắng mặt trời nhuộm màu nên thường ửng hồng vào mỗi sớm mai, vàng óng và lấp lánh lúc ban trưa rồi thành màu đỏ cam khi chiều xuống.
Tại Grande Piazza, chúng tôi nhanh chóng bị cuốn hút bởi Palazzo dei Consoli, một tòa nhà Gothic cao chót vót xây bằng đá vôi có các cửa sổ hẹp và cong. Đây là nơi Hội đồng thị trấn họp trong thời Trung cổ. Ngày nay cung điện này được trùng tu thành phòng trưng bày nghệ thuật và bảo tàng để lưu giữ những bức tranh mà các trường học vùng Umbria và các nhà khảo cổ tìm thấy, cũng như giới thiệu cho du khách có dịp chiêm ngưỡng các tấm phù điêu Iguvine nổi tiếng. Nhiều du khách nấn ná khá lâu bên bảy tấm phù điêu bằng đồng được tạo ra giữa thế kỷ thứ I và thứ III trước Công nguyên này. Những dòng chữ khắc trên các tấm đồng mô tả các nghi lễ tôn giáo xa xưa của Gubbio bằng thứ ngôn ngữ vùng Umbria cổ thật huyền bí và cuốn hút. Ra ngoài cung điện, chúng tôi phải nghểnh cổ mới có thể chiêm ngưỡng ngọn tháp chuông bên trên tòa nhà. Đó là một khối vuông nhỏ chứa bên trong một quả chuông nặng hai tấn. Người trông coi tòa nhà cho biết rằng người đánh chuông phải sử dụng chân để điểm chuông. Cách mô tả hình ảnh những người đàn ông nằm dài và dùng chân đá quả chuông khổng lồ như trẻ con làm nhiều du khách phải phì cười.